Ngày 13/10, Thanh tra Chính phủ ban hành Quyết định số 396/QĐ-TTCP thanh tra về việc chấp hành, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu.
Theo đó, quyết định của Thanh tra Chính phủ căn cứ vào các quy định của pháp luật về thanh tra và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 160/CĐ-TTg ngày 22/02/2022 về việc bảo đảm cung ứng xăng cho thị trường trong nước.
Đoàn thanh tra của Thanh tra Chính phủ gồm 12 thành viên do ông Dương Quốc Huy, Vụ trưởng Vụ I, Thanh tra Chính phủ làm trưởng đoàn sẽ thực hiện thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu.
Đoàn sẽ thực hiện thanh tra trong thời kỳ từ ngày 01/01/2017 đến ngày 30/6/2022, khi cần thiết có thể thanh tra những nội dung liên quan trước hoặc sau thời kỳ thanh tra. Thời hạn thanh tra của đoàn là 60 ngày làm việc thực tế tại đơn vị kể từ ngày công bố Quyết định thanh tra, trừ những ngày nghỉ theo quy định của pháp luật.
Ngoài các đơn vị của Thanh tra Chính phủ, lãnh đạo các bộ và đơn vị như: Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Tài chính; Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ; Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Công ty là thương nhân đầu mối (danh sách kèm theo Quyết định); các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Đáng chú ý, trong Quyết định 396/QĐ-TTCP, Thanh tra Chính phủ cũng tiến hành thanh tra tại 15 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu trên cả nước và 2 Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn và Bình Sơn.
Trong đó, tại miền Bắc, các doanh nghiệp đầu mối trong đợt thanh tra có một số cái tên như: Tập đoàn Xăng đầu Việt Nam, Công ty cổ phần Hóa dầu Quân đội; Công ty TNHH Hải Linh; Công ty TNHH MTV - Tổng công ty Xăng dầu Quân đội; Công ty TNHH Petro Bình Minh…
Tại miền Trung có 2 doanh nghiệp gồm: Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức và Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ tổng hợp Hòa Khánh.
Tại khu vực miền Nam gồm 7 doanh nghiệp: Tổng công ty Dầu Việt Nam; Công ty TNHH thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil, Tổng công ty Thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ - CTCP; Công ty cổ phần Thương mại Dầu khí Đồng Tháp; Công ty cổ phần Thương mại đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu; Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Long Hưng; Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa…
Theo qui định tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về Kinh doanh xăng dầu (Nghị định 83); Nghị định 95/2021/NĐ-CP Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và các văn bản pháp luật liên quan khác (Nghị định 95), trách nhiệm quản lý Nhà nước về xăng dầu liên quan tới nhiều bộ ngành như Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giao thông Vận tải...và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Trước đó, ngày 4/7, Thanh tra Chính phủ có văn bản số 1012/TTCP-V.I gửi tới Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam… cùng với gần 20 doanh nghiệp là các thương nhân đầu mối xăng dầu.
Theo đó, Thanh tra Chính phủ đề nghị 3 bộ: Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Các tập đoàn dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, 16 doanh nhân đầu mối báo cáo, tổng hợp số liệu và cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu như quy hoạch, phát triển hệ thống kinh doanh xăng dầu; việc tổ chức kinh doanh xăng dầu; việc quản lý kinh doanh xăng dầu; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hoạt động kinh doanh xăng dầu…cho tổ công tác làm việc và thu thập thông tin, tài liệu phục vụ công tác thanh tra năm 2022. Niên độ báo cáo từ ngày 1/1/2017 đến ngày 31/3/2022.
Cuộc thanh tra này căn cứ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công điện số 160/CĐ-TTg ngày 22/02/2022 về việc bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước và kế hoạch thanh tra bổ sung năm 2022 đã được Tổng Thanh tra Chính phủ phê duyệt.
Về công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát theo thẩm quyền, trong văn bản của Thanh tra Chính phủ nêu cụ thể các bộ, ngành đơn vị như Bộ Tài chính, Bộ Công Thương Bộ Khoa học và Công nghệ có liên quan báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ đã được Chính phủ quy định tại các Nghị định 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về Kinh doanh xăng dầu (Nghị định 83); Nghị định 95/2021/NĐ-CP Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và các văn bản pháp luật liên quan khác (Nghị định 95).
“Đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ căn cứ vào trách nhiệm của Bộ mình được quy định tại Nghị định 83 và Nghị định 95 báo cáo các nội dung liên quan”- Văn bản của Thanh tra Chính phủ nêu rõ.
Cụ thể, đối với Bộ Công Thương, Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ báo cáo công tác lập, công bố công khai quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất, nhập khẩu dự trữ chiến lược, dự trữ lưu thông, hệ thống tuyến ống xăng dầu trên phạm vi cả nước. Báo cáo quy trình cấp phép kinh doanh xăng dầu đối với lĩnh vực kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu; Sản xuất, pha chế xăng dầu; dự trữ xăng dầu; Việc quản lý về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu như quy trình kiểm định, kiểm tra, kiểm soát chất lượng, khối lượng xăng dầu...
Đồng thời báo cáo về nhu cầu, kế hoạch, khối lượng, tiến độ nhập khẩu hàng năm đối với việc kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu. Kế hoạch sản xuất, khối lượng sản xuất hàng năm về sản xuất, pha chế xăng dầu.
Với văn bản số 1012/TTCP-V.I Thanh tra Chính phủ về việc thanh tra việc quản lý, điều hành giá xăng dầu là hoạt động thường niên tại các bộ, ngành, cử tổ công tác làm việc và thu thập thông tin, tài liệu phục vụ công tác thanh tra năm 2022.
Theo Thông tư 06/2021/TT-TTCP, ngày 1/10/2021 quy định về tổ chức, hoạt động của Đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra, cụ thể: trước khi ban hành Quyết định thanh tra, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền quản lý nhà nước của mình, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, Thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước, Thủ trưởng cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành chỉ đạo thu thập thông tin, tài liệu để phục vụ cho việc ban hành Quyết định thanh tra trên cơ sở đề xuất của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị dự kiến chủ trì cuộc thanh tra.
Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị các bộ, đơn vị liên quan báo cáo tổng số cơ quan, tổ chức được giao thực hiện dự trữ xăng dầu (dự trữ lưu thông, dự trữ quốc gia), nêu trách nhiệm và nhiệm vụ cụ thể; cơ sở hạ tầng lưu trữ; quy trình dự trữ xăng dầu, quy trình xuất, cấp xăng dầu; khối lượng xăng dầu dự trữ, thời gian dự trữ xăng dầu.
Trách nhiệm quản lý kinh doanh xăng dầu được pháp luật qui định như thế nào?
Thực chất, câu chuyện quản lý mặt hàng xăng dầu - mặt hàng chiến lược không chỉ một bộ, ngành quản lý mà có sự liên quan giữa các bộ ngành. Đơn cử như việc điều hành giá xăng dầu, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính thực hiện điều hành giá công khai, minh bạch. Câu chuyện về giá này thuộc về trách nhiệm của Liên Bộ Công Thương - Tài chính.
Theo qui định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu có hiệu lực thi hành từ 2/1/2022 thì có nhiều bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các sở, ban, ngành có trách nhiệm quản lý Nhà nước về xăng dầu. Đó là: Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Công an; UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Bộ Công Thương có trách nhiệm công bố trên trang thông tin điện tử của mình về: Giá thế giới, giá cơ sở, giá bán lẻ xăng dầu hiện hành; thời điểm sử dụng, số trích lập, số sử dụng và số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu hàng quý; các biện pháp điều hành khác. Bộ Tài chính có trách nhiệm giám sát việc điều hành giá xăng dầu; giám sát việc trích lập, mức sử dụng Quỹ bình ổn giá của thương nhân đầu mối.
Ngoài ra, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và cơ quan liên quan chủ động điều hành giá xăng dầu theo thẩm quyền và quy định tại Nghị định số 83 và Nghị định 95 theo đúng chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, bảo đảm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, có nhiều bộ ngành tham gia quản lý kinh doanh xăng dầu, trong Nghị định 83 và Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu quy định: Bộ Khoa học và Công nghệ có vai trò quản lý chất lượng, pha chế; các địa phương có trách nhiệm giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu của thương nhân trên địa bàn mình… “Bộ có trách nhiệm phối kết hợp với nhiều bộ, ngành trong quản lý mặt hàng này”- đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương bày tỏ.
