Khi được hỏi về sự thành công thì ta thường nghĩ ngay đến nghề nghiệp của mình. Đây cũng là lẽ đương nhiên, vì khoản thu nhập tài chính hay vị trí xã hội có ảnh hưởng rất lớn trong đời sống của hầu hết mọi người. Nhất là tại thời điểm kinh tế toàn cầu đang suy thoái trầm trọng, nhiều công ty phải đóng cửa, nhiều tập đoàn bị phá sản và vô số người bị mất việc, cho nên nó đã trở thành thứ nhạy cảm hàng đầu mà khi người ta ngồi lại với nhau không ai dám nhắc tới hai chữ thành công....

Ảnh minh họa

Thành công về cái gì?

Khi được hỏi về sự thành công thì ta thường nghĩ ngay đến nghề nghiệp của mình. Đây cũng là lẽ đương nhiên, vì khoản thu nhập tài chính hay vị trí xã hội có ảnh hưởng rất lớn trong đời sống của hầu hết mọi người. Nhất là tại thời điểm kinh tế toàn cầu đang suy thoái trầm trọng, nhiều công ty phải đóng cửa, nhiều tập đoàn bị phá sản và vô số người bị mất việc, cho nên nó đã trở thành thứ nhạy cảm hàng đầu mà khi người ta ngồi lại với nhau không ai dám nhắc tới hai chữ thành công.

Vậy nên ít khi nào ta hỏi ngược lại người kia hay tự hỏi chính mình: thành công là thành công về cái gì? Thành công phải có đối tượng của nó, cụ thể là lĩnh vực nào, chứ không phải cái gì cũng thành công thì mới được gọi là thành công. Như ta đang sở hữu những thứ tiện nghi sang trọng đắt tiền, hay vị trí xã hội mà rất nhiều người mơ tưởng, thì không lý do gì ta không tự nhận mình là kẻ thành công. Nhưng khi có được những thứ đó trong tay thì hạnh phúc gia đình lại đổ vỡ, người thân không muốn nhìn mặt ta nữa, hoặc ta không thể tin tưởng và cảm thông với bạn bè… thì ta có được gọi kẻ thành công nữa không? Có đấy, nhưng chỉ thành công về mặt vật chất, còn đời sống tình cảm thì thất bại.

Còn nếu ta cho rằng tình yêu của ta là nhất, trên cõi đời này không còn thứ gì quan trọng và tuyệt vời hơn thế nữa, để rồi ta lao theo nó như con thiêu thân bất chấp mọi thứ đang xảy ra chung quanh và phía trước. Ta bỏ ra rất nhiều thời gian, tiền của, năng lực và cả những phẩm chất quý giá trong tâm hồn để nắm bắt nó. Ta không cần chăm sóc bản thân, không buồn quan tâm tới việc làm hay những mối quan hệ chung quanh để giữ gìn nó. Ta tập cho mình thói quen ganh ghét hay ăn thua đủ khi người kia không hết dạ với mình. Giả sử người kia đã thuộc về ta rồi thì ta có thật là kẻ thành công không? Có đấy, ta đã thành công về khả năng chinh phục kẻ khác, nhưng lại thất bại với chính mình.

Thành công ở bên ngoài

Ta luôn chịu ảnh hưởng bởi tâm thức cộng đồng, luôn bị cuốn theo dòng chảy mãnh liệt của cuộc sống, nên không dễ gì có được chánh kiến của riêng mình. Dù ta có đọc sách thánh hiền, được người hiểu biết hướng dẫn, hay do chính ta suy nghiệm lấy thì ta cũng không đủ can đảm để bước theo hướng đi sáng đẹp mà mình đã tìm ra. Tại vì hướng ấy rất cô độc, gần như mọi người đều đổ xô theo hướng tìm kiếm quyền lợi vật chất hay thỏa mãn danh dự, chứ không còn thiết tha gì với giá trị đời sống tinh thần.

Ảnh minh họa

Bây giờ bước ra đường phố ta không khỏi ngẩn ngơ trước dòng người đông nghẹt, nhưng ai nấy cũng đầy vẻ căng thẳng và hối hả như đang chạy tìm một cái gì đó. Họ không biết ai vừa lướt ngang qua mình, thì làm sao có thể nhìn nhau bằng ánh mắt trìu mến, hay tặng nhau một nụ cười thân thiện. Ngồi cạnh nhau trên xe buýt hàng giờ nhưng không ai chịu bắt chuyện, vì dường như ai cũng đang rất bận rộn với những kế hoạch trong đầu. Họ gặp nhau ở công ty nhưng cũng không thể dừng lại hỏi người kia có khỏe không và chờ đợi câu trả lời, vì họ có cảm tưởng như vậy là mất một vài giây phút quý giá trong đời, thay vì tranh thủ lao đầu vào các tờ nhật báo, lên internet để tìm kiếm những thông tin mà họ cho là bổ ích, cần thiết cho sự thành công.

