Phát minh của Elisha Graves Otis về hệ thống phanh trong thang máy được coi là bước đột phá quan trọng nhất của thế kỉ XIX, vì nó thể hiện cho sự phát triển của các tòa nhà chọc trời.
Phanh cơ khí - Phát minh quan trọng bậc nhất ngành thang máy
Elisha Graves Otis sinh ngày 3.8.1811 ở Halifax, Vermont, Hoa Kỳ. Năm 1830, ông bắt đầu làm công việc thợ mộc nhưng 15 năm sau ông chuyển sang làm thợ cơ khí cho công ty ván lót giường.
Graves Otis chỉ được biết đến khi vào năm 1852, ông khiến cả thế giới phải thán phục bằng việc giới thiệu thang máy có phanh đầu tiên tại New York.
Elisha Graves Otis, người đã có đóng góp lớn lao cho sự phát triển của ngành thang máy thế giới.
Đứng trên một bục sàn được cẩu cao qua khỏi đầu đám đông tại Crystal Palace ở New York, Otis thực sự gây sốc cho đám đông khi ông đột ngột cắt dây treo duy nhất chịu lực nối bục sàn mà ông đang đứng. Đám đông đã hết sức ngạc nhiên và có phần lo lắng. Thế nhưng chiếc thang máy đã dừng lại sau khi rơi xuống vài cm khiến tất cả đều trầm trồ, phá tan mọi nỗi lo sợ về tai nạn khi thang máy rơi.
Chính phanh an toàn mới mang tính cách mạng của ông đã có tác dụng, giúp dừng bục sàn khỏi bị rơi xuống đất. Với phát minh này, Otis quả thật đã khởi đầu cho ngành công nghiệp thang máy, giúp các tòa nhà - cùng trí tưởng tượng của các kiến trúc sư - có thể vươn cao lên bầu trời.
Ngay lập tức, ông nhận được rất nhiều đơn đặt hàng. Một năm sau đó, công ty EG Otis và chiếc thang máy an toàn đầu tiên đã được bán ra thị trường. Tuy nhiên việc làm ăn không được như ý muốn. Mãi đến năm 1857, công ty của ông mới làm nên lịch sử khi cài đặt được hệ thống thang máy chở khách đầu tiên trên thế giới trong các cửa hàng của Haughwout EV tại các giao lộ Broadway ở thành phố New York.
Otis giới thiệu thang máy có phanh đầu tiên tại New York hồi cuối thế kỷ XIX.
Năm 1861, công ty của ông đã được cấp bằng sáng chế cho thang máy chạy bằng hơi nước. Từ phát minh này, ông đã mở ra một thị truờng tiêu thụ sản phẩm rộng rãi, bao gồm các cửa hàng, khách sạn cũng như các toà nhà văn phòng.
Tuy nhiên, khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp, Elisha Graves Otis mắc phải căn bệnh bạch hầu và qua đời ngày 8.4.1861 ở Yonker, New York ở tuổi 69.
Ngoài phát minh vĩ đại của mình, Otis còn được biết đến khi là người sáng chế thiết bị phanh trên đường sắt vào năm 1852 và lò nướng bánh mì năm 1858.
Mặc dù đã qua đời nhưng tên tuổi của công ty ông ngày càng được biết đến khi hai người con trai ông đã nối nghiệp và gây dựng công ty thành công hơn cha, trở thành một doanh nghiệp thịnh vượng.
Một lần nữa tên Otis được nhắc đến khi năm 1889, họ đã cài đặt một thang máy ở tháp Eiffel (Paris) và Đài tưởng niệm Washington (năm 1890). Đến năm 1913, công ty Otis đã đạt danh tiếng quốc tế khi được lắp đặt hệ thống thang máy trong tòa nhà Woolworth Building 60 tầng ở thành phố New York.
Có thể nói, Otis đã đạt được thành công lớn khi năm 1997, người ta có thể tìm thấy tên của ông trên hơn 1,2 triệu thang máy trên thế giới. Công ty EG Otis, nay là một phần của Tổng công ty United Technologies, có trụ sở tại Farmington, Connecticut với 68.000 người lao động và chiếm tới 23% thị trường thang máy toàn cầu.
