Từ tiến công Idlib, cân bằng Iran-Israel, cho đến tái thiết Syria; Tổng thống Putin sẽ thấy rằng, việc hoàn tất kế hoạch của mình là điều dễ nói hơn dễ làm.
Nga đang muốn cân bằng quá nhiều thứ ở Syria.
Cuộc nội chiến Syria đã bước vào một giai đoạn mới kể từ khi Chính phủ tiếp quản Daraa và Quneitra ở phía Tây Nam của đất nước. Lần đầu tiên sau 7 năm xung đột, tất cả các lãnh thổ có ý nghĩa quan trọng ở Syria đều nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp của các lực lượng ủng hộ Tổng thống Assad.
Hiện tại, Các lực lượng Dân chủ Syria và quân đồng minh của Mỹ vẫn kiểm soát phía Đông Bắc của đất nước, trong khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang hiện diện ở các vùng phía Bắc bao gồm Aleppo và tỉnh Idlib, thành trì cuối cùng của phiến quân.
Moscow đang hoàn thiện các mục tiêu chính để đảm bảo vị thế của mình ở quốc gia Trung Đông, trong khi chính quyền Assad đang mong muốn ổn định cuộc chiến và gặt hái những lợi ích trong cuộc xung đột.
Để đạt được mục đích đó, Nga đã đưa ra một kế hoạch toàn diện những lại nhiều rủi ro, Stratfor nhận định.
Tái thiết đất nước
Bước đầu tiên trong kế hoạch của Nga là bảo đảm kinh phí tái thiết cần thiết để giữ cho chính quyền Assad tiếp tục nắm quyền tại Syria trong một thời gian dài. Nếu không có những nỗ lực đáng kể để xây dựng lại và ổn định đất nước, tình trạng rối loạn có thể trở lại.
Hơn nữa, vai trò của Nga trong việc bình định và phục hồi Syria sẽ không chỉ tăng cường tính hợp pháp của Chính phủ Syria hiện tại mà còn là đòn bẩy khiến phương Tây dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Damascus.
Quá trình này tất nhiên sẽ cần đến nguồn kinh phí không nhỏ, ước tính vào khoảng 400 tỷ USD. Do Nga không thể tự mình kham nổi số tiền này, họ sẽ cần nhờ đến sự giúp đỡ của các nước khác, cụ thể là Mỹ, Trung Quốc và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU).
Cho đến nay, Moscow đã nhận được những kết quả khác nhau từ lời kêu gọi của mình. Trong khi Trung Quốc phát tín hiệu tham gia vào nỗ lực nói trên, Mỹ và EU lại không muốn nằm trong kế hoạch của Nga.
Một số nước EU, chẳng hạn như Pháp, đã thực hiện các đợt viện trợ nhân đạo cho Syria cùng với Nga, nhưng các hoạt động nhỏ lẻ của Paris vẫn còn xa vời so với kế hoạch tái thiết mà Moscow có trong đầu.
Để cố gắng lôi kéo các thành viên EU ủng hộ tầm nhìn của mình, Nga đã chào mời bằng viễn cảnh đưa những người tị nạn ở châu Âu trở lại Syria. Tuy nhiên, EU hoài nghi về ý định của Nga và hơn cả là không muốn hợp tác trực tiếp với Chính phủ của Tổng thống Assad.
Thuyết phục Mỹ thậm chí còn khó khăn hơn. Washington không những không muốn ủng hộ chính quyền Assad, nước này còn đang tìm cách cắt giảm chi tiêu của mình ở Syria.
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 17/8 thông báo rằng, thay vì chi 230 triệu USD dành cho những nỗ lực bình ổn Syria, họ sẽ yêu cầu các đồng minh Ả Rập bỏ tiền.
Tránh sự leo thang của Israel-Iran
Khi Moscow tiếp tục tìm cách củng cố quyền lực của chính quyền Assad, họ cũng đang tìm cách để giữ cho cuộc xung đột ở Syria không leo thang thành một cuộc chiến giữa các quốc gia có liên quan.
Israel đã tăng cường các cuộc tấn công vào lực lượng Iran ở Syria trong năm qua để ngăn chặn Tehran mở rộng ảnh hưởng. Nếu không được kiểm soát, các cuộc tấn công có thể nhường chỗ cho một cuộc xung đột toàn diện giữa Iran và Israel; làm tổn hại đến Damascus và một lần nữa kéo Nga vào mớ bòng bong.
Các thế lực đang kiểm soát ở Syria.
Để tránh kịch bản tồi tệ như vậy, Nga đã thuyết phục Iran rút các lực lượng của mình ra khỏi phía tây nam Syria, đồng thời tăng cường liên lạc với Israel để tránh các cuộc đụng độ ngẫu nhiên giữa các lực lượng Nga và Israel.
