Nhắc lại sự kiện Gạc Ma để cả thế giới biết đầy đủ, chính xác những hành động tàn bạo của Hải quân Trung Quốc, nhắc nhở thế hệ trẻ không quên nỗi đau, trân trọng hòa bình, đấu tranh giữ vững chủ quyền biển đảo.
Thạc sĩ Trần Trung Hiếu - giáo viên trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An, thành viên của Hội đồng góp ý và phản biện Chương trình giáo dục phổ thông môn Lịch sử của Bộ GD&ĐT gửi đến VTC News bài viết nhân kỷ niệm 30 năm “sự kiện Gạc Ma” (14/3/1988 - 14/3/2018).
Trong bài viết, thầy Trần Trung Hiếu khẳng định, sự kiện Gạc Ma (14/3/1988) sẽ được đưa vào môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới với những phương thức, mức độ, nội dung và vị trí khác nhau ở từng cấp học với thời lượng khác nhau.
Thầy Hiếu cho rằng, nhắc lại sự kiện Gạc Ma 30 năm trước không phải là việc nhằm khơi sâu mối thù hằn dân tộc và phá vỡ quan hệ láng giềng với Trung Quốc sau nhiều năm thăng trầm trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa. Nhắc lại sự kiện Gạc Ma để cả thế giới biết đầy đủ, chính xác những hành động tàn bạo của Hải quân Trung Quốc, nhắc nhở thế hệ trẻ cảnh giác trước những ngôn từ ngoại giao.
Bài học mất nước thời An Dương Vương và bài học mất đảo Gạc Ma 30 năm qua luôn tươi nguyên giá trị trong công cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, dân tộc hiện nay.
Dưới đây là toàn bộ bài viết:
Lịch sử mãi vẫn là sự thật dù đau thương
Thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An, thành viên của Hội đồng góp ý và phản biện Chương trình giáo dục phổ thông môn Lịch sử của Bộ GD&ĐT. (Ảnh: Zing)
Ngày 14/3/1988, quân đội Trung Quốc đã đánh chiếm đảo Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa) của Việt Nam. Tròn 30 năm sau (14/3/1998 - 14/3/2018), vì nhiều lý do khác nhau mà người ta đã quên dần sự thật lịch sử này. Nhưng, những người thân của các liệt sỹ Gạc Ma và cả những đồng đội còn sống sót sau sự kiện đó vẫn không thể và không bao giờ quên nỗi đau đó.
Vết thương chưa lành, nhưng chỗ cắn vẫn còn đau, bởi sự kiện Gạc Ma nhạt dần và biến mất sau khi 2 nước Việt - Trung tuyên bố bình thường hóa quan hệ (1990). 30 năm, thời gian quá dài và quá đủ để chúng ta nhìn nhận lại một sự thật hiển nhiên dù nó rất phũ phàng và đau xót. Đáng để chúng ta phải trăn trở là tại sao một sự kiện như thế nhưng không hề được nói 1 từ nào trong sách giáo khoa Lịch sử phổ thông hiện hành, dù nó được viết, bổ sung, chỉnh sửa và tái bản nhiều lần sau khi sự kiện này xảy ra?”.
Nhiều biên niên lịch sử về những sự kiện lịch sử của rất nhiều tài liệu, cuốn sách không nhắc đến sự kiện này. Nhiều bloc lịch treo tường hàng chục năm qua không hề nhắc đến các sự kiện 17/2/1979 ở biên giới phía Bắc, biên giới Tây - Nam và các sự kiện liên quan đến chủ quyền biển đảo: 19/1/1974 ở Hoàng Sa; 14/3/1988 ở Gạc Ma (quần đảo Trường Sa)...
Nhắc lại sự kiện Gạc Ma để cả thế giới biết đầy đủ, chính xác những hành động của Hải quân Trung Quốc.
Trong khi đó, về phía Trung Quốc, các cơ quan truyền thông của họ đã lý giải và biện minh cho hành động xâm chiếm và thảm sát rằng, khi tàu của họ đang bỏ neo để yểm trợ cho một nhóm nghiên cứu, thăm dò dầu mỏ ở đây thì bị Hải quân Việt Nam nổ súng tấn công. Vì thế họ phải “bắt buộc để tự vệ”, rằng chủ trương ban đầu của họ là chỉ chiếm đóng các hòn đảo bỏ hoang chứ không tranh chấp các đảo có lực lượng nước ngoài chiếm đóng từ trước”.
Thực tế lịch sử đã khẳng định, Trung Quốc đã có mưu đồ và sự tính toán kỹ càng cho mọi hành động xâm lược lãnh thổ Việt Nam. Những gì mà các cựu chiến binh kể lại cùng với đoạn băng video gần 20 phút mà Trung Quốc công bố trên internet đã nói lên tất cả bản chất, âm mưu và thủ đoạn của kẻ xâm lược và vô nhân đạo.
