Tăng giờ làm thêm tối đa lên đến 60 giờ/tháng, người lao động được hỗ trợ tiền thuê nhà lên đến 3 triệu đồng là những quy định tiền lương có hiệu lực từ tháng 4-2022

Theo Nghị quyết 17/2022/UBTVQH15 chính thức có hiệu lực từ 1-4, giới hạn thời gian làm thêm giờ của người lao động sẽ có nhiều thay đổi.

Cụ thể, thời gian làm thêm giờ tối đa trong tháng tăng từ 40 giờ lên thành 60 giờ (chỉ áp dụng với trong trường hợp được sử dụng lao động làm thêm tối đa 300 giờ/năm.

Thời gian làm thêm giờ tối đa trong năm là 300 giờ được áp dụng chung cho tất cả các ngành nghề, công việc nhưng không áp dụng với các đối tượng: Người lao động từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi; Người lao động khuyết tật nhẹ suy giảm lao động từ 51 % trở lên, khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng; Người lao động làm việc có yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Ngoài ra, với lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 (làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo); Lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi cũng không áp dụng thời gian làm thêm giờ tối đa trong năm là 300 giờ.

Tháng 4-2022: Áp dụng hàng loạt chính sách mới quan trọng về lao động, tiền lương ảnh 1
Từ 1-4, giới hạn thời gian làm thêm giờ của người lao động có nhiều thay đổi

Quyết định 08/2022/QĐ-TTg nêu rõ hai nhóm người lao động sẽ được nhận tiền hỗ trợ thuê nhà, gồm:

Người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc khu kinh tế trọng điểm; Người lao động quay trở lại thị trường lao động, làm việc tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế trọng điểm.

Nếu đáp ứng đủ các điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà, mỗi người lao động sẽ nhận được số tiền như sau:

Người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng trong 3 tháng, người lao động quay trở lại thị trường lao động được hỗ trợ 1.000.000 đồng/người/tháng trong 3 tháng.

Như vậy, tổng số tiền hỗ trợ thuê nhà mà người lao động có thể được nhận lên tới 3 triệu đồng/người.

Cũng theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg, người lao động muốn nhận tiền hỗ trợ phải làm đơn đề nghị hưởng theo mẫu và nộp lại cho doanh nghiệp.

Sau đó, doanh nghiệp có trách nhiệm lập danh sách người lao động đề nghị hỗ trợ và thực hiện các thủ tục liên quan với các cơ quan có thẩm quyền.

Theo hướng dẫn tại Quyết định 08, người lao động sau khi nộp đơn đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà cần chờ đợi ít nhất khoảng 11 ngày làm việc để được chi trả tiền.

Dù chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà có hiệu lực từ 28-3, nhưng để hoàn thiện thủ tục sang tới tháng 4 người lao động mới được chi trả trợ cấp.

Thông tư 02/2022 thay thế Thông tư 09/2018/TT-BCT có hiệu lực từ 1-4 quy định cụ thể mã số ngạch công chức quản lý thị trường, hướng dẫn xếp lương cho các ngạch công chức.

Theo đó, ngạch Kiểm soát viên cao cấp thị trường có mã số 21.187 sẽ áp dụng bảng lương công chức loại A3, nhóm 1 (A3.1) với hệ số lương từ 6,2-8,00; Ngạch Kiểm soát viên chính thị trường có mã số 21.188 được áp dụng bảng lương công chức loại A2, nhóm 1 (A2.1) với hệ số lương từ 4,40-6,78;

Ngạch Kiểm soát viên thị trường có mã số 21.189 được áp dụng bảng lương công chức loại Al với hệ số lương từ 2,34-4,98; Ngạch Kiểm soát viên trung cấp thị trường có mã số 21.190 được áp dụng bảng lương công chức loại A0 với hệ số lương từ 2,10-4,89.

Như vậy, hệ số lương của công chức quản lý thị trường sẽ dao động từ 2,1-8,0 tùy từng ngạch. Với mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng/tháng như hiện nay, công chức quản lý thị trường sẽ được trả lương từ 3,129 - 11,92 triệu đồng/tháng.

Nhiều chính sách về bảo hiểm, lao động - tiền lương có hiệu lực từ ngày 1/3 Nhiều chính sách về bảo hiểm, lao động - tiền lương có hiệu lực từ ngày 1/3
Hơn 96% lao động trở lại TP.HCM làm việc sau Tết Hơn 96% lao động trở lại TP.HCM làm việc sau Tết

Ngày đăng: 10:27 | 31/03/2022

/ www.anninhthudo.vn