Sau cú đúp vô địch quốc nội năm 2019, Hà Nội FC trải qua hàng loạt biến động nhân sự, chủ yếu trên băng ghế huấn luyện.
"Tôi biết Viettel và HAGL từ 2 năm trước. Mỗi đội có một màu sắc riêng. Ở V-League, càng nhiều đội cạnh tranh thì càng có bóng đá đẹp. Viettel và HAGL đều tốt, nhưng Hà Nội FC mới là đội xuất sắc nhất", HLV Chun Jae Ho tự tin chia sẻ trong buổi lễ ký kết hợp đồng tài trợ của Hà Nội FC tại mùa giải 2022.
Sau 2 mùa giải không thành công, mục tiêu của đội bóng Thủ đô mùa này là vô địch V-League và Cúp Quốc gia. Với dàn cầu thủ đẳng cấp, Hà Nội FC vẫn là ứng viên vô địch hàng đầu. Tuy nhiên, biến động trên băng ghế huấn luyện có nguy cơ cản bước Văn Quyết cùng đồng đội.
HLV Chun Jae Ho. |
2 năm, 4 tướng
Thành công của Hà Nội FC giai đoạn 2016-2019 mang đậm dấu ấn HLV Chu Đình Nghiêm. Tiếp quản đội bóng đang khủng hoảng dưới thời người tiền nhiệm Phạm Minh Đức, ông Nghiêm đã thành công khi xây dựng tập thể Hà Nội FC gắn kết, chơi bóng đẹp mắt và hiệu quả để thống trị sân chơi V-League với 3 chức vô địch trong 4 mùa giải.
Đỉnh cao của Hà Nội FC là ở mùa giải 2019 - thời điểm đội bóng của "tướng" Nghiêm vô địch V-League thuyết phục và lần đầu đăng quang ở Cúp Quốc gia. Tại AFC Cup, Hà Nội FC cũng lọt vào tới chung kết liên khu vực.
Trước khi HLV Chu Đình Nghiêm thành công, HLV Phan Thanh Hùng cũng có giai đoạn xây móng rực rỡ cho đội bóng Thủ đô với 2 danh hiệu quốc nội cùng lối đá kỹ thuật đoạn ngắn được định hình. Nếu không tính giai đoạn ngắn ngủi dưới thời HLV Phạm Minh Đức, thời kỳ hoàng kim của đội bóng Thủ đô ở V-League chủ yếu gắn liền với chỉ 2 HLV.
Chính sự ổn định trên băng ghế chỉ đạo giúp Hà Nội FC vượt qua Bình Dương, HAGL,... để trở thành đội bóng số 1 V-League trong một thập kỷ đã qua.
HLV Park Choong-kyun bất ngờ rời Hà Nội FC. |
Dù vậy, thành trì ổn định của Hà Nội FC về nhân sự huấn luyện đang lung lay. Bất ổn đầu tiên đến ở đầu mùa giải 2020, khi Hà Nội FC mang về bộ đôi giám đốc kỹ thuật Daniel Enriquez và trợ lý HLV thể lực Nicolas Baldini.
Ông Enriquez từng làm công tác quản lý tại CLB Nacional (Uruguay) và có công phát hiện ra Luis Suarez, đồng thời có kinh nghiệm làm việc ở nhiều nền bóng đá, nhưng cũng không thể trụ lại CLB lâu.
Sau 2 tháng làm việc, cả hai chuyên gia ngoại rời Hà Nội FC "không kèn không trống", với lý do không phù hợp với văn hóa CLB.
Đến mùa 2021, Hà Nội FC chia tay HLV Chu Đình Nghiêm sau chuỗi trận bết bát đầu mùa. Sau khi HLV Hoàng Văn Phúc ngồi tạm quyền một số trận, đội bóng Thủ đô bổ nhiệm ông Park Choong-kyun vào ghế nóng.
HLV người Hàn Quốc có 2 trận nắm quyền, sau đó được trang bị nhiều trợ lý Hàn Quốc như ông Chun Jae Ho, trợ lý kỹ thuật Kim Tae Ho, trưởng bộ phận y tế Kim Kwang Jae. Dù vậy, khi đang xây dựng kế hoạch cho mùa giải mới, ông Park Choong-kyun bất ngờ rời về vì lý do cá nhân, nhường vị trí cho trợ lý Chun Jae Ho chỉ 1 tuần trước giải.