Với cách nhìn nhận của một giáo viên Sử, tôi thiết nghĩ trong chiến tranh thì sự hy sinh, mất mát cũng là lẽ thường tình. Lâu nay, người ta thường nhắc đến sự kiện này là “hải chiến Trường Sa”, tôi thấy như thế là chưa thỏa đáng. Sự thật những gì đã xảy ra vào sáng 14/3/1988, tôi nghĩ phải dùng động từ “xâm chiếm” và “thảm sát” thì mới phản ánh đầy đủ, chính xác những hành động tàn bạo của Hải quân Trung Quốc.
Cuộc chiến xảy ra trong điều kiện về tương quan lực lượng chênh lệch, giữa một bên là hàng ngàn quân đội Trung Quốc với nhiều tàu chiến và vũ khí hạng nặng để tấn công và thảm sát những người lính công binh làm nhiệm vụ xây dựng cụm đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao của Trung đoàn Công binh 83 (quân chủng Hải quân) và lực lượng giữ đảo Lữ đoàn 146 (Vùng 4 Hải quân). Trong bối cảnh như thế, quân đội Trung Quốc hung hãn và tham vọng như thế thì những người sẵn sàng ra đảo Gạc Ma cắm cờ Tổ quốc và xác lập chủ quyền đều xứng đáng là những người anh hùng”.
Những loạt đạn chát chúa, những lưỡi lê sắc lạnh của quân thù, những người lính vẫn ngoan cường, dũng cảm quây thành vòng tròn để bảo vệ lá cờ Tổ quốc. Thiếu úy Trần Văn Phương ngã xuống nhưng vẫn ôm chặt lá cờ loang máu. Sáu mươi tư người đã hy sinh, 9 người bị chúng bắt và đưa về Trung Quốc giam cầm, sau hơn 3 năm chúng mới trả.
Sự thật là Quần đảo Hoàng Sa đã mất 44 năm và đảo Gạc Ma đã bị chúng chiếm đóng trái phép 30 năm qua vẫn không thể tách rời với Tổ quốc. Và cứ sau mỗi cuộc chiến tranh xâm lược mà Trung Quốc đã gây ra đối với dân tộc ta, nhân dân ta đã thêm một lần mất đi nhiều xương máu, đất nước ta lại thêm một lần mất đi từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Vấn đề về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa đã được các nhà nước phong kiến Việt Nam xác lập, thực hiện quyền kiểm soát, quản lý, cai trị và khai thác hai quần đảo đó với tư cách nhà nước. Quyền làm chủ và cai trị của các chính quyền kế tiếp khác nhau ở Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa là thực sự, rõ ràng, phù hợp với pháp luật và tập quán quốc tế.
Thầy Trần Trung Hiếu tại lễ khánh thành khu tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma.
25 năm công tác, tôi đã từng được dạy qua 2 bộ chương trình và nội dung SGK. Dù có những đổi mới, bổ sung, chỉnh sửa trong những lần tái bản, nhưng chương trình và SGK hiện hành vẫn luôn né tránh nhiều sự kiện liên quan đến Trung Quốc xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam (hải chiến Hoàng Sa ngày 19/1/1974; chiến tranh biên giới Tây - Nam 1975-1978; chiến tranh biên giới phía Bắc 1979-1989; sự kiện thảm sát Gạc Ma ngày 14/3/1988...). Thậm chí viết quá sơ sài nhưng hiện nay những kiến thức như vậy đều bị “giảm tải”, thầy không phải dạy, trò không phải học, và đương nhiên những kiến thức đó cũng không nằm trong kiến thức của các đề thi quốc gia. Điều này khiến cho chính những đồng nghiệp dạy môn Sử phổ thông chúng tôi trên nhiều trường THPT, THCS, khi hỏi đến kiến thức này cũng rất mơ hồ.
Sẽ đưa kiến thức Gạc Ma vào chương trình và sách giáo khoa môn Lịch sử
Trong thời gian vừa qua, Bộ GD&ĐT đã công bố Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông môn Lịch sử với mục tiêu cơ bản là giúp học sinh hình thành và phát triển những năng lực chuyên môn lịch sử thông qua những nội dung kiến thức phổ thông nền tảng. Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến góp ý, phản biện từ các chuyên gia, các nhà giáo, các cơ quan, trường học, cơ sở giáo dục trên toàn quốc và dự kiến sẽ được Bộ GD&ĐT chính thức công bố trong thời gian sắp tới.
Với trách nhiệm của một giáo viên Sử phổ thông, là một thành viên trong Hội đồng góp ý, phản biện của Bộ GD&ĐT cho Chương trình giáo dục phổ thông môn Lịch sử, tôi xin khẳng định sự kiện Gạc Ma (14/3/1988) sẽ được đưa vào môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới với những phương thức, mức độ, nội dung và vị trí khác nhau ở từng cấp học với thời lượng khác nhau.
