Hoạt động “chui” trên đất nông lâm nghiệp, xả thải ra môi trường khiến cá chết hàng loạt trên sông Chàng, gây hệ lụy lớn cho môi trường và xã hội.

Chuyện tưởng như đùa đã tồn tại hơn 9 năm nay tại huyện Như Xuân (Thanh Hóa). Vậy mà mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ yêu cầu xưởng sản xuất bột giấy, vàng mã của Công ty TNHH Khánh Nam tháo dỡ mà chưa xem xét, làm rõ trách nhiệm trong công tác quản lý đất đai của chính quyền nơi đây?

Hệ lụy từ việc xả thải gây ô nhiễm môi trường

Theo Kết luận của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, xưởng sản xuất bột giấy, vàng mã thuộc Công ty TNHH Khánh Nam (Công ty Khánh Nam) đóng trên địa bàn xã Hóa Quỳ, huyện Như Xuân, xây dựng trái phép trên đất nông lâm nghiệp; không được cấp phép hoạt động, nhưng vẫn tồn tại hơn 9 năm qua, từng nhiều lần xả thải gây ô nhiễm môi trường khiến cá trên sông Chàng chết hàng loạt, làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân nơi đây, gây hệ lụy cho môi trường.

Thanh Hóa: Xưởng bột giấy hoạt động “chui” chính quyền không biết hay làm ngơ ?

Công ty Khánh Nam xây dựng nhà xưởng xây dựng trái phép trên đất nông lâm nghiệp và hoạt động chui, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Kết luận của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa chỉ rõ, năm 2004, Ban quản lý rừng phòng hộ sông Chàng giao khoán cho bà Trần Thị Kim Thúy 7.616 m2 đất để sản xuất nông lâm nghiệp. Thời hạn giao đến hết năm 2024. Đến năm 2013, bà Thúy tự ý lấn chiếm thêm 5.200 m2 đất lâm nghiệp của Ban quản lý rừng phòng hộ sông Chàng.

Không chỉ dừng lại ở việc lấn chiếm 5.200m2, bà Thúy còn ngang nhiên xây dựng “chui” nhà máy sản xuất bột giấy trên tổng diện tích 12.816 m2. Táo bạo hơn, bà này còn chuyển giao xưởng sản xuất bột giấy cho Công ty Khánh Nam hoạt động sản xuất bột giấy, vàng mã với công suất lớn hơn, nhưng chính quyền sở tại là UBND xã Hóa Quỳ và UBND huyện Như Xuân không hề hay biết ?.

Hệ lụy từ việc xả thải gây ô nhiễm môi trường của xưởng sản xuất bột giấy hoạt động “chui” đã làm cá trên sông Chàng chết hàng loạt, khiến người dân lao đao. Đó là thời gian giữa tháng 4/2022, dòng sông Chàng bất ngờ đổi màu đen kịt, bọt trắng, cá chết nổi lềnh bềnh, bốc mùi hôi thối la liệt trên sông Quyền và sông Chàng, khiến người dân hai xã Hóa Quỳ và Thanh Hòa của huyện Như Xuân vô cùng bức xúc.

Thời điểm xuất hiện cá chết bất thường, người dân địa phương cũng đã nghi ngờ, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cá chết bất thường là xuất phát từ việc xưởng chế biết bột giấy của Công ty Khánh Nam xả thải không qua xử lý ra môi trường. Sau đó, cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa cũng xác định 2 ống xả thải của xưởng này đổ trực tiếp ra sông, gây ô nhiễm trầm trọng nguồn nước, khiến cá chết dọc 10km ven sông Chàng và khi đó, UBND huyện Như Xuân mới ra quyết định xử phạt hành chính số tiền 50 triệu đồng đối với Công ty Khánh Nam về hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Buông lỏng quản lý đất đai, trách nhiệm chưa được làm rõ ?

Theo kết luận của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, thời điểm năm 2013, sau khi bà Thúy chuyển nhượng toàn bộ diện tích 12.816m2 cho Công ty Khánh Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh này cũng đã phát hiện và yêu cầu Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Chàng lập biên bản vi phạm hợp đồng giao khoán đất, ban hành quyết định thu hồi toàn bộ diện tích 12.816m2 (đất giao khoán và lấn chiếm).

Thanh Hóa: Xưởng bột giấy hoạt động “chui” chính quyền không biết hay làm ngơ ?

Nước thải chưa qua xử lý được xả thẳng ra sông, gây ô nhiễm nghiêm trọng

Yêu cầu Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Chàng tổ chức kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan; xử phạt vi phạm hành chính 40,5 triệu đồng và tạm đình chỉ hoạt động để Công ty Khánh Nam hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ về đất đai và môi trường theo đúng quy định của pháp luật.

Như vậy, việc xưởng sản xuất bột giấy của Công ty Khánh Nam hoạt động “chui” trên đất nông lâm nghiệp đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa và UBND huyện Như Xuân phát hiện và xử phạt hành chính đến 2 lần. Vậy tại sao UBND huyện Như Xuân không thể xử lý dứt điểm, nếu quá thẩm quyền phải báo cáo để UBND tỉnh Thanh Hóa mạnh tay xử lý đối với sai phạm của Công ty Nam Khánh.

Thời điểm khi bà Thúy chuyển nhượng toàn bộ diện tích 12.816m2 cho Công ty TNHH Khánh Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa cũng đã yêu cầu Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Chàng ban hành quyết định thu hồi toàn bộ diện tích 12.816m2. Vậy tại sao xưởng sản xuất bột giấy, vàng mã của Công ty Khánh Nam không bị thu hồi? Phải chăng cả Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Chàng và UBND huyện Như Xuân “làm ngơ” để xưởng sản xuất bột giấy “chui” vẫn ngang nhiên hoạt động không phép kéo dài đến nay?

Làm rõ về trách nhiệm của UBND huyện Như Xuân trong việc buông lỏng quản lý đất đai tại xưởng xưởng sản xuất bột giấy, vàng mã của Công ty Khánh Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang cho biết: “Sai đến đâu thì xử lý đến đấy, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sẽ phải xử lý. Quan điểm của tỉnh là không bao che”. Được biết, để giải quyết dứt điểm vụ việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang đã yêu cầu chính quyền địa phương thống kê thiệt hại về tài sản của tổ chức và người dân liên quan. Yêu cầu xử lý dứt điểm những sai phạm liên quan. Hiện xưởng sản xuất bột giấy vàng mã đã bị đình chỉ hoạt động. Cơ quan chức năng yêu cầu chủ nhà máy trên tự tháo dỡ các hạng mục thi công trái phép trên đất nhận giao khoán trước ngày 30/5/2022.

Sai phạm của Công ty Khánh Nam đã rõ, thời hạn chót để tháo dỡ xưởng sản xuất “chui” cũng đã được Phó Chủ UBND tỉnh này ấn định. Tuy nhiên, việc chính quyền địa phương buông lỏng quản lý đất đai, “làm ngơ” cho Công ty Khánh Nam xây dựng và hoạt động trái phép trong một thời gian khá dài, gây hệ lụy cho môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân dọc hai bên sông Chàng thì trách nhiệm của UBND huyện Như Xuân về vấn đề này vẫn chưa được UBND tỉnh Thanh Hóa làm rõ.

https://congthuong.vn/thanh-hoa-xuong-bot-giay-hoat-dong-chui-chinh-quyen-khong-biet-hay-lam-ngo-178100.html

Ngày đăng: 09:17 | 19/05/2022

Hoàng Minh / Báo Công thương