Việc đầu tiên mỗi sáng của tôi là truy cập 10 tạp chí y tế hàng đầu để xem khoa học đã đạt được tiến bộ gì trong phòng chống dịch.

Sau 10 ngày Tổ chức Y tế Thế giới công bố đại dịch, bộ gene của nCoV đã được khám phá, điều tôi chưa từng thấy trước đây. Trong tháng một năm nay, cả thế giới có 54 công trình nghiên cứu quan trọng và có thêm 30 công trình sang tuần đầu tiên của tháng 2/2020. Đến hôm nay, Dimensions lưu trữ 117.500 ấn phẩm, trong đó có khoảng 70% là bài báo khoa học đã được bình duyệt, còn lại là các bàn luận, bản tin, thư tín, ý kiến, quan điểm.

Trung bình mỗi ngày, thế giới có 490 ấn phẩm được xuất bản. Tốc độ tăng trưởng theo hàm số mũ. Với khoa học về sức khỏe, một ấn phẩm trong hoàn cảnh bình thường để được xuất bản phải mày mò nghiên cứu trong một năm, xử lý số liệu và viết trong một năm nữa, chưa kể thời gian chờ đợi. Nói chung là rất dài. Vậy mà chỉ một tháng đầu tiên của "thời đại dịch", nhân loại đã có 54 nghiên cứu. Điều này qúa sức tưởng tượng của tôi, nhưng nó vẫn chưa dừng lại khi tám tháng sau, loài người có 117.500 nghiên cứu.

Để thoát khỏi cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu này, loài người chỉ có cách hợp sức với nhau chống dịch bằng trí tuệ. Nghiên cứu khoa học chính là vũ khí hữu dụng nhất để tiêu diệt SAR-CoV-2. Đó là lý do chính để thế giới đua nhau nghiên cứu khoa học, dẫn đầu là Mỹ, chiếm 20% số ấn phẩm; nhóm thứ hai gồm Trung Quốc, Anh và Italy, chiếm 10% mỗi quốc gia. Riêng Ấn Độ cũng đã chiếm tới 5% các công trình nghiên cứu.

Vẫn còn quá sớm để nói ai sẽ thành công. Nhìn vào đường cong dịch bệnh của các nước đầu tư nghiên cứu khoa học, đến thời điểm hiện tại, đường cong đã tiệm cận với ngưỡng an toàn. Năng lực của hệ thống y tế đã không còn bị áp đảo, số ca nhiễm mới đang xuống dốc và bệnh nhân tử vong đang dần trở về con số kỳ vọng.

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các quốc gia đã đặt nền khoa học của họ dưới kính hiển vi. Những nghiên cứu khoa học đã trở thành điểm tựa để các nguyên thủ và lãnh đạo đưa ra quyết sách phòng chống dịch bệnh phù hợp nhất. Việt Nam dường như không làm vậy. Đến nay, ta vẫn chưa có bài báo khoa học nào mà chỉ có vỏn vẹn hai bài viết dưới dạng thư tín, một bài dưới dưới dạng mô tả ca lâm sàng đăng trên tạp chí uy tín hàng đầu "The Lancet".

Tháng trước, tôi tò mò đến nghe buổi báo cáo đề cương nghiên cứu khoa học cấp cơ sở của một nhóm có người đứng đầu là tiến sĩ y khoa tại một đại học thực hiện. Trong nhận thức của tôi, phương pháp nghiên cứu khoa học của đề cương ấy bị sai. Bản chất là nghiên cứu mô tả cắt ngang thì lại nhầm sang nghiên cứu can thiệp và nghiên cứu phân tích theo chiều dọc. Góp ý của tôi sau đó bị hiểu nhầm. Một người đại diện đã phản ứng dữ dội, viện ra rằng nhóm của các anh là "tiến sĩ, giảng viên đại học, nghiên cứu khoa học lần nào cũng giành các giải thưởng danh giá của thành phố, kể cả giải nhất", trong khi anh thấy tôi chẳng có bằng cấp, học vị hay công trình nghiên cứu khoa học nào.

Tôi cho rằng một số giáo sư, phó giáo sư và tiến sĩ y khoa mà tôi biết hôm nay chưa hiểu hết về nghiên cứu khoa học. Điều này có thể kiểm chứng bất kỳ giáo sư, tiến sĩ nào, thông qua con số định lượng là chỉ số H-index. Thường lệ, giáo sư, tiến sĩ giỏi của thế giới có chỉ số H không thể dưới 30. Ở Thụy Điển, một giáo sư tiến sĩ có thời gian nghiên cứu khoa học từ 12 đến 15 năm. Để được coi là giáo sư có đóng góp thực sự, họ phải có khoảng 30 công trình nghiên cứu được công bố trên các tạp chí uy tín quốc tế. H-index của họ phải dao động từ 12 đến 15.

