Những lùm xùm gần đây về kỳ thi THPT quốc gia 2017 là sự phủ định lời Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga “đây là kỳ thi thành công nhất và ấn tượng nhất”.
Sau vài năm cải cách giáo dục, nhiều biện pháp đổi mới táo bạo đã được áp dụng tuy nhiên hiệu quả đạt được không biết đáng vui hay buồn, đáng mừng hay đáng lo bởi nhiều “chuyện lạ” khiến dư luận phải dở cười dở mếu.
Dư luận chưa kịp vội mừng trước cơn bùng nổ điểm 10, chưa thể lý giải được 3 điểm 10 chưa chắc đỗ vào ngành Công an, Quân đội thì lại ngã ngửa bởi 3 điểm/ 1 môn đã đỗ vào ngành Sư phạm. Chưa bao giờ ngành Sư phạm lại bất ngờ tuột dốc đến thê thảm như vậy.
Bên cạnh đó, việc học sinh đổ dồn xét tuyển ngành công an, quân đội khiến điểm chuẩn tăng kỷ lục, có những thí sinh đạt điểm tuyệt đối cũng không đỗ khiến không chỉ dư luận hoang mang mà nhiều chuyên gia ngành tỏ ra lo lắng về nguy cơ mất cân bằng ngành. Bởi đâu phải ngành nào thì cũng cần người tài, người giỏi. Trong khi thật ra các thí sinh chọn trường đa số lại vì lợi ích trước mắt chứ không vì đam mê.
Về vấn đề này, trả lời PV VTC News, Trần Trung Hiếu - Giáo viên Trường THPT chuyên Phan Bội Châu khẳng định, kỳ thi THPT quốc gia 2017 vừa qua là sự phủ định lời Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga “đây là kỳ thi thành công nhất và ấn tượng nhất”.
- Là người có kinh nghiệm nhiều năm trong ngành giáo dục, ông nhận định thế nào về kỳ thi THPT 2017?
Tôi khẳng định rằng kỳ thi THPT quốc gia 2017 vừa qua là sự phủ định lời Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga “đây là kỳ thi thành công nhất và ấn tượng nhất”.
Còn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thì nói chúng ta phải bình tĩnh để đánh giá đúng bản chất vấn đề... sau hàng loạt điều bất thường xảy ra trong mùa thi vừa qua khiến không chỉ học sinh, phụ huynh mà toàn xã hội lo lắng.
tran-trung-hieu-1619126
Thứ nhất, xuất hiện hàng ngàn điểm 10 và vô số điểm 9,75; 9,5. Đó là kết quả bất thường nếu so với kỳ thi THPT quốc gia 2016 và thêm một dấu hiệu cho thấy “căn bệnh thành tích” trong giáo dục và thi cử đã là bệnh “nan y” vô phương cứu chữa sau 10 năm triển khai chủ trương “Hai không” của Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân (2007-2017).
Căn nguyên dẫn đến kết quả với hàng ngàn điểm 10 chính là ở hình thức thi trắc nghiệm ở hầu hết các môn thi (trừ môn Ngữ văn), cụ thể hơn là do đề thi, thậm chí còn ở cả khâu coi thi (điều mà mấy ngày nay chưa ai nói tới).
Tôi xin nói thẳng rằng, có lẽ tôi hơi có chút hoài nghi về cái gọi là coi thi nghiêm túc của nhiều hội đồng coi thi ở nhiều địa phương trong kỳ thi vừa qua. Bản chất của hình thức thi trắc nghiệm 1 môn thi với thời gian 50 phút cho 40 câu hỏi trắc nghiệm thì chỉ cần các giám thị “lơ là” khoảng 5 phút thôi cũng đủ để các thí sinh “tương tác” với nhau để làm nên chuyện.
Chỉ cần liên hệ, so sánh đơn thuần về mặt cơ học về điểm số giữa 2 kỳ thi với 2 hình thức thi tự luận 2016 và thi trắc nghiệm 2017 là sẽ dễ dàng nhận ra ngay sự khác biệt và bất thường này. Và điều đó cũng dễ hiểu rằng, không phải tất cả những thí sinh đạt được điểm 10 năm nay lại giỏi hơn những thí sinh chỉ đạt 9,75 điểm, thậm chí 9,5 điểm. Không phải năm nay “cơn bão” điểm 10 ở nhiều môn thi trắc nghiệm lại vội vã đánh giá là chất lượng thí sinh năm nay cao hơn năm trước. Trong học tập và thi cử, không có hiện tượng “đột biến” một cách “phổ biến” như vậy.
