65 năm trước, ngày 19/5/1959, Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh được thành lập. Vượt qua bao gian khổ, hy sinh giữa mưa bom bão đạn, bằng những phương tiện vô cùng thô sơ “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, hàng vạn bộ đội, Thanh niên xung phong (TNXP) đã bạt núi san rừng làm nên cung đường Trường Sơn huyền thoại. Kết thúc chiến tranh, hàng vạn chàng trai, cô gái tuổi mới mười tám đôi mươi mãi mãi nằm lại ở Trường Sơn.
Tháng bảy linh thiêng chúng tôi về lại Trường Sơn, thắp một nén nhang trong chiều diệu vợi, lại nhắc nhớ câu thơ của cố nhà thơ Tố Hữu “Trường Sơn, xẻ dọc, rọc ngang/ Xẻng tay mà viết nên trang sử hồng/ Trường Sơn, vượt núi, băng sông/ Xe đi trăm ngả, chiến công bốn mùa/ Trường Sơn, Đông nắng, Tây mưa/ Ai chưa đến đó, như chưa hiểu mình...”.
Có một Trường Sơn hào hùng…
Trong rất nhiều cuốn nhật ký, hồi ký của những người một thời ra trận đều có những trang viết đầy tài hoa và hoài niệm về các cung đường Trường Sơn. “Đêm đầu tiên đến đường Trường Sơn, nghe tiếng bom đạn rùng rợn chúng tôi không sao ngủ được. Lần đầu tiên xa quê hương, đi đánh Mỹ, phần nhớ nhà, nhớ bạn bè thân thuộc, phần vì tiếng bom đạn vang cả núi rừng.
Nhiều người nghĩ: Cái ngày trở lại thăm quê hương có khi có, có khi không. Cứ thế thao thức, nước mắt chảy dài…”. Rong ruổi trên đường Trường Sơn hôm nay chúng tôi thực sự nghiêng mình; chỉ bằng bàn tay, những đôi quang gánh, chiếc cào, chiếc thuổng mà các thế hệ bộ đội, TNXP đã làm nên con đường Trường Sơn dài hàng ngàn km len lỏi giữa rừng già trong bom đạn chiến tranh.
Ngày 13/8/1959 chuyến hàng đầu tiên chính thức vượt Trường Sơn. Sau 8 ngày đêm vượt qua bao sông sâu, suối dữ, đèo cao và hệ thống đồn bốt chốt chặn của địch, ngày 20/8/1959, chuyến hàng đầu tiên được gùi bộ trên tuyến đường bàn giao cho Liên khu 5 tại Tà Riệp gồm 20 khẩu tiểu liên Tuyn, 20 khẩu súng trường Mát, 10 thùng đạn tiểu liên và đạn súng trường. Chuyến hàng đầu tiên tuy ít ỏi, song đã làm nức lòng cán bộ, chiến sĩ Khu 5, thể hiện quyết tâm của Đảng và tình cảm của quân, dân miền Bắc gửi tới đồng bào, chiến sĩ miền Nam.
Hệ thống đường Hồ Chí Minh vượt Trường Sơn ngày càng hoàn chỉnh, sức người, sức của đưa vào chiến trường miền Nam ngày càng tăng. Năm 1959 (khi đường Hồ Chí Minh mới hình thành), với phương thức gùi bộ là chủ yếu, Đoàn 559 mới vận chuyển được 32 tấn vũ khí giao cho Khu 5, thì trong hai năm chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, lượng hàng đã giao cho các chiến trường hơn 410.000 tấn.
Tính chung trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bộ đội Trường Sơn đã vận chuyển chi viện cho các chiến trường trên 1,5 triệu tấn hàng hóa và 5,5 triệu tấn xăng dầu… qua tuyến đường Trường Sơn. Cùng với vận chuyển hàng quân sự, trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, tuyến giao thông vận tải Trường Sơn đã bảo đảm cho hơn 1,1 triệu lượt cán bộ, chiến sĩ đi vào chiến trường miền Nam và các hướng mặt trận lớn, đưa hơn 650.000 lượt cán bộ, chiến sĩ từ các chiến trường về hậu phương miền Bắc, trong đó có gần 310.000 thương binh, bệnh binh.
Trên mặt trận Trường Sơn, trong 16 năm (1959-1975), các lực lượng trên tuyến vận tải chiến lược đã chiến đấu trên 2.500 trận, diệt gần 17.000 tên địch, bắt 1.200 tên, gọi hàng trên 10.000 tên, bắn rơi 2.455 máy bay địch, phá hủy hàng vạn tấn vũ khí và phương tiện chiến tranh khác của địch. Để giành thắng lợi vẻ vang đó, hơn 2 vạn cán bộ, chiến sĩ, TNXP đã hy sinh, gần 3 vạn người bị thương, hàng nghìn người bị ảnh hưởng nặng nề chất độc màu da cam của địch. Biết bao bộ đội, TNXP, dân công hỏa tuyến, đồng bào các dân tộc đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình để giữ vững mạch máu giao thông trên con đường huyền thoại này…
Và để lại Trường Sơn những nỗi nhớ thầm
Hằng năm vào tháng 7, người dân Việt Nam nhắc nhở nhau tri ân, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do cho Tổ quốc. Sáng sớm, từ TP Đồng Hới chúng tôi vượt hành trình gần 150km lên khu vực biên giới Cà Roòng, đi trên con đường uốn mình như dải lụa dưới rặng rừng Trường Sơn, nhiều người đi trong đoàn lặng yên nhớ về công lao của bao thế hệ đi trước để mở ra những con đường này.
