Hôm 13/12, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cam kết ủng hộ mạnh mẽ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ khi ông có chuyến thăm Indonesia.
Trong chuyến công du đầu tiên tới khu vực ASEAN kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức vào tháng 1, Ngoại trưởng Antony Blinken đã gặp Tổng thống Indonesia Joko Widodo. Ông Antony Blinken có chuyến công du kéo dài 4 ngày đến Indonesia, Malaysia và Thái Lan.
Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi cho biết, ông Blinken thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến việc hợp tác với Indonesia, đặc biệt là trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng. "Cam kết của Mỹ rất đáng chú ý", bà Retno nói.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken diện kiến Tổng thống Indonesia Joko Widodo. (Ảnh: Reuters) |
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ned Price Mỹ cho hay, tại cuộc gặp Tổng thống Joko Widodo, Ngoại trưởng Blinken chúc mừng Indonesia đảm nhiệm vị trí Chủ tịch G20, bày tỏ sự ủng hộ đối với vai trò dẫn dắt cua khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, ủng hộ mạnh mẽ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
Trong chuyến thăm Indonesia, Ngoại trưởng Blinken cũng thảo luận với đối tác về vấn đề dịch COVID-19, nhân quyền và biến đổi khí hậu. Theo kế hoạch, ông Blinken sẽ có bài phát biểu về chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ hôm 14/12 tại thủ đô Jakarta, trước khi đến Malaysia và Thái Lan.
Trong chuyến công du đến Đông Nam Á, giới phân tích cho hay, Ngoại trưởng Blinken sẽ theo đuổi mục tiêu của chính quyền Tông thống Joe Biden là nâng cao sự gắn bó với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), thảo luận về tầm nhìn của Mỹ về một khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Đông Nam Á được xem là khu vực có ý nghĩa then chốt cho sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, với cuộc tranh giành ảnh hưởng gay gắt khi chính quyền ông Biden tìm cách kết nối lại với các đồng minh, đối tác trong khu vực.
Mỹ cũng đang đẩy lùi sự quyết đoán của Bắc Kinh ở Biển Đông và cáo buộc hạm đội tuần duyên Trung Quốc bắt nạt các quốc gia trong khu vực bằng cách làm gián đoạn hoạt động khai thác năng lượng và đánh bắt cá.
Chính quyền Biden cho rằng sự tham gia chặt chẽ hơn của Mỹ ở Đông Nam Á là điều cần thiết trong nỗ lực đẩy lùi sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc. Việc chính quyền Donald Trump rút khỏi thỏa thuận thương mại khu vực vào năm 2017 đã hạn chế khả năng gây ảnh hưởng kinh tế của Washington, trong khi Bắc Kinh tìm cách củng cố quan hệ thương mại với khu vực này..
Ngày đăng: 08:38 | 14/12/2021
/ vtc.vn