Những bước đột phá chóng mặt
Thang máy đầu tiên trên thế giới được chế tạo dưới triều đại vua Louis XV, ở Versailles năm 1743. Chiếc thang máy này được xây dựng để phục vụ cho riêng quốc vương di chuyển từ phòng ông ở tầng lầu 1 tới lầu 2 để gặp người yêu là bà DE Châteauroux. Kỹ thuật này dựa trên sự đối trọng nên việc sử dụng ít tốn sức lực.
Thang máy đã có những bước phát triển vượt bậc trong những thập kỷ gần đây.
Đến cuối cuối thế kỷ XIX, sau sự ra đời của thang máy OTIS năm 1853, đến năm 1874 hãng thang máy SCHINDLER cũng đã chế tạo thành công những thang máy khác. Lúc đầu bộ tời kéo chỉ có một tốc độ, cabin có kết cấu đơn giản, cửa tầng đóng bằng tay, tốc độ di chuyển của cabin thấp.
Sang thế kỉ XX, nhiều hãng thang máy khác đã ra đời như Kone của Phần Lan; Nippon, Mitsubishi của Nhật Bản; Thyssen của Đức, Sabiem của Italy; LG của Hàn Quốc... với các loại thang máy có tốc độ cao, tiện nghi trong cabin tốt hơn, êm hơn và dừng tầng chính xác hơn.
Cho tới cuối những năm 1960, thang máy trên thế giới đã đạt tới tốc độ 400m/phút, những thang máy lớn với tải trọng lên tới 25 tấn đã được chế tạo thành công. Thời gian này xuất hiện nhiều hãng thang máy nữa ra đời. Các sản phẩm phục vụ ngành thang máy cũng bắt đầu cải tiến, thang cuốn, băng chuyền lần lượt xuất hiện.
Vào đầu những năm 1970 thang máy đã đạt tới tốc độ 450m/phút những thang máy chở hàng đã có tải trọng nâng tới 30 tấn đồng thời cũng trong khoảng thời gian này đã có những thang máy thủy lực ra đời. Sau một khoảng thời gian rất ngắn, với tiến bộ của các ngành khoa học khác, tốc độ của thang máy đã đạt tới 600m/phút.
Vào những năm 1980 đã xuất hiện hệ thống điều khiển động cơ bằng phương pháp biến đổi điện áp và tần số VVVF. Thành tựu này cho phép thang máy hoạt động êm dịu hơn, tiết kiệm được khoảng 40% công suất động cơ. Cũng vào những năm này, thang máy dùng động cơ điện cảm ứng tuyến tính đã xuất hiện.
Cho đến nay, thang máy có tốc độ nhanh nhất thế giới được ghi nhận với vận tốc 1.200m/phút, tương đương 72km/h được tập đoàn điện tử và kỹ thuật Hitachi của Nhật lắp đặt tại tòa nhà Trung tâm Tài chính CTF tại thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.
Trước đó, kỷ lục này thuộc về thang máy tại tòa Burj Khalifa tại Dubai, Các Tiểu vương quốc A Rập thống nhất với vận tốc 1.066m/phút.
Thang máy rơi tự do hơn 80 tầng ở Mỹ mà không ai bị thương
6 người trong thang máy đã có những giây phút hoảng loạn nhưng cuối cùng, họ được giải cứu mà không gặp bất kỳ thương ... |
Nhân viên 18 tuổi chết trong thang máy nhà hàng
Trong lúc di chuyển bằng thang máy để mang thức ăn cho khách, nam thanh niên 18 tuổi thiệt mạng. |
Nhật Bản sắp thử nghiệm thang máy từ mặt đất ra vũ trụ
Ngày 11/9, Nhật Bản sẽ lần đầu thử nghiệm dự án thang máy lên vũ trụ với kỳ vọng thay đổi phương pháp vận chuyển ... |
Ngày đăng: 10:25 | 18/12/2018
/ http://danviet.vn