Nhiều người lại không thích người khác hỏi thăm mình. Họ luôn nghĩ sự hiện diện của người kia là không cần thiết hay sẽ cản trở sự tự do của mình. Tại vì họ không muốn công khai với người khác về sự thất bại của mình, và họ có thể nghĩ người kia đang tìm cách để cạnh tranh hay hạ gục mình giữa thương trường. Vì vậy mà bây giờ thương trường đã trở thành chiến trường khốc liệt, trong đó, ai không có đủ sự khôn ngoan và chiêu thức tinh xảo thì phải chấp nhận trở thành kẻ chiến bại. Để rồi con người ngày càng tự biến mình thành cỗ máy vô tri và mất dần tình người với nhau. Đến lúc không chịu đựng nổi cảnh sống “máy móc” và hời hợt như vậy nữa, thì họ chui mình vào vỏ bọc của sự cô đơn, lạnh lùng, và có những quyết định hết sức lầm lẫn.

Sự thành công như thế vốn đã mang theo tính chất của sự hủy diệt rồi. Thà tài sản bị tiêu tán thì ta vẫn còn cơ hội tìm lại được hay ta vẫn còn nhiều điều ý nghĩa để sống, nhưng một khi những phẩm chất linh thiêng trong tâm hồn như sự bình an, lòng thương xót, tính thật thà, đức khiêm cung… bị băng hoại thì có khi cả đời ta cũng không sao thiết lập lại nổi. Người sống không có chất liệu đạo đức là một thất bại thảm hại. Sống mà không thể yêu thương hay không được yêu thương thì có khác gì những loài ma đói!

Cho nên ta đừng quá hốt hoảng hay buồn chán khi ta đang là kẻ chiến bại trong chiến trường kinh tế. Nếu ta vẫn còn khả năng ngồi yên để uống một chén trà nóng với bạn bè, vẫn còn kiên nhẫn để lắng nghe người thương chia sẻ, vẫn còn biết rung động trước những cảnh đời trái ngang, vẫn còn sốt sắng đứng ra bảo bọc kẻ khác thì ta hãy ăn mừng đi. Vì đối với gia đình, với xã hội, với đất trời này ta là kẻ đã sống trọn kiếp con người.

Vậy nên có thể nói, thành công với chính mình thì ta sẽ dễ dàng thành công với tất cả, nếu thất bại với chính mình thì ta không bao giờ giữ được thành công nào lâu dài. Cụ Nguyễn Du cũng đã từng nói “Sao cho trong ấm thì ngoài mới êm”, ta đừng bao giờ quên nguyên tắc điều hợp cuộc sống rất quan trọng này. Giờ phút nào ta vẫn còn chạy vòng ngoài để tìm kiếm sự công nhận, hay tích góp thêm tiền bạc mà bỏ bê những người thân yêu trong gia đình hoặc chính tâm hồn mình, thì giờ phút đó ta vẫn chưa cắm rễ vào sự sống, chưa thực sự biết sống, hay chưa tìm ra lẽ sống.

Thành công với chính mình

Sự thống trị của cơ sở vật chất đã làm cho bao lớp người không tìm thấy giá trị đích thực của cuộc sống này là gì. Nhiều bạn trẻ khi đã lấy được chứng chỉ đại học rồi mà cũng không dám bước vào đời, họ nghĩ phải tiếp tục đào xới kiến thức trong học đường vài năm nữa để lấy thêm chứng chỉ cao học, hoặc ít nhất là phải có thêm một chứng chỉ nào khác nữa thì mới đủ tư cách để bước vào ngưỡng cửa thành công. Trong đầu hầu hết các bạn trẻ đều luôn nghĩ đến việc kiếm thật nhiều tiền, phải chứng tỏ cho mọi người thấy được tài năng của mình trong khi còn sung sức thì mới hài lòng với chính mình. Nhiều bạn có cơ hội tiến thân là nắm bắt ngay, những người chưa đủ thực lực cũng cố gắng chen chân và tìm mọi phương cách để gây sự chú ý của người khác, cả chuyện đánh bóng tên tuổi mình bằng những vụ tai tiếng. Với họ, được nhiều người biết tới cũng đã là một sự thành công vẻ vang rồi. Thật đáng sợ!

