Rất nhiều người kiêng ký hợp đồng và làm việc đại sự trong tháng 7 âm lịch vì cho rằng tháng cô hồn mang đến nhiều vận hạn, vậy tháng này có xui xẻo thật không?
Theo quan niệm dân gian, tháng bảy âm lịch, vốn được gọi là tháng cô hồn, đem lại nhiều rủi ro, đen đủi, vì vậy nhiều người thường tránh làm những công việc quan trọng trong thời gian này. Thực tế mức độ rủi ro, xui xẻo có tăng cao trong tháng 7 không?
Các chuyên gia về khoa học xã hội đều khẳng định từ trước đến nay chưa hề có nghiên cứu, thống kê nào khẳng định điều đó. Tất cả đều xuất phát từ quan niệm dân gian, rằng đây là tháng xá tội vong nhân, Diêm Vương ra lệnh mở Quỷ môn quan để các vong linh được trở lại dương gian thăm người thân. Trong số những vong linh đó có cả những cô hồn dã quỷ không được thờ tự, sẽ đi lang thang và có thể quấy rối, trêu chọc, phá phách người sống.
Từ đó, người ta cho rằng, trong tháng này nên kiêng cữ cẩn thận, tránh tiến hành những việc đại sự để không bị vong quấy, kết quả không được như ý.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng, do tháng 7 âm lịch là mùa mưa ngâu, cũng là thời điểm chuyển giao giữa mùa hạ và mùa thu nên thời tiết không thuận lợi, mưa nắng thất thường. Người thì dễ ốm, nhà xây lúc này nếu dính nước mưa thì gỗ dễ mục, nếu xây bằng gạch và vôi thì không chắc chắn, ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Do đó từ thời xưa, người Việt Nam có xu hướng tránh làm nhà (công việc thuộc hàng đại sự bậc nhất) vào tháng này. Đây có thể là một phần nguyên nhân thực tế của tục kiêng làm việc lớn trong tháng cô hồn và quan niệm tháng cô hồn làm gì cũng hỏng.
Nhà nghiên cứu dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng, tháng nào cũng như nhau, ngày tốt ngày xấu là trong quan niệm, việc kiêng kỵ làm việc lớn trong tháng 7 chỉ là chuyện tín ngưỡng, không tính đến đúng sai và không ai có thể kiểm chứng đúng sai. Con người có niềm tín ngưỡng là để yên tâm về mặt tâm lý, nhưng không nên biến nó thành mê tín tiêu cực, vì thành công hay thất bại chính là phụ thuộc vào chúng ta.
Theo quan điểm Phật giáo, không có ngày tháng nào là ngày tháng xấu, đen đủi, cần kiêng kỵ hay né tránh cả. Chỉ cần mỗi người sống lương thiện, làm nhiều việc tốt, không phạm phải những điều xấu thì tự nhiên vận may sẽ đến.
Đặc biệt, với các phật tử, tháng bảy âm lịch lại là những ngày đem lại sự bình an vì là tháng Vu lan báo hiếu, rằm tháng bảy lại chính là ngày Chư Tăng thêm tuổi hạ, ngày Đức Phật hoan hỷ. Mỗi phật tử đều xem tháng bảy chính là khoảng thời gian giúp trau dồi tâm tính và đức hạnh.
Việc cúng cô hồn đối với người đeo đạo Phật là hoạt động mang tính nhân văn, cầu cho những vong hồn đang vất vưởng nơi dương gian được siêu thoát và đầu thai, chứ không mang hàm ý thực dụng là đuổi kẻ quấy phá để bản thân mình được yên ổn.
Nghệ nhân vàng mã Malaysia tất bật mùa cúng cô hồn
Nghệ nhân vàng mã Koh từng mất một tháng để dựng lâu đài giấy cao 3,7 m, nó bị thiêu rụi chỉ trong hai phút. |
Lý do người Việt cúng cô hồn vào tháng 7 âm lịch
Trong cuốn Hội hè lễ Tết của người Việt, Giáo sư Nguyễn Văn Huyên đưa ra lý giải nguồn gốc của những lễ, Tết, phong ... |
Sự thật về những điều kiêng kỵ trong tháng cô hồn
Từ xưa, người dân thường truyền tai nhau 18 điều phải kiêng kỵ trong tháng cô hồn, nếu không sẽ gặp xui xẻo. |
Ngày đăng: 07:47 | 19/08/2020
/ vtc.vn