Mặc dù vậy, nguy cơ của một cuộc đối đầu Israel-Iran vẫn còn đó. Iran hoàn toàn có thể ra lệnh đưa lực lượng trở lại khu vực gần Cao nguyên Golan. Hơn nữa, miễn là Iran có mặt tại Syria, Israel sẽ không dừng lại các cuộc tấn công của mình.
Nga không có khả năng cũng như không có ý định buộc Iran rời khỏi Syria. Trên thực tế, quốc gia này đã bám rễ và gây dựng ảnh hưởng ở Damascus quá sâu rộng. Ngoài ra, Moscow vẫn cần các lực lượng Iran ở Syria cho các nhiệm vụ phản kháng sẽ tiếp tục kéo dài trong tương lai ở các vùng xa xôi trên lãnh thổ đất nước.
Câu hỏi về Idlib
Bất chấp các vấn đề trên, điều khó khăn nhất mà Moscow phải ứng phó là tình trạng ở Idlib. Thành trì quân nổi dậy đang vướng vào một thỏa thuận "ngừng leo thang" mà Nga có được với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran trong các cuộc đàm phán hòa bình ở Kazakhstan năm ngoái.
Sau khi giành lại quyền kiểm soát vùng tây nam Syria, Damascus mong muốn khởi động một cuộc tấn công vào Idlib để tiếp tục thu hồi lãnh thổ. Các lực lượng trung thành với Chính phủ đã tiến về phía Bắc đối trong vài tuần qua để chuẩn bị cho một chiến dịch tiềm năng – điều đưa Nga vào một tình thế khó xử.
Một mặt, Moscow muốn làm suy yếu lực lượng nổi dậy ở Idlib - đặc biệt là những kẻ đứng đằng sau cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào căn cứ không quân Hmeimim ở Latakia.
Nhưng mặt khác, làm như vậy có thể đưa Nga vào một cuộc xung đột trực tiếp với Thổ Nhĩ Kỳ, thế lực không muốn mất đi Idlib, vì sợ mất vùng đệm ở Syria và bùng nổ thêm làn sóng người tị nạn trên biên giới.
Moscow không có ý định kích động một cuộc đối đầu với Ankara. Một cuộc xung đột như vậy có thể xóa bỏ không khí nồng ấm mà hai nước gây dựng thời gian qua; đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở lại kề vai bên Mỹ, cũng như tăng cường các hoạt động nổi dậy chống lại chính quyền Assad.
Nga đang gây sức ép lên Thổ Nhĩ Kỳ để nước này có một lập trường cứng rắn hơn về các nhóm chiến binh cực đoan ở đây như Hayat Tahrir al-Sham và đảng Hồi giáo người Kurd ở Syria.
Đồng thời, Nga cũng thuyết phục Damascus khoan tiến hành một chiến dịch quân sự toàn diện để chiếm lại Idlib trong lúc lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn hiện diện trong tỉnh.
Thay vì một hoạt động chính thức, một loạt các cuộc tấn công nhỏ lẻ Nga hậu thuẫn có thể sẽ bắt đầu trong vài tuần tới, cùng với một chiến dịch tuyên truyền rộng rãi nhằm thuyết phục các nhóm nổi loạn buông vũ khí.
Tuy nhiên, ngay cả một cách tiếp cận được hiệu chỉnh cẩn thận vẫn sẽ gây ra rủi ro đáng kể. Trước đây, Nga chưa bao giờ hỗ trợ một chiến dịch quân sự quy mô lớn tấn công phe nổi loạn mà có cả sự hiện diện của quân đội nước ngoài ở đó.
Nếu quyết định làm như vậy ở Idlib, Moscow rất dễ gây thương vong cho Thổ Nhĩ Kỳ, khiến căng thẳng leo thang.
Mặc dù chính quyền Assad đã giành lại phần lớn lãnh thổ, Nga có thể sẽ thấy rằng việc thực hiện nốt phần còn lại trong chiến lược ở Syria là điều dễ nói hơn là làm.
Lý do Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là điểm đến khiến cho du khách yêu từ cái nhìn đầu tiên
Với những ưu điểm như sự hiếu khách, cuộc sống thoải mái, thiên nhiên tươi đẹp…chắc chắn Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có trong danh sách ... |
Mỹ bác đề xuất thả mục sư để được bỏ trừng phạt của Thổ Nhĩ Kỳ
Ankara muốn thả mục sư người Mỹ Brunson để đổi lấy việc gỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế, nhưng bị Washington từ chối. |
Ngày đăng: 13:50 | 22/08/2018
/ http://www.nguoiduatin.vn