(NLĐO)- Trên Facebook cá nhân, GS.TS Phan Thanh Sơn Nam, Trưởng khoa Hóa, Trường ĐH Bách Khoa TP HCM vừa có những dòng tâm thư nhân dịp 20-11 về việc…không nhận hoa, quà của sinh viên.
Dòng thư có đoạn viết: "Đến hẹn lại lên, mùa 20-11 này, mình thật sự mong muốn các bạn sinh viên, các bạn học viên cao học, và các bạn nghiên cứu sinh đã từng làm việc với mình, hoặc đang làm việc với mình, hoặc sẽ làm việc với mình, vui lòng không mua quà hoặc mua hoa để tặng mình. Bạn nào có lòng, hãy dùng số tiền đó gửi vào Quỹ học bổng Cựu sinh viên Khoa Hóa để cùng chung tay chung sức với mọi người giúp đỡ cho các em sinh viên nghèo của nhà B2, và mình rất biết ơn bạn vì điều đó".
GS.TS Phan Thanh Sơn Nam (ngoài cùng bên trái), Ảnh: Facebook nhân vật
GS.TS Phan Thanh Sơn Nam cũng nói thêm rằng, anh không thanh cao hay cố làm ra vẻ thanh cao, mà vì bản thân cuộc sống đơn giản, không có nhu cầu đặc biệt cho bản thân, nhận quà cũng không có cơ hội dùng. Đồng thời anh chia sẻ thẳng thắn về quan điểm: "Giáo dục đại học ngày nay gần như là 1 dịch vụ, bạn có năng lực và bạn có tiền, bạn vào học; còn mình dạy bạn 1 ít kiến thức chuyên môn, mình cũng đã được nhà nước trả lương. Mình đang cố gắng để làm tròn trách nhiệm của mình thôi, và bạn không nợ nần gì mình cả. Nếu sinh viên muốn cảm ơn thì sống cho thật tốt, cố gắng mỗi môn chỉ cần học 1 lần duy nhất trong đời, phải nỗ lực vượt qua được đoạn đường thiên lý từ nhà B2 lên sân khấu A5 để nhận bằng tốt nghiệp, sau đó tìm được việc làm tốt, rồi tự lo được cho bản thân mình".
Tuy nhiên, người thầy này cũng bày tỏ quan điểm rõ ràng về giáo dục phổ thông. GS.TS Phan Thanh Sơn Nam cho rằng, giáo dục phổ thông thì khác, không phải là dịch vụ, và cá nhân thật sự không vui vì cái cách người ta đối xử với các thầy cô phổ thông. "Hàng năm, cứ đến ngày 20-11, bằng những câu khẩu hiệu sáo rỗng, bằng những lời lẽ văn hoa bay bướm, người ta như muốn phong thánh cho các thầy cô, và vì là thánh nên họ không được phép sống như người thường. Đáng buồn là, hết ngày 20-11, người ta lạnh lùng quay lưng đi để các thầy cô vất vả bươn chải trong cuộc sống cơm áo gạo tiền. Mình thì luôn nghĩ rằng trường sư phạm phải là nơi thu hút được những học sinh giỏi nhất, và sau đó đào tạo thành những con người giỏi nhất. Nhưng thực tế quá phũ phàng diễn ra ngay trước mắt đã làm chùn bước nhiều học sinh giỏi đang muốn tiếp bước các thầy cô của mình. Nếu muốn trăm năm sau có người giỏi đứng ra gánh vác chuyện nước non, trước hết xin hãy thật trân trọng các thầy cô phổ thông".
GS.TS Phan Thanh Sơn Nam là một trong 2 tác giả được nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu - Giải thưởng danh giá trong nước đầu tiên vinh danh các nhà khoa học có công trình khoa học xuất sắc mang tầm thế giới.
Thầy giáo quân hàm xanh chèo thuyền thúng đi dạy học sinh nghèo
Trung tá Mai Văn Sơn cho biết nhiều khi không thể đưa những đứa trẻ lên bờ học chữ, ông và đồng đội phải chèo ... |
Những người thầy đi qua đời tôi: Em nợ thầy một lời xin lỗi!
Tháng 11 – tháng của những kỷ niệm ngọt ngào về tình thầy trò lại về, và em một cô học trò bé nhỏ ngày ... |
Làm sao để nhà giáo thật vui và hạnh phúc trong ngày 20/11
LTS: Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, thầy giáo Hữu Sơn đưa ra những chia sẻ và quan điểm của mình về việc tổ chức ... |
http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/thay-giao-viet-thu-ngo-xin-khong-nhan-qua-20-11-20171115145805041.htm
Ngày đăng: 15:38 | 15/11/2017
/ Theo Hạ Văn/Người lao động