Liên quan đến việc UBND xã Vĩnh Quỳnh (huyện Thanh Trì, Hà Nội) bị dân tố lấp sông Tô Lịch (đoạn qua địa bàn) để mở đường gom, bà Nguyễn Thị Thu Hồng - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Quỳnh - lý giải, đó không phải là lấp sông mà chỉ là bù vênh mở đường cho các phương tiện khác vào hút bùn thải. Tuy nhiên, sau khi xong việc, phần bù vênh không được nạo vét mà biến thành đường(?!).
Dân nói có, chính quyền nói không
Trao đổi với Báo Lao Động, ông Nguyễn Đình Hùng (SN 1971, ở Cụm 1 thôn Quỳnh Đô, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, năm 2016, UBND xã Vĩnh Quỳnh lợi dụng dự án nạo vét sông Tô Lịch (đoạn đi qua địa bàn), sử dụng rác thải xây dựng, tiến hành san lấp hai bên bờ sông, mở đường gom dân sinh. “Đây là con sông có vai trò quan trọng trong việc thoát nước cho nội thành Hà Nội khi mùa mưa lũ về, chính vì vậy việc san lấp một phần lòng sông ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tiêu thoát nước của thủ đô” - ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, chỉ cần quan sát thực tế bằng mắt thường cũng có thể nhận thấy việc lấp sông mở đường gom của UBND xã Vĩnh Quỳnh. Từ khu vực trạm bơm nước đến hai bên bờ sông, chính quyền xã sử dụng rác thải xây dựng đổ xuống, lấp đi một phần diện tích của lòng sông, để làm đường bêtông. Bên cạnh đó, việc lấp sông cũng không được bất kỳ cơ quan chức năng nào phê duyệt…
Trao đổi tại cuộc họp thông tin báo chí, bà Nguyễn Thị Thu Hồng - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Quỳnh - cho biết, tuyến sông Tô Lịch đi qua địa bàn hai thôn Quỳnh Đô và Ích Vịnh, có chiều dài 1,8km. Tháng 8.2016, UBND xã đã thành lập các tổ công tác, khảo sát từng nhà một về diện tích cấp giấy CNQSDĐ, diện tích thực tế đang ở, hiện trạng cây cối, hoa màu… để thu hồi đất, mở đường gom dân sinh. Sau khi khảo sát, trên địa bàn có 186 hộ, trong đó có 184 hộ gia đình và hai tổ chức. Khi đã thống kê đầy đủ, UBND xã có mời các hộ đến để làm công tác tuyên truyền, nạo vét sông. Tại hội nghị hôm đó, các hộ dân đều nhất trí với kế hoạch GPMB, thống nhất chủ trương thực hiện dự án.
Bà Hồng cho rằng - Chúng tôi không phải lấp sông, việc đó phải làm cả ngày, cả đêm, bởi vì ban ngày đi lại khó khăn, toàn bộ bùn vớt lên là chất thải, phế thải, không làm được đường đi, do vậy chúng tôi đổ phần rác thải xây dựng nhà dân tự phá dỡ xuống để bù vênh. Tuy nhiên khi phóng viên hỏi về việc, sau khi bù vênh cho phương tiện vào nạo vét thì có mức phần bù vênh đó, nên trả lại nguyên trạng ban đầu cho sông Tô Lịch không? thì bà Hồng không trả lời.
Cưỡng chế sai quy định, có bị xử lý?
Theo ông Nguyễn Đình Hùng, việc UBND xã cưỡng chế thu hồi đất của gia đình anh là hoàn toàn trái với các quy định pháp luật. “Họ không ban hành bất cứ văn bản, quyết định nào liên quan đến việc cưỡng chế thu hồi đất của gia đình tôi, cũng không kiểm đếm tài sản, khi họ xuống tháo dỡ, phá bỏ tài sản của gia đình tôi lúc đó đã hơn 17h30, ngoài giờ hành chính. Gia đình tôi phản đối việc cưỡng chế thì bị lực lượng cưỡng chế chửi bới, hành hung, đe dọa. không biết có còn pháp luật ở đây nữa không? - anh Hùng bức xúc.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Quỳnh cho biết, đây không phải là dự án thu hồi đất để đền bù, mà là dự án tuyên truyền vận động nhân dân theo 3 bước, tất cả các hộ đều ủng hộ. Tuy nhiên, bà Hồng cũng thừa nhận, “ngọc cũng còn có vết”, quá trình thực hiện, hộ anh Nguyễn Đình Hùng không đồng ý bàn giao mặt bằng, tổ công tác đã tiến hành tháo dỡ phần nhà tạm và thu giữ một số vật dụng của gia đình anh Hùng.
Theo kết luận số 2472/KL-UBND ngày 20.11.2017 của UBND huyện Thanh Trì, kết luận nội dung tố cáo của công dân, “UBND xã Vĩnh Quỳnh đã không lập hồ sơ xử lý công trình vi phạm theo quy định, cần nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm. Trách nhiệm thuộc chủ tịch UBND xã Vĩnh Quỳnh và ông Nguyễn Đình Hiếu - Phó chủ tịch UBND xã phụ trách”. Bên cạnh đó, “UBND xã Vĩnh Quỳnh ban hành văn bản 79/UBND ngày 31.4.2017 ghi ông Hùng đồng ý tháo dỡ công trình và nhờ UBND tháo dỡ là chưa đúng thực tế”.
Kết luận yêu cầu, UBND xã Vĩnh Quỳnh nghiêm túc kiểm điểm tập thể, cá nhân trong việc tháo dỡ công trình xây dựng vi phạm trên đất lưu không sông Tô Lịch. Tuy nhiên, khi được hỏi về vấn đề xử lý cán bộ, bà Hồng từ chối cung cấp thông tin đồng thời cho biết: Nếu không phải nhà anh Hùng thì chúng tôi không mất nhiều thời gian như vậy, nhưng làm gì cũng phải có vết, làm việc của tập thể, việc của Nhà nước, mà chúng tôi bị kiểm điểm như vậy đấy.
Báo Lao Động sẽ tiếp tục thông tin…
Giấy phép: Từ cái vệ sinh của dân tới tòa nhà chọc trời của đại gia
Trong khi làm cái chuồng gà không phép cũng bị... cưỡng chế, trong khi đổi cái nhà vệ sinh từ chỗ nọ sang chỗ kia ... |
Vẫn chưa cưỡng chế công trình xây dựng trái phép trên diện tích gần 3.000 m2
Đó là công trình trên núi ở Bãi Sau, TP.Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu), do ông Nguyễn Thanh Hải (45 tuổi) làm chủ, đã vi ... |
Ngày đăng: 18:00 | 11/01/2018
/ https://laodong.vn