Trong 2 năm qua, ghế huấn luyện ở Hà Nội FC đã đổi chủ 4 lần, bằng đúng số HLV đội bóng Thủ đô sử dụng 10 năm trước đó.
Đi tìm sự ổn định
"Nhận trách nhiệm này, tôi thấy bất ngờ và có phần áp lực. Dù vậy, trong 1 năm qua, với vai trò trợ lý số 1 của HLV Park Choong-kyun, tôi đã chuẩn bị mọi thứ ở mức tốt nhất có thể và luôn thông tin, trao đổi với cầu thủ. Ở trận tới gặp Đông Á Thanh Hóa, tôi sẽ chuẩn bị hết sức có thể để có kết quả tốt nhất.
HLV trưởng nào cũng chịu áp lực, còn nếu muốn thoải mái thì đã không phải HLV trưởng. Tôi biết sẽ có khó khăn chờ mình, nhưng Hà Nội FC đã gặt hái nhiều thành công. Đội bóng có gánh nặng phải vô địch và tôi sẽ cố gắng vượt qua để có thành tích tốt", HLV Chun Jae Ho chia sẻ.
Với 236 trận đỉnh cao ở K-League khi còn là cầu thủ, ông Chun Jae Ho có kinh nghiệm bóng đá phong phú để mang đến nét mới cho Hà Nội FC.
HLV Chun Jae Ho thừa nhận áp lực gặp phải khi tiếp quản ghế nóng. |
Tiền vệ Thành Lương chia sẻ: "Đây là lần đầu trong lịch sử Hà Nội FC có HLV ngoại. Đó là sự mới mẻ. Các cầu thủ đã quen với HLV nội, còn HLV ngoại mang đến sự mới mẻ của bóng đá hiện đại, giúp cầu thủ làm quen với chiến thuật mới".
Với bộ khung tuyển thủ quốc gia cùng bổ sung đáng giá như Tuấn Hải, Minh Tuấn cùng bộ đôi tiền đạo Djuro Zec - Ivancic, Hà Nội FC có đủ "bột" để gột nên lối chơi này.
Tuy nhiên để thành công, các HLV cấp độ CLB cần thấu hiểu văn hóa cùng đặc tính của cầu thủ Việt Nam. Đây là rào cản lớn, khiến nhiều HLV ngoại đều thất bại ở V-League trong nhiều năm qua.
Lần gần nhất một thầy ngoại vô địch V-League là trường hợp của Henrique Calisto năm 2006, còn danh hiệu gần nhất một HLV nước ngoài có được là trường hợp của ông Dylan Kerr ở CLB Hải Phòng với Cúp Quốc gia 2014.
Ngày càng ít HLV ngoại thành công ở V-League. |
Nhìn chung, tấm gương thành công hiếm hoi của các HLV ngoại như Henrique Calisto (ĐTLA), Ljupko Petrovic (Thanh Hóa) và phần nào là Kiatisak Senamuang (HAGL) chủ yếu đến từ 3 yếu tố: thực quyền, ngoại giao và chiến thuật.
Một HLV ngoại cần được trao đầy đủ "quyền sinh quyền sát" để làm chủ phòng thay đồ, có khả năng giao tiếp, ứng biến và thích nghi khéo léo, đồng thời đặt trong tập thể sẵn sàng tiếp thu ý tưởng chiến thuật mới.
Đây là cái khó của HLV Chun Jae Ho. Hà Nội FC là đội bóng mạnh, với cơ cấu tổ chức chặt chẽ và lối chơi đã thành hình. Tạo dấu ấn thế nào khi cả thực quyền lẫn cơ hội áp dụng cái mới chưa được đảm bảo, đó là bài toán ông Chun phải giải nếu không muốn bị thay thế.
Hồng Nam
HLV Chun Jae Ho: "HAGL, Viettel đều mạnh, nhưng Hà Nội FC mạnh nhất" |
Quyền HLV trưởng Hà Nội FC: Mong không có thêm cầu thủ trụ cột mắc COVID-19 |
Ngày đăng: 07:32 | 22/02/2022
/ vtc.vn