Làm sao để nói cho các bạn trẻ ấy biết rằng cái gì cũng có cái giá của nó, giây phút đón nhận hậu quả của những hành động sai lầm rất khủng khiếp. Làm sao để phân tích cho họ thấy được bản chất thật của cuộc sống là gì, làm sao để giúp họ xác định lại đâu mới là mục đích chính của đời sống? Hay là “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay” (Nguyễn Du, Truyện Kiều), chắc là đôi lúc ta cũng nên để cho các bạn ấy vấp ngã vài lần thật đau thì may ra mới bừng tỉnh mà định vị lại cuộc đời mình, chứ không dễ gì ngăn cản nổi sự háo thắng và liều lĩnh của họ một khi đã lún sâu vào danh vọng.

Chìa khóa thành công. Ảnh: XL

Các nhà phân tâm học phương Tây thường hay nhắc nhở rằng nhà trường chỉ cung cấp cho ta 25% kiến thức, còn cuộc sống trải nghiệm mới cho ta 75% kiến thức ta cần. Sự lầm lẫn về phương tiện sống và mục đích sống đã khiến cho rất nhiều thế hệ học sinh ra trường bị khủng hoảng về sự lựa chọn hướng đi cho cuộc đời mình. Họ không dám bước vào đời vì họ sợ mình thua sút người khác, mình sẽ không phải là sự lựa chọn tối ưu của những công ty danh tiếng, mình sẽ không dễ dàng chinh phục được những đối tượng có quyền lực. Có bao nhiêu bạn trẻ đã dành trọn nguyện vọng của mình cho việc tìm kiếm giá trị hạnh phúc chân thật, phương cách nào để làm chủ được bản thân, hay làm sao để bảo vệ môi sinh, cứu giúp trẻ em đói, hoặc giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc?

Những câu hỏi đó vẫn luôn bị xem là xa vời, phi thực tế. Tiền bạc hay danh vọng mới đích thực là tâm nguyện hàng đầu của giới trẻ bây giờ. Nhưng các bạn ơi, thành công ấy sẽ đưa ta đi về đâu? Đành rằng đời sống ai cũng cần những tiện nghi đó, nhưng nếu ta không thể thành công trong những lĩnh vực sâu sắc và cần thiết khác của đời sống thì ta sẽ thấy đời sống này rất vô vị và trống rỗng. Tại vì cảm giác sung sướng của sự thành công kia sẽ mau chóng đi qua, nó sẽ để lại cho ta một nỗi cô đơn mà không có thứ gì có thể chia sẻ được. Đó cũng là lý do tại sao kẻ có quyền lực nhất chính là kẻ cô đơn nhất.

Ta hãy trở về tìm lại sự thành công nơi chính mình. Hãy học cách lắng đọng tâm thức, không để đầu óc suy nghĩ vẩn vơ; hãy cố gắng luyện tập làm chủ một cơn giận, nhận diện và chuyển hóa những năng lượng độc hại như lòng tham, tính ích kỷ, thói quen tính toán, lối sống thiếu trách nhiệm. Hãy tìm cách khơi dậy những phẩm chất quý giá trong tâm hồn và những năng lực tiềm ẩn chưa có điều kiện phát sinh. Ta hãy tập cho thành công những bước chân thong thả, những buổi ăn cơm đầm ấm với gia đình, hay những khi lắng nghe khó khăn của người khác. Sự thật cuộc đời này không có cái thành công lớn hay nhỏ, mà chỉ có cái đem tới cảm xúc nhất thời hay giá trị hạnh phúc chân thật mà thôi.

Núi muôn đời vững chãi
Mặc tuyết phủ sương giăng
Ta đã tìm thế đứng
Hay vẫn còn lăng xăng?
Cây giữ phiền muộn

Người thợ tôi thuê để tu bổ lại nông trại, vừa hoàn tất một ngày làm việc đầu tiên vất vả. Anh đến làm việc ...

Quan niệm về lòng tốt, sự nhiệt tình và hiểu biết

Lòng tốt, sự nhiệt tình là những giá trị đạo đức mà con người và xã hội rất cần. Con người cần có lòng tốt ...

http://giacngo.vn/phathoc/triethoc/2009/04/06/5E425A/

Ngày đăng: 11:00 | 31/10/2017

/ Giác Ngộ Online