Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) hôm 3/6 (giờ địa phương) đã chính thức công bố gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Nga sau nhiều chia rẽ, tranh cãi trong nội bộ khối. Tuy nhiên, Moscow cho rằng, EU chỉ đang “tự lấy đá đập vào chân mình”.

Những rạn nứt sau một thỏa thuận

Được đánh giá là khá nặng và toàn diện, gói trừng phạt thứ 6 của EU bao gồm cấm vận dầu mỏ nhập khẩu, các hạn chế đối với ngân hàng và đài truyền hình Nga, và việc đưa vào danh sách đen các cá nhân mà Brussels cho là “tội phạm chiến tranh”. Cao ủy EU về Đối ngoại và Chính sách An ninh Josep Borrell nói rằng, động thái này là nhằm giới hạn “khả năng của Nga trong việc cung cấp tài chính cho cuộc chiến” tại Ukraine và cấm “các yếu tố gây nhiễu thông tin”.

Về cấm vận dầu, các nước EU có 6 tháng để ngừng nhập khẩu dầu thô của Nga và 8 tháng để chấm dứt nhập các “sản phẩm xăng dầu tinh chế khác”. Tuy nhiên, có một “ngoại lệ tạm thời” với thời hạn chưa xác định dành cho các quốc gia thành viên mà “vì đặc điểm địa lý, phụ thuộc riêng vào nguồn cung từ Nga và không có phương án thay thế đáng kể khác”.

Tuy không được nêu tên, hai nước Hungary và Austria được ngầm hiểu nằm trong số đó. Bulgaria and Croatia cũng được hưởng sự gia hạn đó để có thể tiếp tục nhập “dầu thô và khí đốt” vận chuyển bằng đường biển.

daumo-1654389567951
Trạm bơm tại giếng dầu Gremikhinskoye ở phía Đông Izhevsk, Nga. Ảnh: Reuters

Trong gói trừng phạt này, EU đã chặn thêm 3 ngân hàng Nga và một ngân hàng Belarus tham gia giao thức thanh toán quốc tế SWIFT (Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu). Lệnh cấm tác động lên ngân hàng lớn nhất nước Nga - Sberbank, Ngân hàng Tín dụng Moscow, và Ngân hàng Nông nghiệp Nga, cũng như Ngân hàng Phát triển và Tái thiết Belarus. Bên cạnh đó, EU cũng đã trừng phạt 3 cơ quan truyền thông Nga mà họ coi là “thuộc sở hữu nhà nước” và tố là “làm sai lệch thông tin”, “gây bất ổn định” cho Ukraine và EU.

Kênh Russia24 và RTR Planet cùng đài TV Centre của thành phố Moscow sẽ bị cấm sóng, mặc dù nhân viên của họ vẫn có thể tiến hành nghiên cứu và phỏng vấn. Chưa hết, các cá nhân và thực thể EU giờ bị cấm cung cấp các dịch vụ kế toán, quan hệ công chúng, và tư vấn cho Nga. Khối này cùng bị cấm xuất khẩu 80 loại chất hóa học “có thể dùng để sản xuất các loại vũ khí hóa học” và mở rộng danh sách các sản phẩm và công nghệ lưỡng dụng có tiềm năng phục vụ ngành quốc phòng - an ninh của Nga. Danh sách cá nhân và thực thể mở rộng sẽ bao gồm “các cá nhân ủng hộ chiến tranh”, thành viên gia đình của các quan chức chính phủ, công ty công nghiệp quốc phòng, cũng như những người mà EU coi là chịu trách nhiệm về các “tội ác” ở Bucha và Mariupol.

Như vậy, sau nhiều chia rẽ, tranh cãi trong nội bộ khối, EU đã đạt một thỏa thuận tạm thời về một lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Nga trong khuôn khổ vòng trừng phạt thứ sáu nhằm vào Moscow. Việc EU giải quyết được bất đồng nội bộ để đi đến quyết định có tính chất bước ngoặt không nằm ngoài dự đoán. Trước mắt, EU sẽ phải tìm đến những nước xuất khẩu dầu mỏ xa xôi hơn để bù đắp khoảng 3 triệu thùng dầu thô thiếu hụt mỗi ngày.

Trong trung hạn, cú hích mới này sẽ thúc đẩy EU phát triển năng lượng tái tạo để hạn chế phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, tất cả những thay đổi này đều có giá của nó. Ủy ban châu Âu (EC) ước tính, để chấm dứt hoàn toàn nhập khẩu dầu khí của Nga, EU sẽ phải đầu tư đến 220 tỷ euro, một khoản ngân sách rất lớn trong bối cảnh châu lục vừa mới bước ra khỏi đại dịch.

Dù sao đi nữa, quyết định của EU cũng thể hiện “sự khéo léo thỏa hiệp”. Tuy nhiên, thêm một lần nữa, cuộc vận động để đi đến quyết định cấm vận dầu mỏ Nga lại làm bộc lộ hạn chế của EU. Từ khi bắt đầu cuộc xung đột Ukraine, không phải bao giờ các nước thành viên EU cũng đồng quan điểm. Mặc dù là tổ chức quốc tế có mức độ hội nhập rất sâu, rốt cuộc EU cũng không tránh được những giới hạn của cơ chế vận hành dựa trên sự đồng thuận, giống như các tổ chức quốc tế khác.