Thứ hai, có sự tương phản giữa hai nhóm trường “đỉnh” và “đáy” trong điểm chuẩn xét tuyển. 30 điểm cũng có thể trượt nguyện vọng 1 ở một số trường công an, quân đội, y dược và 9 đến 10 điểm cũng có thể trúng tuyển vào các trường sư phạm. Số lượng đó, kết quả đó liệu có phản ánh chính xác mệnh đề “lượng đổi, chất đổi” hay không? Liệu có phải chất lượng học sinh lớp 12 năm nay giỏi hơn năm 2016? Cá nhân tôi xin khẳng định là không!
Thứ ba, có nên đặt ra vấn đề điểm ưu tiên như thế nào, mức độ nào, với đối tượng thí sinh nào để đạt sự công bằng trong tuyển sinh từ kỳ thi này?
Thứ tư, dù điểm chuẩn của nhiều trường top dưới khá thấp nhưng tỉ lệ “ảo” quá lớn của thí sinh đăng ký xét tuyển ban đầu so với hiện tại cũng đặt ra một vấn đề tồn tại hay không tồn tại một số khoa sư phạm, trường sư phạm không thật sự đủ thu hút thí sinh đăng ký xét tuyển.
Điều mà chúng tôi - những người đang công tác trong ngành thấy đau lòng là trong lúc Đảng, Nhà nước, quốc hội đã khẳng định trong các văn bản, nghị quyết quan trọng với những câu quen thuộc là “Giáo dục là quốc sách” là “hàng đầu” mà thực tiễn diễn ra lại trái ngược với đường lối, chủ trương mang tầm chiến lược đó.
Ngành giáo dục và đào tạo đã và đang triển khai Nghị quyết 29 của BCH TW “Đổi mới căn bản và toàn diện”, trong đó lấy yếu tố con người và chất lượng đội ngũ, chất lượng dạy học làm trung tâm mà với những mẻ trúng tuyển vào các trường sư phạm với điểm số như vậy thì đúng là quá nghịch lý!
Và điều mà chúng ta cần phải suy nghĩ và thấy xót xa hơn chính là việc đa phần những thí sinh chọn nguyện vọng xét tuyển vào các trường sư phạm năm nay thường có năng lực học khá thấp. Với đề thi trắc nghiệm năm nay, để làm được 15 điểm vủa 3 môn thi khối xét tuyển vào đại học là không quá khó cho những em có học lực trung bình. Câu nói “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” rất đúng qua kỳ đăng ký xét tuyển lần này. Nếu “mẻ” thí sinh chỉ đạt 9 đến 10 điểm (nhờ thêm điểm cộng ưu tiên) này sau 3 đến 4 năm sẽ trở thành những giáo viên với xuất phát điểm tệ hại như vậy thì đúng là một thảm họa.
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói “Nghề sư phạm là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Lẽ nào, bây giờ cái nghề này đã trở nên rẻ rúm vậy sao? Đỗ vào trường sư phạm bây giờ dễ thế sao?
Tôi cho rằng, các trường y - dược có điểm xét tuyển rất cao thì các trường sư phạm cũng nên vậy bởi chỉ có 2 nghề xưa nay mới được gọi là THẦY là thầy thuốc và thầy giáo. Cả hai nghề này đều cao quý và thiêng liêng, nghề thì cứu người và nghề thì dạy người. Trong xã hội, ngành nào cũng quan trọng, không có nghề nào là “chính”, là “phụ” và cũng không nên phân biệt nghề nào là sang trọng, nghề nào là thấp hèn. Còn nói điểm xét tuyển cao là do nhu cầu thì tôi cho là chưa thỏa đáng khi đặt nghề dạy học trong bối cảnh hiện nay.
- Vậy, theo thầy đâu là nguyên nhân căn bản nhất?
