Hôm 6/2, Thổ Nhĩ Kỳ phải hứng chịu liên tiếp hai trận động đất có độ lớn lần lượt 7,8 và 7,6 độ richter, cướp đi sinh mạng của ít nhất 3.200 người và khiến hàng ngàn người khác bị thương. Trước đó, một chuyên gia người Hà Lan đã đưa ra dự báo "gần như chính xác 100%" về sự việc này.
Hôm 3/2, Frank Hoogerbeets - nhà nghiên cứu người Hà Lan về các hoạt động địa chất thuộc Cơ quan Khảo sát Địa chất Hệ Mặt trời (SSGEOS) đã đưa ra dự đoán trên Twitter như sau: "Sớm hay muộn sẽ xảy ra một trận động đất mạnh 7,5 độ richter ở khu vực xung quanh phía Trung Nam Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan, Syria và Lebanon".
Và thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ phải hứng chịu liên tiếp hai trận động đất có độ lớn lần lượt 7,8 và 7,6 độ richter ở khu vực phía Nam trong vòng chưa đầy 12 giờ, khiến ít nhất 3.200 người thiệt mạng tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Động đất còn được cảm nhận từ Ai Cập, Hy Lạp và Lebanon.
Hiện tại, dòng tweet của chuyên gia này đã được lan truyền nhanh chóng, thu hút hơn 40 triệu lượt theo dõi. Vô số tài khoản để lại bình luận rằng dự báo của ông Hoogerbeets chính xác về khu vực và gần như chính xác về cường độ.
"Như tôi đã dự đoán, sớm hay muộn thì điều này cũng xảy ra ở chính khu vực Nam Thổ Nhĩ Kỳ, tương tự như năm 115 và 526. Việc này dựa vào phân tích và nghiên cứu mô hình học mặt trăng và hành tinh", chuyên gia Hoogerbeets chia sẻ. Trước đó, SSGEOS hôm 2/2 ra thông báo nêu rõ, hoạt động địa chất lớn có thể xảy ra từ ngày 4-6/2 với độ mạnh trung bình khoảng 6 độ richter.
Ở thời điểm đưa ra dự báo, nhiều nhà địa chấn học khác coi công trình của ông Hoogerbeets là sai lệch và phản khoa học, bởi họ cho rằng không có phương pháp dự báo động đất chính xác nào. Tuy nhiên, nhà địa chất học nổi tiếng Serkan Içelli đã bày tỏ sự đồng tình.
Hồi cuối năm 2022, ông Serkan Içelli từng trả lời phỏng vấn tờ Daily Sabah, nêu rõ rằng có thể xảy ra một trận động đất lớn ở ở vùng Marmara, cách Gaziantep 1.248 km, gần tâm chấn của trận động đất hôm 6/2. Theo chuyên gia này, để đưa ra một dự đoán động đất có xác suất chính xác cao, điều quan trọng là cần nghiên cứu tốc độ trượt hàng năm của các vết nứt, mảng kiến tạo, chu kỳ lặp lại của các trận động đất và phân tích bằng nhiều công thức.
News 18 dẫn một báo cáo của SSGEOs cho rằng, việc nghiên cứu về mô hình học mặt trăng và hành tinh có thể giúp ích và đã được chứng minh vào ngày 23/6/2014.
Cơ quan này đã sử dụng phần mềm mô phỏng hệ mặt trời để nghiên cứu sự liên hệ giữa các thiên thể và hoạt động địa chất. Theo đó, họ đã tìm ra rằng ngày 23/6/2014, sáu thiên thể ngoài vũ trụ sẽ cùng tham gia vào các liên kết hành tinh, hội tụ thành một hình giống với hình tam giác và tạo ra điện tích lớn. Việc này cùng với thực tế là các mảng kiến tạo ở bề mặt trái đất xê dịch, gây ra áp lực, sẽ tạo ra các hoạt động địa chất mạnh.
Và đúng như vậy, ngày 23/6/2014, chỉ trong vòng vài giờ đã xảy ra ba trận động đất mạnh trung bình 6 độ richter ở Nam Thái Bình Dương và tiếp theo đó là ba trận động đất 7,9 độ richter ở Bắc Thái Bình Dương. Đó là một sự gia tăng địa chấn đột ngột trong một tháng tương đối yên tĩnh.
Ngày đăng: 12:15 | 07/02/2023
Kim Ngọc / CAND