Bộ Công Thương đã chủ động tổ chức công tác thanh tra hoạt động xăng dầu
Quyết liệt trong công tác thanh tra hoạt động quản lý, điều hành giá xăng dầu, tháng 3/2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký công văn số 1155/BCT-TTTN gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đề nghị chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Công văn nêu rõ: Bộ Công Thương đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công Thương.
Các tỉnh, thành phố cần thực hiện kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn, việc tuân thủ quy định về niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, thời gian đăng ký bán xăng dầu..., trường hợp phát hiện có sai phạm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý nghiêm theo quy định.
Chủ động có phương án bảo đảm và công khai nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trên địa bàn trong thời gian tới.
“Giám sát chặt chẽ việc bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn, bảo đảm việc bán hàng của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không bị gián đoạn; yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn cam kết thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định số 83 và Nghị định số 95”- Bộ Công Thương khẳng định.
Đặc biệt, trước tình hình khó khăn về nguồn cung và giá xăng dầu biến động mạnh, Bộ Công Thương chỉ rõ, nếu các cửa hàng bán lẻ xăng dầu hoặc các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có dấu hiệu ngưng hoặc hạn chế bán hàng mà không có lý do chính đáng sẽ bị xem xét đình chỉ hoặc tước Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu theo quy định.
Một điểm đáng chú ý, Bộ Công Thương đã thành lập 3 đoàn thanh tra do Thanh tra Bộ và Tổng cục Quản lý thị trường tiến hành thanh tra 33 đầu mối kinh doanh, nhập khẩu xăng dầu. Cụ thể, Đoàn Thanh tra của Bộ Công Thương đã thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu của 33 thương nhân kinh doanh xăng dầu trong giai đoạn từ 1/1/2021 đến 11/2/2022.
Đoàn Thanh tra cũng làm rõ việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu như điều kiện đối với thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu; thanh tra các vấn đề về giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, giấy xác nhận đủ điều kiện thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Đồng thời, tập trung thanh kiểm tra về hệ thống phân phối xăng dầu bao gồm các nội dung như cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu của thương nhân hoặc thuê; tổng đại lý kinh doanh xăng dầu hoặc đại lý bán lẻ xăng dầu hoặc thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của thương nhân...
Đáng lưu ý, Đoàn Thanh tra làm rõ các vấn đề như việc đăng ký hệ thống phân phối của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu theo quy định; báo cáo số liệu nhập-xuất-tồn kho xăng dầu; báo cáo định kỳ hàng tháng về tình hình thực hiện nhập khẩu xăng dầu, mua xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, xuất khẩu xăng dầu.
Về tiêu thụ xăng dầu, Đoàn Thanh tra đã nêu cụ thể các hợp đồng xuất khẩu xăng dầu; phân phối xăng dầu thông qua các đơn vị trực thuộc; sản lượng cam kết từng đơn vị từng tháng, thực tế thực hiện.
Việc thực hiện bán xăng dầu được làm rõ các vấn đề: thống kê thành bảng các hóa đơn giá trị gia tăng, hóa đơn bán hàng trong thời kỳ thanh tra; tổng hợp nhập- xuất tồn từng tháng trong thời kỳ thanh tra cho từng loại xăng dầu.
Cùng với đó, việc xuất khẩu xăng dầu, khối lượng xăng dầu đăng ký xuất khẩu theo quy định; thống kê bán xăng dầu thực hiện chuyển trực tiếp từ cảng nhận xăng dầu, nơi mua xăng dầu tới giao cho các cửa hàng bán lẻ; giao cho các công ty con được uỷ quyền; giao cho các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, các tổng đại lý, đại lý...
Đối với việc thực hiện quy định về dự trữ, Đoàn Thanh tra làm rõ thực trạng hạ tầng dự trữ xăng dầu của doanh nghiệp, khả năng đáp ứng hạ tầng dự trữ đối với hoạt động kinh doanh và đối với dự trữ thương mại theo quy định.
Theo qui định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu có hiệu lực thi hành từ 2/1/2022 thì có nhiều bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các sở, ban, ngành có trách nhiệm quản lý Nhà nước về xăng dầu. Đó là: Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Công an; UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Ngày đăng: 13:52 | 14/10/2022
Theo Báo Công Thương /