Tháng 7/1518 tại Strasbourg (Pháp), hàng trăm người đột nhiên cùng nhau nhảy múa cho tới khi kiệt sức và chết.
Mùa hè tháng 7/1518, người phụ nữ tên Frau Troffea bước vào một con hẻm nhỏ ở Strasbourg. Trước sự chứng kiến của đám đông, cô bắt đầu nhảy múa điên cuồng. Không có tiếng nhạc, cũng không một cảm xúc trên khuôn mặt nhưng cô cứ vô tư nhảy. Troffea nhảy liên tục cả ngày lẫn đêm mà không hề tỏ ra mệt mỏi. Cho tới ngày thứ sáu, cô gái kiệt sức mà chết.
Theo Digitaljournal, ban đầu, mọi người nghĩ rằng Troffea có vấn đề về thần kinh hay bị quỷ ám nên mới có những hành động bất thường như vậy. Nhưng kỳ lạ sau đó, một người khác bắt đầu nhảy theo, rồi thêm một người nữa. Một tuần sau, người ta đếm được 34 người đã bắt chước hành động giống hệt như Troffea tại khắp các con đường của thành phố.
Sự việc càng ngày càng trở nên kỳ lạ khi chỉ sau một thời gian ngắn, khoảng 400 người dân ở Strasbourg tham gia vào điệu nhảy. Giống như những trường hợp trước, họ nhảy múa điên cuồng cho tới chết. Theo các ghi chép của cơ quan y tế thời đó, các nạn nhân tử vong do đau tim và kiệt sức.
Điều này nghe như câu chuyện cổ dân gian, nhưng thực tế "dịch bệnh nhảy múa cuồng loạn" năm 1518 được ghi chép rõ ràng trong các văn bản y học, dân sự và cả tôn giáo. Không chỉ thế, bệnh còn xuất hiện ở Thụy Sĩ, Đức, Hà Lan.
Tất cả những người dân tại Strasbourg cùng nhau nhảy múa cho đến khi kiệt sức. |
Người dân thời đó cho rằng có thể chữa được dịch bệnh nhảy múa này bằng cách "lấy độc trị độc". Vì vậy, họ dựng các sân khấu bằng gỗ và mời nhạc công đến để giúp các nạn nhân nhảy múa. Thế nhưng kết quả không những không dập tắt được, mà ngược lại còn khiến thêm hàng chục người khác tham gia nhảy múa không ngừng rồi chết vì nhồi máu cơ tim.
Hàng trăm năm qua các nhà khoa học đi tìm lời giải cho câu hỏi "tại sao đám đông nhảy múa đến chết?", tuy nhiên đây vẫn còn là điều bí ẩn.
Các nhà nghiên cứu đã đặt ra rất nhiều giả thuyết. Phần đông mọi người đều cho rằng rất có thể Troffea và các nạn nhân đều đã mắc một chứng bệnh thần kinh vì stress nặng. Thời kỳ đó, nạn đói và suy dinh dưỡng đang hoành hành ở Strasbourg. Trong bối cảnh căng thẳng dưới tác động của cộng đồng, nhiều người dân là nạn nhân của chứng rối loạn phân ly tập thể.
Một vài nhà nghiên cứu khác thiên về giả thuyết dịch bệnh này đến từ nông nghiệp. Dân làng đã ăn phải hạt lúa mạch bị nấm hay còn gọi là cựa lúa mạch, gây nên tình trạng động kinh.
Giả thuyết cuối cùng do giáo sư John Waller Đại học bang Michigan đưa ra. Ông cho rằng căn bệnh rối loạn tâm lý quần chúng này bắt nguồn tự sự mê tín dị đoan. Nạn nhân phần lớn đều là những người đang chết đói, họ chẳng còn gì, không biết nương tựa vào đâu ngoài tín ngưỡng, sự sợ hãi tràn ngập trong tâm trí. Vì vậy, có thể họ đã nhảy múa với mong muốn được Đấng Tối cao giúp đỡ cho tới khi qua đời.
Đến nay, vẫn chưa có lời giải đáp chính xác hoàn toàn cho dịch bệnh nhảy múa này. Trở lại với năm 1518, thấy những sân khấu gỗ không đem lại hiệu quả, nhà cầm quyền đã ra lệnh cấm nhiều tệ nạn bao gồm cờ bạc, mại dâm như một cách sám hối. Những người nhảy múa được đưa đến ngôi đền trên núi Vosges để cầu nguyện. Ở đó, họ đi xung quanh ban thờ, chân mang giày đỏ. Vài tuần sau, dịch bệnh suy giảm. Hầu hết bệnh nhân, theo như ghi chép, đã lấy lại kiểm soát cơ thể và trở về trạng thái bình thường.
Thúy Quỳnh
Xuất hiện giả thiết chấn động về thảm kịch MH370
Một nhà điều tra độc lập người Ireland tin rằng chiếc máy bay của Malaysia Airlines đã vô tình bị bắn hạ trên không phận ... |
Nhà tiên tri Nostradamus đã đoán trước thảm kịch MH370?
Nhà tiên tri người Pháp Michel Nostradamus đã dự báo về sự biến mất của MH370 từ năm 1556, theo một tuyên bố kỳ lạ ... |
Ngày đăng: 20:00 | 06/03/2019
/ VnExpress