Chính phủ vừa phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý các loại tài sản ảo, tiền ảo, tiền điện tử. Như vậy, các loại tiền ảo như bitcoin, onecoin, il coin sẽ được nghiên cứu, xem xét đưa vào khung pháp lý để có hình thức quản lý phù hợp. Việc phê duyệt đề án thể hiện tinh thần chủ động cầu thị của Chính phủ với xu hướng tiền ảo, tiền điện tử đang vận hành trên thế giới.

than trong voi tien ao
Ảnh minh họa.

Theo Đề án, Bộ Tư pháp chủ trì rà soát, đánh giá thực trạng pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo ở Việt Nam và nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm quốc tế liên quan, trong đó, khảo sát, tập hợp các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn đối với các vấn đề liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo; nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm quốc tế tại một số nước (Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản...) về pháp luật và thực tiễn liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong tháng 8-2018 hoàn thành rà soát, nghiên cứu, đề nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về tiền điện tử trình Thủ tướng Chính phủ. Tiếp nữa, Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới trước tháng 6-2019 văn bản quy phạm pháp luật về thuế đối với tài sản ảo, tiền ảo.

Đề án cũng nêu rõ Bộ Công an chủ trì nghiên cứu, đề xuất biện pháp phòng, chống, xử lý các vi phạm hình sự liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo; Báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào tháng 9-2019 về các biện pháp phòng, chống, xử lý các vi phạm hình sự về gian lận, rửa tiền, tài trợ khủng bố và các tội phạm khác liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo.

Không phải đến bây giờ, tiền ảo- Bitcoin đã từng manh nha du nhập vào Việt Nam từ những năm 2013. Ngay từ thời điểm này, đại diện NHNN từng lên tiếng cho biết: NHNN đã chủ động nghiên cứu về loại tiền ảo này. Tương tự hầu hết các quốc gia khác trên thế giới, theo pháp luật hiện hành về ngân hàng, NHNN khẳng định bitcoin (cũng như các loại tiền ảo tương tự khác) không phải là tiền tệ hợp pháp và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. “ Việc sở hữu, mua bán, sử dụng bitcoin tiềm ẩn rất nhiều rủi ro vì có khả năng bị tấn công đánh cắp, thay đổi dữ liệu hoặc bị ngừng giao dịch, mặt khác, giao dịch Bitcoin có tính ẩn danh cao nên có thể trở thành công cụ cho tội phạm như rửa tiền, buôn ma túy, trốn thuế.”

Do vậy, việc sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Các tổ chức tín dụng không được phép sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng. Quan điểm này được NHNN công khai tuyên bố.

Dù không được thừa nhận, nhưng sức hấp dẫn của việc kinh doanh tiền ảo, vàng ảo, tài sản ảo được tiếp sức bởi các chiêu thức tiếp thị, lợi nhuận quảng cáo khổng lồ đã khiến nhiều nhà đầu tư, người dân tham gia. Thời gian gần đây, những lời mời chào tham gia mạng lưới tiền ảo theo hình thức đa cấp, phổ biến là các loại tiền ảo như Swisscoin, Bitcoin, Onecoin, Gem coin, IL coin tràn lan…

Theo đó, chỉ cần bỏ ra từ 10 đến 50 triệu đồng, nhà đầu tư có cơ hội thu về 100-300 tỷ đồng trong vòng 3 năm. Các đội ngũ tư vấn kinh doanh tiền ảo xuất hiện ở cửa hàng cà phê, trên diễn đàn, khiến cho “thị trường ngầm” này phát triển và kéo theo nhiều hệ lụy. Ngân hàng Nhà nước không thừa nhận tiền ảo, không chấp nhận tiền ảo là phương tiện thanh toán, song cũng chưa có văn bản chính thức nào cấm tiền ảo. Trong khi nhiều vụ việc có dấu hiệu lừa đảo, nhiều nhà đầu tư mất tiền, Bộ Công an muốn đưa các vụ việc này ra khởi tố, thì Bộ Tài chính lại cho rằng, kinh doanh tiền ảo không nằm trong các hoạt động kinh doanh mà pháp luật cấm đoán, vì vậy không nên hình sự hóa hoạt động này, mà cần có cơ chế quản lý phù hợp để giảm bớt rủi ro cho nhà đầu tư, đồng thời tránh thất thu thuế.

Thực tế trên đang đặt ra nhiều thách thức. Trong lúc khung pháp lý chưa hoàn thiện thì việc đầu tư, tranh chấp dân sự, thương mại, tội phạm về tiền ảo đang diễn ra. Kinh doanh tiền ảo, tài sản ảo, tiền điện tử vì thế không thể nằm ngoài vùng quản lý giám sát, càng không thể là khoảng trống của pháp luật. Xác định rõ vị trí, trách nhiệm, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, để giảm thiểu rủi ro hệ thống tài chính từ tiền ảo, tài sản ảo, tiền điện tử không có cách nào khác là nghiên cứu rõ về nó, xây dựng khuôn khổ pháp lý để quản lý, điều chỉnh nó để phù hợp với xu hướng phát triển hiện đại. Ông Lê Minh Trường, Giám đốc điều hành Công ty Luật Minh Khuê, kinh doanh tiền điện tử là một xu thế tất yếu, vì vậy, cần phải tìm cách quản lý và thích ứng, thay vì “không thừa nhận” hoặc “, cấm” “không bảo hộ”.

Vì vậy việc Chính phủ vừa phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý các loại tài sản ảo, tiền ảo, tiền điện tử là cần thiết. Việt Nam có thừa nhận tính hợp pháp của tiền ảo hay không? Liệu rồi có cho phép giao dịch loại tài sản ảo này như là một loại hàng hóa hay không? Việc sử dụng tiền điện tử sẽ như thế nào? Để trả lời những câu hỏi này rất cần những nghiên cứu thấu đáo, trước khi ban hành những khuôn khổ pháp lý để điều chỉnh, quản lý.

http://daidoanket.vn/tin-tuc/goc-nhin-dai-doan-ket/than-trong-voi-tien-ao-377778

Ngày đăng: 10:58 | 25/08/2017

Theo Thúy Hằng/daidoanket /