Đã từ rất lâu rồi, tỉnh Quảng Trị - nơi chịu nhiều đau thương, mất mát vì chiến tranh - đã ấp ủ việc xây dựng 1 thành phố - là biểu tượng của hòa bình trên nền móng miền đất thiêng Thành cổ Quảng Trị (thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị).
Đêm hoa đăng trên dòng sông Thạch Hãn ở thị xã Quảng Trị. |
Từ hai màu cờ ở đôi bờ Thạch Hãn…
Sau trận chiến đấu “81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị”, trận “Điện Biên Phủ trên không” ở thủ đô Hà Nội năm 1972 và cùng với thắng lợi của quân dân ta các chiến trường khác - Mỹ buộc phải ngồi vào bàn đàm phán, ký Hiệp định Paris, cam kết rút quân khỏi miền Nam Việt Nam.
Sau khi Hiệp định được ký kết, các bên tiến hành trao trả những nhân viên quân sự bị bắt ở đôi bờ dòng sông Thạch Hãn (Quảng Trị). Dòng sông này trước đó đón nhận không biết bao nhiêu máu xương của các chiến sĩ đã đổ xuống, thì sau ngày 27.1.1973 lại chứng tích cho cuộc hội ngộ.
Kể lại phút giây được trở về dưới lá cờ tổ quốc sau nhiều năm bị địch giam cầm, ánh mắt của những chiến sĩ cách mạng bị tù đày ngày ấy đến bây giờ vẫn không giấu được niềm hạnh phúc. Ông Lê Minh Đức (trú tại khu phố 1, phường 2, thị xã Quảng Trị) là một trong những tù nhân được trao trả ngay sau Hiệp định Paris ký kết. Ông Đức kể, ông và nhiều đồng đội bị bắt, tù đày và tra tấn dã man một thời gian dài. Vì vậy, khi được quân địch đưa lên máy bay, ông cứ ngỡ sẽ bị thủ tiêu hoặc di chuyển sang nhà tù khác. Nhưng khi được đưa đến 1 con sông, nhìn sang bờ bên kia, ông dụi mắt mấy lần để chắc chắn rằng không phải nhìn nhầm - đó là sông Thạch Hãn, nơi ông đứng là địch, bên kia là lá cờ tổ quốc tung bay.
Khi nghe rõ tiếng loa vọng sang, rằng “các đồng chí đã trở về với Tổ quốc”, ông và những đồng đội mới biết rằng, quân sự 4 bên là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hoa Kỳ, Cộng hòa miền nam Việt Nam, Việt Nam Cộng hòa đang tiến hành trao trả nhân viên quân sự bị bắt. “Anh em ai cũng mệt lả, nhưng biết tin sẽ được trao trả nên tỉnh hẳn. Khi được đưa đến giữa sông, có người nóng lòng quá, nhảy xuống, bơi về phía lá cờ tổ quốc đang tung bay” - ông Đức, nhớ lại.
Trong lần trao trả tù binh thứ hai, ông Nguyễn Thanh Minh (trú khu phố 4, phường 2, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) được trở về sau hơn 5 năm bị giam cầm trong nhà lao Phú Quốc. Lúc trên xe, ông và đồng đội cũng chưa biết địch đưa đi đâu, chỉ khi thấy cờ cách mạng phía bên kia, tiếng loa quân sự 4 bên tại sông Thạch Hãn, họ mới biết mình sắp được tự do. Lúc này, khi đã xuống thuyền, ông Minh mới lôi từ trong người ra 1 lá cờ tổ quốc được ông làm khi ở trong ngục, kín đáo cất giữ. Ông đưa lá cờ đỏ sao vàng lên quá đầu, vẫy và hô to khẩu hiệu Việt Nam sẽ thống nhất.
Ông Minh chia sẻ: “Khi nhìn qua bên kia bờ là cờ mình, bên này là cờ nó, lúc đó lòng phấn khởi lắm. Trao trả thì mình được sống lại, được trở về và sau đó là hòa bình”…
Ông Nguyễn Kham là người gắn bó với thị xã Quảng Trị những ngày khó khăn nhất. Ước muốn của ông là xây dựng nơi này thành một điểm đến của hòa bình. Ảnh: Hưng Thơ
Đến ước vọng hòa bình
Năm 1973, ông Nguyễn Kham (sinh năm 1927, trú tại phường 3, thị xã Quảng Trị) đảm nhận chức vụ Ủy viên thư ký Ủy ban hành chính khu Vĩnh Linh (Quảng Trị). Thời điểm đó, có rất nhiều đoàn khách nước ngoài đã đến Vĩnh Linh - vĩ tuyến 17 để thăm viếng và đi vào miền Nam.