Tôi tra chỉ số H-index của một số người trong nước, có một phó giáo sư, tiến sĩ với gần trăm công trình khoa học đăng báo quốc tế, nhưng kết quả H-index chỉ là 0,5 và các bài báo đều đăng trên các tạp chí săn mồi.

Gần 30 năm về trước, tôi may mắn được học những người thầy có hiểu biết sâu rộng mà tôi rất ngưỡng mộ. Đa số các thầy thời đó không có bằng tiến sĩ, nhưng sinh viên y khoa thế hệ chúng tôi luôn kính trọng về kiến thức, sự độc đáo, óc phê phán, khả năng tư duy và nghiên cứu khoa học. Sự khác biệt giữa các tiến sĩ của 30 năm về trước so với một bộ phận giáo sư tiến sĩ hôm nay, theo tôi, bắt nguồn từ phong trào "phổ cập" giáo sư, phó giáo sư và tiến sĩ để nắm giữ các chức vụ lãnh đạo, trở thành quan chức, công chức trong các trường đào tạo và học viện, thậm chí là công chức ở những bệnh viện. Hiện, người có bằng tiến sĩ bất kể trình độ thế nào, sẽ được ưu tiên tuyển dụng vào các bệnh viện lớn, được giữ chức vụ lãnh đạo và thăng tiến nghề nghiệp, được tăng lương và nhận thêm nhiều quyền lợi.

Có một hiện tượng tôi bắt đầu thấy rải rác ở vài cơ sở y tế, một số giáo sư tiến sĩ nếu không giữ chức vụ lãnh đạo thì công việc chính của họ là ngồi sau tấm biển có dòng chữ "khám chữa bệnh chọn giáo sư, tiến sĩ". Rất nhiều "giáo sư, tiến sĩ" không đi giảng dạy hay nghiên cứu, cũng không "ngồi hội đồng", mà được ghi danh thành dòng chữ kèm theo số tiền ngay trước mặt bệnh nhân.

Trong một hệ thống y tế chỉ chú trọng đến "hiệu quả", chữ giáo sư, tiến sĩ cũng được định lượng ra tiền, thời gian để người thầy thuốc nhìn thấy bệnh nhân cũng được quy ra từng phút. Người bệnh chưa kịp nói xong, đơn thuốc đã được y tá in ra. Người bệnh cầm một cái đơn "siêu tốc" sẽ không dám uống thuốc ngay khi trở về nhà mà thường đi khám ở bệnh viện khác, với "giáo sư, tiến sĩ" khác. Điều này không chỉ kích thích làm tăng nhu cầu khám chữa bệnh mà còn gây ra tình trạng khan hiếm chất lượng y tế, gây lãng phí nguồn lực y tế bởi sự thiếu tin tưởng của người bệnh vào đội ngũ thầy thuốc.

Từ hiện tượng được ví như "tham nhũng bằng cấp" mà tôi quan sát thấy, cho dù đó mới chỉ là hiện tượng chứ chưa thành phổ quát, nhưng đáng để chúng ta phải quan tâm, rằng đã đến lúc ngành Y tế cũng như tất cả các ngành khác cần xem xét lại việc cấp bằng tiến sĩ và phong học hàm giáo sư.

Tôi cho rằng, con đường học hàm học vị được lát bởi những danh xưng "giáo sư, tiến sĩ", nếu đó là những cá nhân có năng lực và phẩm chất thực sự thì đường trở thành xa lộ, mang đến những thành tựu khoa học tuyệt vời. Ngược lại, chỉ toàn những tấm biển "khám chữa bệnh chọn giáo sư, tiến sĩ" thì đó là con đường mòn với những bước di chuyển run rẩy của một nền khoa học.

Và trên con đường học hàm học vị đó, mỗi người mang danh xưng "giáo sư, tiến sĩ" phải tự biết chạy theo kiến thức, bởi không bao giờ kiến thức chạy theo họ. Nếu còn những người không có kiến thức tương xứng học hàm, học vị, chúng ta còn lý do để loại bỏ "tham nhũng bằng cấp".

Trần Văn Phúc

Học đại học làm gì? Học đại học làm gì?

“Anh không tua bằng máy quay. Chúng ta dừng xe, em đón xe ôm về cơ quan tua băng rồi quay lại, bọn anh đợi”.

Hé lộ nguyên nhân Hé lộ nguyên nhân "sếp" y tế được bổ nhiệm khi chỉ có giấy phép lái xe B2

Người đứng đầu trung tâm y tế tuyến huyện ở Đắk Nông vừa lên tiếng về trường hợp khi nhận vào làm việc chưa có ...

Ngày đăng: 15:33 | 13/09/2020

/ vnexpress.net