Theo luật sư, về nguyên tắc, khi xe không dùng nữa thì phải bán càng nhanh càng tốt, để lâu sẽ bị hao mòn vô hình.
Xung quanh việc tỉnh Vĩnh Phúc thanh lý 12 xe công không sử dụng nữa, trong đó có 2 mẫu xe giá chỉ 15 triệu đồng/xe, chất lượng chỉ để... bán đồng nát, LS Trương Xuân Tám, Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phát triển Kinh tế - Tài chính Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, ở đây có trách nhiệm của những người đã để xe lâu ngày không sử dụng mà không thanh lý.
Theo đó, tài sản công phải được quản lý theo các quy định, chỉ được thanh lý khi giá trị sử dụng đã được khấu hao hết, giá trị sử dụng không còn hoặc không có nhu cầu sử dụng nữa.
Do đây là tài sản nhà nước nên phải thực hiện bán đấu giá công khai để đạt được giá cao nhất, thu hồi vốn cho Nhà nước.
Những chiếc xe được thanh lý tại Vĩnh Phúc đã nằm phơi sương nhiều năm. Ảnh: VTC |
"Tuy nhiên, trong trường hợp này, có những xe có giá thanh lý khởi điểm chỉ 15 triệu đồng/xe, người ta bán sắt vụn có khi còn nhiều hơn.
Tôi cho rằng cần làm rõ xem ở đây có dấu hiệu trục lợi trong việc thanh lý xe như từng xảy ra ở một số cơ quan trước đây, như bán cho người quen, người nhà lãnh đạo đứng a mua, hưởng chênh lệch... hay không.
Phải đấu giá công khai sau khi báo cáo với cấp quản lý có thẩm quyền như Sở Tài chính, UBND tỉnh, cho phép bán thanh lý rồi định giá.
Về nguyên tắc, tài sản không dùng nữa phải bán càng nhanh càng tốt, để lâu nó sẽ hao mòn vô hình. Khi xe không sử dụng nữa cũng là hao mòn vô hình, gây thiệt hại", LS Trương Xuân Tám chỉ rõ.
Từ những điều phân tích này, ông nhận định, việc quản lý tài sản có biểu hiện thiếu trách nhiệm.
"Khi bán đi với cách làm thế này cũng là thiếu trách nhiệm, gây thiệt hại cho Nhà nước. Cần xem xét xử lý trách nhiệm những người có thẩm quyền quản lý số tài sản này, tại sao để lâu không bán? bán có công khai, minh bạch hay không? Việc định giá có đúng?", vị luật sư đặt câu hỏi.
Theo LS Trương Xuân Tám, để việc thanh lý xe công khai, minh bạch và đúng giá, có nhiều cách đấu giá, có thể đấu giá kín hoặc đấu giá mở.
Nếu đấu giá mở, các đơn vị tham gia phải đặt tiền, ký quỹ, xem ai trả giá cao nhất ở vòng 1, vòng 2.
Trong khi đó, đấu giá kín bằng phong bì cũng tuân theo quy trình ai cao nhất thì bán.
"Rõ ràng dư luận thấy Vĩnh Phúc định giá thanh lý xe với giá rẻ bất thường nên cần phải thanh tra, kiểm tra lại việc thực hiện các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Nếu khi đấu giá, thu hồi vốn nhà nước để xảy ra thất thoát thì những người có thẩm quyền liên quan phải trách nhiệm, thậm chí phải thu hồi tài sản", LS Tám nhấn mạnh.
12 chiếc ô tô đã qua sử dụng được Sở Tài chính tỉnh Vĩnh Phúc đem ra đấu giá gồm 1 chiếc xe Kia, 4 chiếc hiệu Toyota, 3 chiếc Mazda, 2 chiếc Transinco, 1 chiếc Mishubishi và 1 chiếc Altis 1.8.
Hai chiếc xe có giá khởi điểm thấp nhất là 15 triệu đồng thuộc nhãn hiệu Kia và Mazda. Chiếc có giá cao nhất là 230 triệu đồng của Toyota, còn lại 5 xe có giá khởi điểm từ 110-150 triệu đồng. Tổng giá khởi điểm đối với 12 chiếc xe là 1,255 tỷ đồng.
Theo xác minh qua Cục Đăng kiểm Việt Nam, chiếc Kia mang biển xanh có giá 15 triệu đồng được kiểm định lần cuối cùng vào ngày 15/5/2013, tức là cách đây 4 năm.
Những chiếc xe được thanh lý đợt này đã nằm "phơi sương" nhiều năm mà không được sử dụng, các xe đều có tuổi thọ vài chục tuổi, chất lượng xe xuống cấp trầm trọng, các linh kiện xe bị hỏng hóc.
Ngày đăng: 09:58 | 14/08/2017
/ Minh Thái/baodatviet.vn