Ở bậc học THCS, thứ nhất, sự kiện Gạc Ma sẽ được đưa vào nội dụng lịch sử Việt Nam và Đông Nam Á từ năm 1986 đến nay và đặt trong bối cảnh lịch sử dân tộc và khu vực, lịch sử thế giới để xem xét, trình bày.
Thứ hai, ở THCS có một chủ đề tích hợp với dự kiến là đặt tên là “Biển đảo Việt Nam” bao gồm các nội dung về địa lý tự nhiên, kinh tế biển, tài nguyên biển, lịch sử chủ quyền biển đảo Việt Nam, gồm lịch sử quá trình khẳng định và thực thi chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông, trong đó có sự kiện Gạc Ma (1988).
Ở bậc THPT sẽ được trình bày theo các mạch chuyên đề và phần kiến thức về sự kiện Gạc Ma dự kiến sẽ nằm trong chuyên đề “Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và chiến tranh giải phóng dân tộc trong lịch sử Việt Nam sau năm 1975” và “Biển Đông: Lịch sử và hiện đại” ở lớp 12. Nội dung giáo dục cốt lõi của 2 chuyên đề này là: từ việc xác định tầm quan trọng của biển Đông đối với Việt Nam, từ đó nêu rõ nhận thức: Việt Nam là nhà nước đầu tiên xác lập chủ quyền và quản lý liên tục đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trong lịch sử; hiểu được quá trình Trung Quốc đánh chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa, đảo Gạc Ma; nắm được thực trạng tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Trường sa; chủ trương của Việt Nam giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế.
Trách nhiệm của giáo viên dạy Sử phổ thông
Trong phần lớn thời gian và lưu lượng kiến thức phần lịch sử dân tộc trong sách giáo khoa Lịch sử xưa và nay, nội dung các cuộc kháng chiến để giành và giữ nền độc lập dân tộc luôn chiếm thời lượng lớn. “Nguyên tắc vàng” của khoa học lịch sử là tái hiện lại quá khứ với bộ mặt vốn có của nó.
Gạc Ma là một sự kiện lịch sử đã xảy ra, dù nguyên nhân, diễn biến và kết quả của sự kiện đó như thế nào thì nó chúng ta vẫn phải tôn trọng sự thật. Nhận thức lịch sử là một quá trình và 30 năm qua - một khoảng thời gian quá đủ để chúng ta bình tĩnh nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan.
Khi trong sách giáo khoa phổ thông Lịch sử hiện hành chưa có sự kiện Gạc Ma, trách nhiệm của giáo viên Sử phải cung cấp cho học trò những kiến thức căn bản nhất trên tinh thần tôn trọng sự thật lịch sử chứ không phải đào sâu thêm hận thù của quá khứ để tái sinh hận thù cho tương lai.
Nhắc lại sự kiện Gạc Ma 30 năm trước không phải là việc nhằm khơi sâu mối thù hằn dân tộc và phá vỡ quan hệ láng giềng với Trung Quốc sau nhiều năm thăng trầm trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa. Ôn lại để cả thế giới biết đầy đủ, chính xác những hành động tàn bạo của Hải quân Trung Quốc, nhắc nhở thế hệ trẻ không nên ảo tưởng về những câu khẩu hiệu, những ngôn từ ngoại giao của các chính khách.
Bài học mất nước thời An Dương Vương và bài học mất đảo Gạc Ma 30 năm qua luôn tươi nguyên giá trị trong công cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, dân tộc hiện nay.
Nhắc lại để thế hệ trẻ cần phải biết tôn vinh, tưởng nhớ và tri ân các bậc tiền nhân đã ngã xuống vì Tổ quốc, để sống có trách nhiệm hơn và yêu Tổ quốc hơn. Nhắc nhở không để kích động hận thù mang tính cực đoan với nước láng giềng mà từ sự thật lịch sử đó để chúng ta có thể rút ra những bài học lịch sử quý giá trong cuộc đấu tranh giữ vững chủ quyền biển đảo cả trong hiện tại và tương lai. Ghi nhớ nỗi đau để chúng ta trân trọng hòa bình, để ký ức về Gạc Ma không bao giờ bị xóa nhòa trong lòng mỗi người con đất Việt.
Trần Trung Hiếu (Giáo viên Sử Trường THPT chuyên Phan Bội Châu - Nghệ An)
Gạc Ma 1988: Trung Quốc 10 năm nuôi dã tâm chiếm đảo
Ngay sau cuộc chiến tranh xâm lược trên bộ năm 1979, Trung Quốc đã tiếp tục âm mưu xâm lược trên biển đối với Việt ... |
Những lần vượt ngục bất thành của người lính Gạc Ma khỏi nhà tù Trung Quốc xâm lược
Trong hơn 3 năm bị giam cầm tại Trung Quốc, những người lính Gạc Ma không sợ hãi trước những chiêu trò và đòn roi ... |
Ngày đăng: 12:49 | 14/03/2018
/ Theo VTC News