"Không thể thay đổi phương pháp dạy học chỉ vì một vài trường hợp cá biệt, giáo dục là phải nghiêm khắc".
Phụ huynh ngày càng bênh con
Mới đây, một phụ huynh bức xúc chia sẻ trên trang cá nhân về việc bên trong cánh cửa trường THPT Lương Thế Vinh, phàn nàn cô giáo chủ nhiệm bắt con mình viết quá nhiều bản kiểm điểm chỉ vì nói chuyện trong lớp, đi muộn, ngủ gật trong giờ, không ghi chép bài trên lớp đầy đủ, lượng bài tập về nhà thì luôn rất nhiều...
Sau đó còn quyết định chuyển trường cho con vì nhà trường không đổi giáo viên chủ nhiệm, khẳng định nhà trường có lối giáo dục quá hà khắc.
Là người dành 30 năm tâm huyết cho ngôi trường với bao lớp học sinh ra trường, thầy Văn Như Cương - Chủ tịch Hội đồng quản trị trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết: "Hiện nay, đang có hai luồng ý kiến về cách giáo dục con cái, một là, học sinh 100% đúng; hai là, không phải trẻ lúc nào cũng đúng.
Ngay từ khi thành lập trường, tôi đã thực hiện quan điểm học sinh không phải luôn luôn đúng, tất cả các em phải nhận được sự giáo dục của nhà trường, gia đình, xã hội thì mới có thể đúng, còn nếu xác định học sinh luôn luôn đúng thì không cần phải giáo dục.
Tôi cũng mong các bậc làm cha làm mẹ hãy thận trọng và bình tĩnh khi nhận xét và đánh giá con cái của mình. Một số phụ huynh luôn luôn cho rằng con mình cái gì cũng nhất: xinh đẹp, thông minh, tài năng, trí tuệ… Họ tâng bốc con và làm cho đứa con cũng cảm thấy mình hơn người.
Thầy Văn Như Cương - Chủ tịch HĐQT trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) |
Chính vì thế mới sinh ra những đứa trẻ kiêu căng, tự phụ. Đối với con cái, nếu “yêu cho roi cho vọt” là quan điểm sai lầm thì “yêu cho ngọt cho bùi” cũng sai lầm không kém.
Yêu thương con đến mức chỉ cần con bị người khác đụng chạm một chút thì kêu toáng lên, thiết nghĩ đừng thương các con đến mức như vậy. Trẻ sẽ thấy mình là trung tâm của vũ trụ.
Thậm chí có những ông bố bà mẹ không cho con làm bất kỳ việc gì, thế là có những đứa trẻ không bao giờ biết làm việc, kể cả những việc đơn giản như: quét dọn nhà cửa, lau rửa bát đĩa, ấm chén, tưới cây nhổ cỏ…Lớn lên chắc chắn chúng sẽ thành những kẻ lười biếng, xem thường lao động chân tay, coi kinh những người lao động.
Là một thầy giáo lâu năm, tôi tin rằng: Không có lao động thì không có sáng tạo. Một người lười lao động thì chắc chắn không làm việc gì thành công".
Bên cạnh đó, theo ông Cương, những năm gần đây, khi kinh tế ngày càng phát triển, đời sống người dân được nâng cao, thì tâm lý của các bậc phụ huynh cũng dần thay đổi.
Có nhiều phụ huynh nhận ra khuyết điểm của mình trong cách dạy dỗ con, tán thành đường lỗi giáo dục của nhà trường, nhưng cũng có nhiều phụ huynh phản ứng như trường hợp vừa qua.
"Tôi từng gặp một phụ huynh cũng xin chuyển trường cho con vì đánh giá thầy giáo quá hà khắc, chúng tôi cũng tạo điều kiện tự nguyện ra khỏi trường chứ không phải bị nhà trường đuổi.
Có nhiều em đang học ở trường lớp 7, rồi bố mẹ chuyển sang trường khác, nhưng sau một năm lại chuyển về và khi quay lại với nhà trường thì tự khác thấy môi trường quá tốt. Có những em học hành tốt hơn và cú ngã ở Lương Thế Vinh là điểm tựa, tôi luôn mừng khi gặp lại các em.
Cho nên dù phụ huynh có bênh con em mình thì nhà trường chúng tôi không nhân nhượng, vì tất cả đã được nêu rõ trong bản cam kết học sinh khi vào trường bằng các quy định cụ thể. Không thể thay đổi phương pháp dạy học chỉ vì một vài trường hợp cá biệt, giáo dục là phải nghiêm khắc", ông Cương nhấn mạnh.
Biến con thành quả trứng dễ vỡ
Ở góc độ khác, theo thầy Văn Như Cương, còn nhớ trước đó bản thân ông từng chia sẻ câu chuyện về kỳ học quân sự của các học sinh ở trường mình.
Khóa học ngắn ngủi nhằm rèn luyện tính tự lập cho trẻ nhưng không ít bố mẹ lại lo lắng lên tiếp tế cho học sinh, thậm chí có phụ huynh lo con chỉ biết uống nước nhập ngoại, sợ không biết uống nước của ta.
Đoạn chia sẻ của phụ huynh |
"Việc làm này tôi cho là sai lầm, xem con như quả trứng dễ vỡ không dám đưa ra ngoài thực tế, trong khi trẻ cần phải va chạm cuộc sống, thân thiết với bạn bè. Qua đây để thấy rằng phụ huynh lo lắng cho con đi học là đúng nhưng không nên thái quá.
Tôi cũng sẽ không thay đổi cách giáo dục vì biết bao lứa học sinh ra trường và thành công, nên việc hài hòa giữa phụ huynh và nhà trường là do mỗi người nhìn nhận và đánh giá.
Chúng ta cần thực hiện tốt phương châm phối hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội cùng giáo dục các em sẽ tốt hơn. Nếu chỉ cưng chiều quá mức như trên thì các em sẽ dễ trở thành những "chú gà công nghiệp" mà khó có thể thành công sau này được", ông Cương chỉ rõ.
"Bênh con hơi thái quá"
Trước sự việc trên, cũng rất nhiều cựu học sinh của trường THPT Lương Thế Vinh bày tỏ quan điểm của mình, bạn Nguyễn Dũng viết: "Mình học 3 năm cảm giác trôi vèo. Lớp cũng nghịch, nhưng không vấn đề.
Trốn học tập thể đi đá bóng, ném bánh kem ra lớp (có dọn nhé), trốn học đi tập văn nghệ, học bình thường cũng đầy điểm liệt, đầu tóc, đi học muộn, nói chuyện là bình thường. Nhưng tóm lại là thầy cô nghiêm khắc là tốt cho mình thôi".
Trong khi, bạn Lê Bình cho rằng, nếu được chọn lại mình cũng vẫn chọn Lương Thế Vinh. Ngày đi học nghịch ngợm suýt bị đuổi học nhưng chưa bao giờ hối hận đã là học sinh nhà trường. Đọc bài viết trên, bản thân thấy vị phụ huynh kia bênh con hơi thái quá.
Hay bạn Vân Đào bình luận: "Xưa nay vẫn thế. Trước có mốt đầu sư tử, ai mà để là bị giám thị cầm kéo cắt, hơi tí gọi phụ huynh là bình thường"..
(http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/thay-van-nhu-cuong-giao-duc-la-phai-nghiem-khac-3343951/)
Ngày đăng: 22:36 | 28/09/2017
/ Theo Châu An/Báo Đất việt