Đường Trường Sơn qua đất Quảng Bình nơi chia thành 2 nhánh Đông-Tây cũng là nơi địch bắn phá suốt ngày đêm trong những năm lửa đạn chiến tranh. Thắp một nén hương ở Đền tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Trường Sơn tại Cà Roòng - ATP nằm trên dãy Trường Sơn hùng vĩ (thuộc xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình), nhiều người đã lặng đi xúc động. Đây là nơi hội tụ anh linh các liệt sĩ tại trọng điểm Cà Roòng-ATP, nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ; là nơi để người dân trên mọi miền Tổ quốc có dịp đi trên con đường Trường Sơn lịch sử có thể thăm viếng, thắp nén tâm nhang tưởng niệm các chiến sĩ đã ngã xuống vì sự nghiệp bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc.
Chúng tôi đến hang Tám Cô trên đường 20 Quyết Thắng (một tuyến đường ở Trường Sơn). Sự hy sinh của các liệt sĩ TNXP ở hang Tám Cô, có thể nói, là một trong những sự kiện bi thương nhất của lực lượng TNXP trong những năm đánh Mỹ. Bởi ở đó, trong phút chốc 8 TNXP đã bị bom giặc "chôn sống" trong hang đá. Và phải mất gần 30 năm sau, các anh, các chị mới được tìm thấy để đưa về đất mẹ...
Đi trên con đường Trường Sơn hôm nay, lòng chúng tôi chợt chùng xuống khi đến hang Lèn Hà, ở Tuyên Hoá, Quảng Bình. Hang Lèn Hà - nơi Binh trạm A69 đóng quân, nằm trong rừng già giáp biên giới nước bạn Lào. Ngày hè đỏ lửa (2/7/1972), trong lúc các chiến sĩ Binh trạm A69 đang làm nhiệm vụ, 2 máy bay B52 đến ném bom, đánh phá, cả khu vực trạm cháy không ngừng. Địch đã cướp đi tuổi thanh xuân của 13 chiến sĩ tại binh trạm, trong đó có 10 chiến sĩ là nữ giới.
Những câu chuyện xúc động ở hang Lèn Hà thật khó để chúng ta cầm được nước mắt khi nghĩ về họ. Đó là chiến sĩ Trần Văn Xay, quê ở Thanh Ba, Phú Thọ, một ngày trước khi hy sinh, anh nhận được tin vợ vừa sinh con trai. Chưa một lần được nhìn mặt con, anh đã ngã xuống giữa núi rừng Trường Sơn. Đó là chiến sĩ Chu Thị Mạnh, Mạnh vào chiến trường khi mới bước qua tuổi 15 và hy sinh khi vừa tròn tuổi 16. Chưa đủ tuổi nhập ngũ, Chu Thị Mạnh đã trèo lên cây dọa tự tử nếu không được nhập ngũ để vào chiến trường.
Lần theo dòng chữ trên tấm bia ở hang Lèn Hà, tôi thấy đó là chiến sĩ Nguyễn Thị Anh hy sinh cũng khi vừa tuổi 16. Nguyễn Thị Anh (quê Thanh Cù, Thanh Ba, Phú Thọ) nhập ngũ mang theo trong ba lô chiếc khăn quàng đỏ và con búp bê nhỏ. Cô còn trẻ con đến độ đêm đêm không ôm búp bê là không ngủ được. Ngày 2/7/1972, Anh đổi ca với một đồng nghiệp và rồi vĩnh viễn ra đi.
Trong số 13 chiến sĩ hang Lèn Hà hy sinh còn có chị Vũ Thị Lan (quê Vũ Tây, Vũ Thư, Thái Bình). Chị Lan đang được đơn vị làm thủ tục ra quân để về ra mắt gia đình người yêu... Chị Lan yêu anh Hưng, một người cùng đơn vị trên đường Trường Sơn. Cùng làm việc trên một cung đường nhưng vì nhiệm vụ có khi cả năm họ cũng chẳng được gặp nhau. Nhà chị Lan nghèo, nhà anh Hưng cũng chẳng khá hơn, biết được hoàn cảnh hai người, đơn vị cho chị Lan ra quân để tổ chức đám cưới và lo chuyện cho hai gia đình ở hậu phương. Ngày cưới đã cận kề, chị Lan lại hy sinh…
Ngày đăng: 07:57 | 24/07/2024
Dương Sông Lam / CAND