Mấy năm gần đây, EU đã không ít lần bất lực trong việc xây dựng lập trường chung đối với một số vấn đề quốc tế lớn và đều bó tay trước quan điểm khác biệt của một số ít thành viên. Những tuần tranh cãi về lệnh cấm vận dầu mỏ của Nga phần nào làm lung lay tình đoàn kết của EU. Thủ tướng Hungary Viktor Orban từng tuyên bố rằng Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã “tấn công” vào tình đoàn kết của EU bằng đề xuất cấm vận dầu mỏ của Nga. Giới phân tích nhận định việc EU có thể đưa ra gói trừng phạt thứ bảy, tập trung vào khí đốt của Nga, sẽ là một câu hỏi khó hơn rất nhiều.

“Sự thống nhất đã bắt đầu rạn nứt và sẽ còn tiếp tục”, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck bày tỏ thái độ lo ngại ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh bất thường EU bàn về cấm vận dầu mỏ Nga. Ông nhận định: “Châu Âu vẫn là khối kinh tế khổng lồ, có sức mạnh vô cùng lớn và có thể sử dụng sức mạnh này hiệu quả nếu có sự thống nhất”. Thế nhưng, không phải bao giờ EU cũng phát huy được công cụ này theo ý muốn.

Và cách mà Nga “né” đòn trừng phạt dầu mỏ

Việc Nga có thể giảm bớt tác động của các lệnh trừng phạt nhằm vào dầu thô của nước này hay không và Moscow có thể bán được bao nhiêu dầu sẽ tác động đến giá dầu toàn cầu. Trong một tuyên bố trên Twitter, ông Mikhail Ulyanov, đại diện thường trực của Nga tại các tổ chức quốc tế ở Vienna cho biết, Nga sẽ tìm kiếm các đối tác khác mua dầu của mình.

Hiện nay, Moscow đã có 2 khách hàng tiềm năng mua dầu thô là Trung Quốc và Ấn Độ, hai nước đều đã mua dầu giảm giá của Nga và các nhà chuyên gia dự báo rằng điều này sẽ tiếp tục trong tương lai. Mặc dù vậy, bà Helima Croft, người đứng đầu bộ phận chiến lược hàng hóa toàn cầu tại RBC Capital Market, nhận định, vẫn có rủi ro cho Moscow khi EU nhắm mục tiêu vào các dịch vụ vận chuyển và bảo hiểm.

“Việc các thùng dầu của Nga có bán được tới Ấn Độ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ hay không có thể phụ thuộc vào việc liệu EU cuối cùng có chọn nhắm mục tiêu vào các dịch vụ vận chuyển và bảo hiểm hay không và liệu Mỹ có chọn áp đặt các biện pháp trừng phạt thứ cấp theo kiểu Iran hay không”, bà cho biết.

Theo công ty tư vấn hàng hải Windward, kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát cuối tháng 2 đến nay, đã có 180 trường hợp thay đổi chủ sở hữu tàu vận chuyển từ các thực thể của Nga sang các thực thể không phải của Nga. Các trường hợp thay đổi chủ sở hữu tàu Nga ghi nhận chỉ trong 3 tháng qua bằng hơn một nửa số trường hợp tương tự trong cả năm 2021. Rất nhiều tàu Nga đã được bán cho các công ty có trụ sở tại Singapore, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Norway.

Nga cũng có thể cắt giảm sản lượng và giảm xuất khẩu dầu thô để giảm bớt tác động tài chính. Phó Chủ tịch Công ty dầu mỏ Lukoil của Nga, ông Leonid Fedun cho biết nước này nên cắt giảm khoảng 30% sản lượng để đẩy giá lên cao hơn, chứ không nên giảm giá bán quá sâu như hiện nay. Theo bà Helima Croft, Nga có thể sẽ cắt giảm xuất khẩu trong mùa hè để gây thiệt hại kinh tế tối đa cho châu Âu. Do lượng dầu dự trữ ở mức “thấp đáng báo động” cùng với năng lực lọc dầu hạn chế, châu Âu khó tránh khỏi tác động nếu Nga đi trước trong việc cắt giảm xuất khẩu dầu thô ngay trong mùa hè này.

“Đối với Nga, giá dầu tăng cao có thể bù đắp lại tác động của khối lượng xuất khẩu giảm trong năm nay”, ông Edward Gardner, chuyên gia kinh tế tại Capital Economics, nhận định. Dầu thô Urals, hỗn hợp dầu chính mà Nga xuất khẩu, dù đang được giao dịch chiết khấu, thì vẫn có giá 95 USD/thùng - cao hơn nhiều so với mức một năm trước, theo ông Gardner. Nếu sản lượng của Nga giảm, các bên khác có thể sẽ can thiệp để kiềm chế đà tăng của giá dầu. OPEC+ ngày 2/6 đã quyết định nâng sản lượng lên 648.000 thùng/ngày, tuy nhiên, điều này không đủ để lấp đầy khoảng trống mà năng lượng Nga để lại.

Ngày đăng: 08:10 | 05/06/2022

Khổng Hà / CAND