Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, thanh tra theo kế hoạch khó bắt quả tang như với sữa giả, thực phẩm chức năng giả...

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV, sáng 22-5, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

tran-dinh-gia.jpg
Đại biểu Trần Đình Gia (Đoàn Hà Tĩnh) phát biểu. Ảnh: quochoi.vn

Hạn chế chồng chéo trong hoạt động thanh tra

Cơ bản nhất trí với các nội dung trong dự thảo Luật, đại biểu Trần Đình Gia (Đoàn Hà Tĩnh) đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung làm rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra. Sau khi sắp xếp hệ thống các cơ quan thanh tra cùng với tăng cường kiểm tra chuyên ngành của các bộ, ngành, địa phương, cần có cơ chế để tránh chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động này.

Đại biểu Đoàn Thị Lê An (Đoàn Cao Bằng) cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung các nội dung liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong thi hành luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Thanh tra Chính phủ và thanh tra tỉnh để thống nhất với Quy định số 191-QĐ/TƯ ngày 29-10-2024 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

doan-le-an.jpg
Đại biểu Đoàn Thị Lê An (Đoàn Cao Bằng) phát biểu. Ảnh: quochoi.vn

Về nguyên tắc hoạt động thanh tra trong khoản 3 Điều 4 của dự thảo Luật quy định, không trùng lặp về phạm vi, thời gian giữa các cơ quan thanh tra; giữa cơ quan thanh tra với cơ quan kiểm toán nhà nước không trùng lặp trong việc thực hiện quyền khi tiến hành thanh tra.

“Tôi cho rằng, quy định như vậy chưa đầy đủ, vì thực tiễn ngoài hoạt động thanh tra còn có các hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND và Ủy ban MTTQ các cấp cũng như các cơ quan thẩm quyền. Vì thế, việc quy định này cần làm rõ để không làm ảnh hưởng hoạt động của đối tượng thanh tra cũng như các tổ chức, cá nhân khác”, đại biểu Lê An kiến nghị.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Đoàn Bến Tre) đề nghị, cơ quan soạn thảo đưa nội dung này vào phần nguyên tắc của dự thảo Luật. Đại biểu nêu thực tế thời gian qua, các cơ quan, đơn vị cùng một lúc phải tiếp nhiều đoàn kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát làm ảnh hưởng đến hoạt động của các đơn vị này.

yen-nhi.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Đoàn Bến Tre) phát biểu. Ảnh: quochoi.vn

“Tôi đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung vào dự thảo Luật là cơ quan thanh tra có chức năng giúp các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và các quy định về phòng, chống lãng phí”, đại biểu Yến Nhi kiến nghị.

Thanh tra theo kế hoạch hầu như không hiệu quả

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, dự thảo Luật quy định về thanh tra 2 cấp là Thanh tra Chính phủ và thanh tra cấp tỉnh, đặt ra khó khăn với thanh tra chuyên ngành.

“Liệu dự thảo Luật có quá tập trung xây dựng luật để phòng, chống lạm quyền, tiêu cực của thanh tra mà không chú trọng vào giải pháp làm thế nào để thanh tra hoạt động hiệu quả hơn?” - đại biểu Lan băn khoăn.

phong-lan.jpg
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) phát biểu. Ảnh: quochoi.vn

Theo đại biểu Phong Lan, thời gian qua, thanh tra theo kế hoạch hầu như không hiệu quả vì được chuẩn bị từ đầu năm. Trước khi thanh tra, cơ quan chức năng phải thông báo rầm rộ, không có yếu tố bất ngờ nên lực lượng thanh tra đi đến đâu, hàng hóa bị giấu hết, khó bắt quả tang như với sữa giả, thực phẩm chức năng giả.

“Với thanh tra đột xuất lại phải tuân thủ khá nhiều quy định, như sau khi thanh tra phải có giải trình với cấp trên tại sao lại thanh tra. Một số trường hợp sau khi có kết luận thanh tra nhưng không tuân thủ, không nộp phạt, bỏ công ty cũ, mở công ty mới. Tôi cho rằng, thanh tra hiện nay không hiệu quả, vậy quy định như dự thảo Luật mới có hiệu quả hơn hay không”, đại biểu Lan đặt câu hỏi.

nhi-ha.jpg
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn Hà Nội) phát biểu. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn Hà Nội) nhất trí với cơ quan soạn thảo không phân biệt thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành. Đây là cách tiếp cận phù hợp thực tiễn, vì nhiều cuộc thanh tra hiện nay mang tính kết hợp, khó phân định rạch ròi.

Đại biểu Hà cho biết, việc sắp xếp lại hệ thống cơ quan thanh tra theo hướng thống nhất đã khắc phục bất cập này. Sau khi tinh gọn bộ máy, chức năng thanh tra chuyên ngành vẫn tiếp tục được duy trì để bảo đảm tính đầy đủ, hiệu quả trong quản lý nhà nước.

“Đề nghị Chính phủ cần quy định rõ trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước khi đề nghị thanh tra, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Cùng với đó, cơ quan soạn thảo cần quy định điều kiện, cơ chế tiếp nhận đề nghị để cơ quan thanh tra làm đúng thẩm quyền, không làm thay vai trò quản lý nhà nước”, đại biểu Trần Thị Nhị Hà nêu ý kiến.

ong-phong.jpg
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo phát biểu tiếp thu, giải trình. Ảnh: quochoi.vn

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo phát biểu tiếp thu, giải trình làm rõ ý kiến của các đại biểu Quốc hội nêu tại thảo luận tổ và 22 ý kiến phát biểu hội trường. Thanh tra Chính phủ sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp thu toàn bộ ý kiến của đại biểu, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trước khi thông qua tại kỳ họp này.

Ngày đăng: 13:05 | 22/05/2025

Đình Hiệp / Hà Nội Mới