Theo quan điểm của cá nhân tôi, đó chính là hệ lụy tất yếu của mấy vấn đề sau:
- Thứ nhất, đó là sự lựa chọn mang tính “thực dụng” và “thực tế” của thí sinh và chúng ta cũng không nên trách các em về sự lựa chọn đó. Trong thực trạng tình hình kinh tế -xã hội hiện nay, trong bối cảnh Bộ GD&ĐT đang triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, biên soạn và ban hành sách giáo khoa mới trên tinh thần đổi mới, có lẽ đó là sự lựa chọn khôn ngoan và hợp thời. Vấn đề nan giải nhất hiện nay không phải là học trường nào mà là ra trường có có việc làm hay không. Đại học không phải là 1 sự lựa chọn duy nhất nhưng ai cũng muốn vào thi vào đại học.
Do nhiều nguyên nhân lịch sử để lại, hiện nay ở rất nhiều trường học, đặc biệt là bậc THCS, THPT diễn ra tình trạng thừa giáo viên. Điều quan trọng hơn, để có 1 “suất” hợp đồng, biên chế ở các trường phổ thông thì nhiều gia đình phải “chạy” rất nhiều tiền qua nhiều công đoạn mà nhiều khi còn rơi vào thảm cảnh “tiền mất, tật mang”. Và nếu xin được việc thì xét về đồng lương và thu nhập ngoài lương của giáo viên là có độ “vênh” so với nhiều ngành nghề khác.
- Thứ hai, sự tôn vinh của xã hội chưa tương xứng với công sức, nỗ lực, tâm huyết bỏ ra và chính sách đãi ngộ chưa thỏa đáng so với mặt bằng thu nhập chung của xã hội .
- Thứ ba, giáo viên hiện nay là 1 nghề chịu nhiều áp lực nghề nghiệp từ lãnh đạo ngành, địa phương, từ xã hội đến gia đình phụ huynh học sinh bởi căn bệnh “thành tích” với nhiều chỉ tiêu từ trên xuống dưới, từ TW đến cơ sở. Áp lực khách quan là xã hội luôn đòi hỏi họ phải tạo ra được nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhưng nếu khi họ phạm những sai sót, khuyết điểm, sai lầm thì bị công luận lên án gay gắt hơn nhiều ngành nghề khác.
Ngoài các nguyên nhân cơ bản đó, một sự tác động không hề nhỏ đến tâm lý, tư tưởng dẫn đến nhiều học sinh giỏi, thí sinh đạt điểm cao không đăng ký xét tuyển vào sư phạm chính là ý tưởng bỏ biên chế giáo viên của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT hồi tháng 5/2017. Dù các thành viên cao cấp của Chính phủ đã trả lời công khai và phủ nhận ý tưởng đó nhưng ít nhiều cái “dư âm” của nó vẫn còn phảng phất đâu đây đã góp phần ảnh hưởng đến sự lựa chọn của thí sinh khi chọn các trường sư phạm.
- Trong hội thảo giáo dục ngày 13/8, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ có nói sẽ quy hoạch lại ngành sư phạm. Thầy có suy nghĩ gì về việc này?
Quy hoạch là đúng và nói bao giờ cũng dễ hơn làm. Vấn đề là quy hoạch như thế nào để tránh sự đảo lộn trong ngành giáo dục và lãng phí nguồn nhân lực và vật lực của quốc gia. Tôi cho rằng, với tình trạng khủng hoảng thừa, thiếu giáo viên hiện nay ở nhiều trường sư phạm buộc lãnh đạo Bộ phải có những động thái kịp thời và quyết liệt. Sự ra đời ồ ạt một loạt các trường đại học ở hầu hết các địa phương trong gần 1 thập kỷ qua khiến nhiều người lo ngại chất lượng thực của nó theo kiểu “phổ cập đại học”!
Tôi thiết nghĩ, những trường sư phạm, khoa sư phạm nào không đủ điều kiện và năng lực đào tạo giáo viên nhưng với điểm xét tuyển thấp tệ như năm nay thì tạm thời dừng tuyển sinh ngay để tránh hậu quả tai hại không thể định lượng bằng số học. Điều đáng lưu ý là nếu rà soát, quy hoạch lại các trường sư phạm thì số cán bộ, giáo viên dư thừa sẽ giải quyết như thế nào khi họ vẫn còn sức khỏe, tâm huyết để đứng trên bục giảng? Đây là 1 bài toán vô cùng nan giải và phức tạp mà ngành giáo dục và các địa phương cần phối hợp để cùng “giải”.
Ngày đăng: 15:53 | 15/08/2017
/ Minh Khánh/VTC News