Ông Kham kể, có lần, ông dẫn 1 đoàn tùy viên của Đức đến thăm Vĩnh Linh. Lúc ấy, đâu cũng là sự hủy diệt, nhưng ngay trên bãi chiến trường đầy bom đạn, có hình ảnh các cháu nhỏ ngồi trong chiếc thúng, chăm chú học chữ, nên ai cũng ngạc nhiên.
Ông Kham giải thích: “Kẻ thù muốn hủy diệt, đưa chúng tôi về thời kỳ đồ đá. Dù ác liệt nhưng cuộc sống ở nơi này vẫn sinh sôi, chúng tôi khao khát hòa bình nên không thể khuất phục”.
Hòa bình lập lại, ông Kham được điều làm Chủ tịch huyện Triệu Hải (bây giờ là thị xã Quảng Trị). Ông được cấp 1 miếng đất đối diện với Thành cổ Quảng Trị để dựng nhà. Nhưng bom đạn đâu cũng có, nên phải mất… vài năm sau, miếng đất đó mới được làm sạch.
“Khi tôi đến nhận nhiệm vụ, thì nơi này là 1 mảnh đất chết. Ngoài bom, thép gai, hố bom là không còn gì khác. Đến nước cũng phải chạy xuống sông Thạch Hãn xách lên dùng” - ông Kham kể. Lúc ấy không còn chiến tranh nữa, nhưng tiếng bom vẫn nổ thường xuyên vì quá trình lao động, sản xuất đụng phải. Máu xương lại tiếp tục đổ xuống, khó khăn chồng chất, nhưng ai cũng mang trong mình khát vọng hàn gắn vết thương chiến tranh, nên đều nỗ lực bắt tay vào việc khôi phục sản xuất.
Cũng trong thời gian đảm nhận chức vụ Chủ tịch huyện Triệu Hải, cứ vào khoảng tháng 4 những năm 1983, 1984 - ông Kham lại nhận được thư của thị trưởng 1 thành phố ở Italia mời sang thăm. Do không có điều kiện, nên ông cứ khất mãi, đến năm 1984 thì ông lại tiếp đón 1 đoàn khách đến từ Italia tại Thành cổ Quảng Trị. Món quà mà đoàn khách tặng, là 1 chiếc dĩa lớn, bên trên có các biểu tượng hòa bình, và họ đã nói với ông Kham rằng, sự hồi sinh ở đất Thành cổ là khát khao hòa bình, họ rất vui mừng trước sự hồi sinh đó.
Rồi mãi đến năm 1987, ông Kham được Thường vụ Tỉnh ủy Bình Trị Thiên cử thay mặt khu vực Quảng Trị đi thăm hữu nghị các tỉnh, thành phố vùng Emilia Romagna (Italia). Trong những năm chiến tranh chống Mỹ, vùng Emilia Romagna đã ủng hộ cho Quảng Trị nhiều nông cụ. Đến nơi này, ông Kham nhận được sự tiếp đón nồng nhiệt, và nhận được lời mời hợp tác về kinh tế để nâng lên tầm cao mới.
“Trước lúc sang Italia, tự đặt câu hỏi tại sao họ lại muốn mời tôi sang thăm. Và cuộc gặp gỡ đã giải đáp rằng, cuộc chiến đấu ở nước ta, mà đặc biệt ở chiến trường Quảng Trị để lại tiếng vang lớn. Họ trân trọng sự hy sinh, chiến đấu dũng cảm để góp phần vào nền hòa bình thế giới, nên họ rất tôn trọng” - ông Kham hồi tưởng.
