Kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP) chỉ rõ Tập đoàn EVN đã không hoàn thành đầu tư lưới điện theo nhiệm vụ được giao, không hoàn thành quy hoạch về nhiệt điện.

Kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh chỉ rõ, về đầu tư lưới điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã không hoàn thành việc đầu tư lưới điện theo nhiệm vụ được giao tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh, nhất là việc đầu tư đường dây chỉ đạt tỷ lệ thấp.

Theo đó, đường dây 500 kV đạt 58,55%, đường dây 220 kV đạt 52,97%. Bên cạnh đó, trạm biến áp 500 kV đạt 87,07%, trạm biến áp 220 kV đạt 92,63%, nhiều dự án chậm tiến độ. 

Kết luận thanh tra nêu: “Trách nhiệm chính thuộc về EVN, các ban quản lý dự án đầu tư, các đơn vị thành viên được giao thực hiện đầu tư các dự án lưới điện; Bộ Công Thương chịu trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra”.

Cũng theo TTCP, đầu tư nguồn nhiệt điện than, nhiệt điện khí đã không hoàn thành theo quy hoạch (chỉ đạt 82%); nguồn điện mặt trời đã đầu tư, vận hành đến cuối năm 2020 lên tới 16.506 MW, trong đó công suất nguồn điện mặt trời nối lưới là 8.642 MW, cao gấp 10,2 lần so với quy hoạch được phê duyệt (850 MW), phát triển nhanh, tập trung chủ yếu ở miền Trung, Tây Nguyên là các khu vực có phụ tải thấp, dẫn đến mất cân bằng về cơ cấu nguồn điện, vùng miền. 

Trách nhiệm trong việc đầu tư nguồn nhiệt điện than, nhiệt điện khí không hoàn thành theo Quy hoạch điện VII thuộc về EVN, PVN và TKV.

Ảnh minh họa: EVN

Ảnh minh họa: EVN

Kết luận thanh tra cũng cho thấy, việc đầu tư nguồn nhiệt điện than và khí đã không hoàn thành theo quy hoạch, nhất là việc đầu tư đường dây đạt tỷ lệ thấp, nhưng tổng công suất đặt các nguồn điện đã đầu tư tăng 15,57% so với quy hoạch.

Đáng chú ý là nguồn điện mặt trời nối lưới và điện mặt trời mái nhà đã đầu tư đến cuối năm 2020 với tổng công suất 16.506 MW từ việc bổ sung nhiều dự án, việc khuyến khích đầu tư điện mặt trời mái nhà nhưng chưa được quản lý, kiểm soát chặt chẽ, dẫn đến công suất nguồn điện mặt trời đã tăng cao với tốc độ nhanh.

Nguồn điện mặt trời nối lưới đầu tư tập trung chủ yếu ở miền Trung, Tây Nguyên là các khu vực có phụ tải thấp, hệ thống lưới truyền tải chưa được đầu tư kịp thời, đồng bộ, dân đến mất cân bằng hệ thống điện giữa nguồn và lưới, cơ cầu nguồn điện, vùng miền, gây quá tải cục bộ phải cắt giảm công suất, không đảm bảo tính kinh tế - kỹ thuật của hệ thống điện, phá vỡ Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Ngoài ra, còn có 6 dự án/phần dự án với tổng công suất 452,62 MW đã đầu tư hoàn thành nhưng chưa được vận hành thương mại (tổng chi phí đầu tư khoảng 10.388 tỷ đồng); 7 dự án/phần dự án với tổng công suất 321,4 MW các chủ đầu tư đã ký hợp đồng mua sắm thiết bị/ký hợp đồng EPC, hợp đồng thuê đất/giao đất (tổng số tiền đã chi khoảng 1.496 tỷ đồng), gây lãng phí nguồn lực xã hội, ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư phát triển điện lực.

Đáng chú ý là không đồng bộ giữa việc bô sung quy hoạch từng dự án, không có quy hoạch tổng thể và không đồng bộ với lưới điện đi kèm - với tiến độ xây dựng các công trình lưới điện từ 3 đến 5 năm, chậm hơn nhiều so với tiến độ vận hành của dự án điện mặt trời, dẫn đến khó khăn trong việc vận hành hệ thống điện, có khả năng gây quá tải cục bộ và trên diện rộng khu vực các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, Gia lai, Đăk lăk, buộc các nhà máy điện phải giảm phát.

https://vtc.vn/thanh-tra-chinh-phu-evn-khong-hoan-thanh-nhiem-vu-dau-tu-luoi-dien-ar843507.html

Ngày đăng: 12:43 | 26/12/2023

Công Hiếu / VTC News