Ngoài yếu tố lịch sử, cây quanh hồ Gươm còn có bóng mát lớn. Nếu thay thế cây mới phải mất 30 năm nữa mới có được cảnh quan như bây giờ.
Không cần thiết thay thế
Thông tin UBND TP Hà Nội xin ý kiến việc xây dựng, cải tạo chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Gươm, trong đó, có kế hoạch thay thế các cây xanh đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận cũng như các chuyên gia.
Đưa ra quan điểm, PGS.TS. Nguyễn Đình Hòe – Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam khẳng định, không đồng tình với ý tưởng trên.
Theo ông Hòe, cây xanh ở quanh hồ Gươm đã trở thành di tích lịch sử với nhiều cây cổ thụ như cây gạo, cây lộc vừng, cây phượng, xà cừ… Nó chứng kiến bao nhiêu biến cố lịch sử của thủ đô và đi vào lòng người từ nhiều năm nay.
“Vậy thì Hà Nội đặt mục đích thay thế để làm gì? Trừ khi có cây nào sắp chết hay mục ruỗng, bão đổ thì bắt buộc phải thay. Còn tự nhiên thay thì tốn tiền và không giải quyết được vấn đề gì cả.
Có thể theo quan điểm đô thị học hiện đại thì cây này hợp lý, cây kia chưa hợp lý. Nhưng tôi xin nhắc lại, các cây quanh hồ Gươm đã có từ rất lâu rồi.
Đã là di tích lịch sử thì chúng ta không có quyền quyết định. Ông cha ta thế hệ 40 – 50 năm, hàng trăm năm trước đã quyết định trồng và có lý do của mình”, ông Hòe nhấn mạnh.
Ngoài vấn đề lịch sử, PGS.TS Nguyễn Đình Hòe cũng nhắc đến yếu tố bóng mát. Theo ông Hòe, những hàng cây quanh hồ Gươm là nơi người dân Hà Nội đi bộ, tập thể dục hàng ngày. Các đợt kỷ niệm ngày lễ lớn với mít tinh, diễu hành cũng đi qua đây. Thời gian gần đây, Hà Nội còn quy hoạch quanh hồ Gươm để làm phố đi bộ, phục vụ du lịch.
Vì thế, nếu thành phố muốn thay những cây bóng mát tuyệt vời đó bằng cây gỗ quý khác thì cũng phải mất 30 năm nữa mới tạo được những tán lá, bóng mát như hiện nay.
"Hay Hà Nội dự tính mang cây cổ thụ từ nơi khác về trồng? Ai sẽ là người bỏ tiền ra trả hay lại lấy tiền thuế của dân. Tại sao lại phải đi làm chuyện đó?”, ông Hòe đặt câu hỏi.
Cùng nêu quan điểm, ông Lê Văn Nam (Giám đốc cây xanh Nam Lê) cũng tỏ ra bất ngờ trước việc Hà Nội có ý định thay thế các cây xanh quanh hồ Gươm.
Theo ông Nam, việc này cần phải hết sức cân nhắc và có ý kiến đánh giá của các Bộ, ngành cũng như góp ý của người dân. Bởi lẽ hồ Gươm hiện nay không chỉ là tài sản của Hà Nội mà còn là của cả nước, góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh Việt Nam với các du khách quốc tế.
“Ngoài giá trị lịch sử, văn hiến, hồ Gươm lâu nay được biết đến bởi sự đa dạng của các loài cây. Đi một bước chân là có thể thấy một chủng loại mới với những đặc trưng rất riêng.
Theo tôi các cây ở hồ Gươm chưa có biểu hiện gì gọi là hư hỏng, mục ruỗng. Chỉ có một số cây cong, tán lá xà sát mặt nước. Nhưng không phải vì thế mà tính chuyện thay thế. Hơn nữa để trồng một cây có bóng mát như hiện nay sẽ tốn rất nhiều tiền, từ tuyển lựa cây, chăm bón, bảo vệ...”, ông Nam nhấn mạnh.
Nên tập trung vào những vấn đề nhức nhối hơn
Một vấn đề khác được PGS.TS Nguyễn Đình Hòe nhắc đến là văn bản trả lời Hà Nội của Bộ Xây dựng được báo chí đăng tải.
Theo ông Hòe, những vấn đề, hạn chế mà Bộ Xây dựng chỉ ra cho thấy kế hoạch của Hà Nội vẫn còn những thiếu sót và cần phải bổ sung, hoàn thiện.
Ông Hòe dẫn chứng thêm: “Thời gian vừa qua, Hà Nội đã tiến hành thay thế nhiều cây xanh tại các tuyến đường. Tuy nhiên việc này chưa nhận được sự đồng tình cao từ dư luận. Chẳng hạn như đường Nguyễn Chí Thanh. Tại đây cây cũng mới trồng được ít năm, đang tốt um, đặc biệt là cây bằng lăng rất đẹp. Sau đó thành phố thay thế bằng cây khác tạo nên phản ứng trái chiều.
Tôi không hiểu những người nghĩ ra chuyện này tư duy như thế nào cả. Tuy nhiên nó không giống những gì người dân và giới khoa học có thể tưởng tượng ra được”.
Đứng dưới góc độ một người gắn bó nhiều năm với thủ đô, ông Hòe đề nghị Hà Nội từ bỏ ý tưởng thay thế cây xanh quanh hồ Gươm. Thay vào đó, thành phố nên tập trung vào các vấn đề dân sinh đang nhức nhối thời gian vừa qua.
“Chúng ta đang có nhiều việc phải làm. Vì thế Hà Nội nên dồn sức lực, tiền bạc vào những chỗ bức xúc nhất, chẳng hạn như: dọn cống thải, giảm tình trạng kẹt xe tắc đường. Thành phố cũng không có nhiều tiền mà tại sao ham lắm thế? Người dân có chê cây này mát hơn cây kia hay cây này đẹp hơn cây kia đâu mà phải tính đến phương án thay thế?
Trước kia khi còn nhỏ, tôi cũng hay thơ thẩn ở bờ hồ, chạy nhảy, bắt ve. Tôi có cần biết đó là cây gì đâu. Đến nay khi đã gần 70 tuổi tôi vẫn thấy những cây đó đẹp, mang vẻ đẹp rất riêng của Hà Nội”, ông Hòe chia sẻ.
Trong khi đó, ông Lê Văn Nam cho rằng nếu Hà Nội muốn thay thế cây xanh quanh hồ Gươm cần phải hỏi ý kiến rộng rãi của nhân dân trong cả nước. Đặc biệt cần thuyết trình cụ thể vì sao phải thay thế, những cây nào không đảm bảo an toàn đô thị hay có biểu hiện gẫy đổ, mục ruỗng.
“Nếu có 1 vài cây như thế thì chỉ cần lên kế hoạch thay thế là xong. Trước đây cây gạo ở đền Ngọc Sơn bị chết, chúng ta cũng thay thế bằng một cây khác, còn lại giữ nguyên hết. Vì vậy chuyện này cần phải có thông tin rõ ràng, công khai, cụ thể để người dân và chuyên gia cùng góp ý”, ông Nam nói thêm.
Ngày đăng: 13:00 | 14/07/2017
/ Giáo dục Việt Nam