Những người bạn nước ngoài, nhớ và đến Quảng Trị, đặc biệt là mảnh đất thị xã Quảng Trị hôm nay vì lý do gì - ông Kham đặt câu hỏi, và tự trả lời rằng: Họ đến đây vì hòa bình. Vậy tại sao không xây dựng ở đây 1 thành phố hòa bình, 1 nơi để vọng nhớ những khát khao của ngày hòa nhập, ngày trở về. Câu hỏi và câu trả lời này, ông Kham đã nhắc không biết bao nhiêu lần, đó là tâm niệm, là mong muốn của không chỉ riêng ông…
Và “thành phố hòa bình”...
Tại hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh Quảng Trị được tổ chức năm 2016, PGS.TS. Trần Đình Thiên- Viện trưởng Viện kinh tế Trung ương (CIEM) - đã nhận định rằng, không nơi nào trên thế giới lại có nhiều đau thương như Quảng Trị. Nơi này đang sở hữu 1 tài sản vô cùng quý giá, đó là hệ thống rất nhiều điểm di tích lịch sử có giá trị. Do vậy, đất nước Việt Nam cần phải đền ơn Quảng Trị bằng việc xây dựng thương hiệu du lịch vì hòa bình của loài người.
Cũng từ những ước vọng, kỳ vọng như thế, những năm qua, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã và đang nỗ lực xây dựng du lịch hoài niệm là 1 điểm nhấn. Ông Nguyễn Văn Hùng - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị - nói rằng, ngày 27.1. 2018 không chỉ kỷ niệm 45 ngày ký Hiệp định Paris, mà còn là dấu mốc quan trọng gắn liền với ngày giải phóng Quảng Trị.
Liên quan đến ngày này, từ Quỹ vì hòa bình của đồng chí Nguyễn Thị Bình - Nguyên Phó Chủ tịch Nước - lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã tiếp xúc, gặp gỡ và mong muốn có hình thức tổ chức chương trình nghệ thuật để gặp gỡ các nhân chứng vào dịp 27.1, với chủ đề khát vọng hòa bình.
“Chúng tôi nhận được sự ủng hộ. Và nếu làm tốt, trong tương lai gần sẽ nâng lên, tính toán vào ngày 27.1 là ngày đánh dấu hòa bình. Từ đó, chúng tôi đã có ý tưởng xây dựng thị xã Quảng Trị trở thành Thành phố tiếp cận tiêu chí hòa bình, như Hirosima (Nhật Bản) và một số địa phương khác. Dù chỉ mới là ý tưởng phôi thai ban đầu, nhưng nếu có sự vào cuộc, chúng tôi tự tin sẽ đi đến thành công” - ông Nguyễn Văn Hùng nói.
Cũng theo ông Hùng, khi ông đề cập việc xây dựng “Thành phố hòa bình” trên miền đất thiêng Thành cổ Quảng Trị với Ban Đối ngoại Trung ương và Bộ Ngoại giao, thì các đồng chí lãnh đạo đã ủng hộ ý tưởng.
“Tuy nhiên, từ ý tưởng đến hiện thực thì còn phải suy nghĩ kỹ hơn, từ việc nhỏ rồi mới tính đến việc lớn, nhưng “Thành phố hòa bình” phải bắt đầu từ Quảng Trị. Chúng tôi mong muốn và sẽ mạnh dạn đề xuất lấy ngày 27.1 - Ngày kỷ niệm Hiệp định Paris ký kết hàng năm - sẽ là Ngày Hòa bình của Việt Nam. Và xây dựng Quảng Trị trở thành biểu tượng hòa bình, “Thành phố Hòa bình” làm điểm đến du lịch của những ai yêu chuộng, trân quý hòa bình” - ông Nguyễn Văn Hùng nói.
Oan sai 10 năm, vợ chồng già được bồi thường 1,4 tỷ đồng
Kiện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Trị đòi bồi thường 30 tỷ đồng do oan sai, vợ chồng ông Phan Chí Lộc được ... |
Quảng Trị: Bờ sông Thạch Hãn sạt lở nghiêm trọng do nạn khai thác cát
Bờ sông Thạch Hãn đoạn qua xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị) đã và đang bị sạt lở nghiêm trọng, gây ... |
Cây duối \'tình mẫu tử\' có giá 15 tỷ đồng tại hội chợ Tết
Một cây duối được mang từ Quảng Trị ra Hà Nội chào bán với giá 15 tỷ tại hội chợ Tết Mậu Tuất khiến nhiều ... |
Ngày đăng: 01:00 | 27/01/2018
/ https://laodong.vn