Ngành văn hoá đang nghiên cứu phương án cho phép Sầm Sơn ghép chiếc bánh dày khổng lồ bằng hàng nghìn bánh nhỏ, tránh lãng phí.
Ngày 26/2, ông Phạm Duy Phương, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hoá cho biết, lãnh đạo tỉnh vừa chỉ đạo Sở phối hợp với các ngành liên quan xem xét đề xuất của UBND TP Sầm Sơn về việc làm bánh dày kỷ lục dâng đền Hùng nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 2018.
Theo ông Phương, sau khi nhận chỉ đạo, Sở đang nghiên cứu và xem xét các phương án khả thi để tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh.
Chiếc bánh dày 2 tấn được Sầm Sơn làm năm 2017. Ảnh: Lê Hoàng. |
"TP Sầm Sơn có ý tưởng làm bánh dày để tỏ lòng thành đến vua Hùng là một việc làm tốt, thể hiện tấm lòng thơm thảo của họ, chúng tôi ghi nhận và sẽ nghiên cứu", ông Phương nói.
Theo ông, dù tiền làm bánh dày từ xã hội hóa hay lấy từ ngân sách cũng phải "làm sao cho hợp lý, không phản cảm"; thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Chia sẻ quan điểm cá nhân, ông Phương cho rằng việc TP Sầm Sơn đề nghị dâng bánh dày 3 tấn là không cần thiết vì khá tốn kém. “Chiếc bánh lớn như vậy, nên khi dâng bánh và cúng lễ xong sẽ không ai muốn ăn, rồi lại phải bỏ đi rất lãng phí”, ông Phương nói và cho biết, Sở Văn hóa đang nghiên cứu tham mưu cho lãnh đạo tỉnh theo hướng không cho phép Sầm Sơn làm chiếc bánh khổng lồ chỉ để xác lập kỷ lục, mà có thể đồng ý cho địa phương làm một chiếc bánh tượng trưng với bên trong là hàng nghìn chiếc bánh nhỏ.
"Sau khi dâng lễ vua Hùng xong thì chia ra cho người dân thưởng thức. Phương án này sẽ thiết thực hơn và không lãng phí”, ông Phương nói.
Lãnh đạo Sở Văn hóa nhấn mạnh, việc Sầm Sơn đề nghị làm bánh dày 3 tấn mới chỉ là ý tưởng, thực hiện hay không thì còn phải chờ ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh.
Trước đó, UBND TP Sầm Sơn có công văn đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép làm bánh giầy kỷ lục Sầm Sơn dâng lên đền Hùng nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 2018.
Dự kiến, chiếc bánh nặng hơn 3 tấn, được làm tại thành phố Sầm Sơn và tổ chức rước dâng lên đền Hùng vào đúng ngày giỗ tổ Hùng Vương năm 2018. Nguyên liệu làm bánh là gạo nếp - sản phẩm của địa phương, và kinh phí từ các nguồn xã hội hoá.
Ông Phạm Đăng Quyền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu đề nghị của UBND thành phố Sầm Sơn, báo cáo Chủ tịch tỉnh trước ngày 8/3.
Thanh Hoá có lễ hội truyền thống bánh chưng bánh dày đền Độc Cước và đang được tỉnh đăng ký, làm hồ sơ công nhận là Lễ hội phi vật thể cấp quốc gia.
Đầu xuân Đinh Dậu năm 2017, thành phố Sầm Sơn đã tổ chức làm một chiếc bánh dày nặng hơn 2 tấn để dâng hương trong lễ hội cầu phúc đền Độc Cước. Đây được cho là hoạt động tâm linh nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, Quốc thái dân an.
Trông bánh chưng, bánh dày khổng lồ, nhớ giấc mộng Lang Liêu Liệu các bậc tiền nhân trên cao xanh có mỉm cười mãn nguyện khi trông thấy chiếc bánh khổng lồ mà lớp hậu bối dâng ... |
Lãnh đạo Bộ Văn hóa: \'Bánh giầy 3 tấn quá hình thức, lãng phí\' Thứ trưởng Bộ Văn hóa khẳng định việc dâng bánh dầy nặng 3 tấn dâng Vua Hùng là quá hình thức và lãng phí. |
Ngày đăng: 18:46 | 26/02/2018
/ vnexpress.net