MC Quyền Linh nói rằng dẫn chương trình là nghề vất vả, những ai theo đuổi phải lao động nghiêm túc mới thành công
Do không có trường lớp đào tạo bài bản nên Việt Nam thiếu hụt đội ngũ người dẫn chương trình (MC) chuyên nghiệp. Tuy nhiên, nhờ nỗ lực học hỏi, trau dồi nghề nghiệp, nhiều MC "tay ngang" đã tìm được chỗ đứng, được công chúng mến mộ.
Phải lao động nghiêm túc
MC Mỹ Vân, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), là một trong số đó. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội (Khoa Thanh nhạc) và Trường ĐH Thương mại Hà Nội, Mỹ Vân về Đoàn Ca múa Thăng Long. Trong một lần tình cờ đến xem đoàn biểu diễn, một số thành viên trong Ban Âm nhạc của VTV phát hiện Mỹ Vân có năng khiếu dẫn chương trình nên gợi ý làm cộng tác cho đài. Từ đó đến nay gần 20 năm, Mỹ Vân trở thành MC nổi tiếng của VTV cũng như làng giải trí.
"Khi bạn đứng trên sân khấu, bạn phải gây được sự chú ý từ sự duyên dáng, hài hòa trong khuôn hình cho đến cách diễn và quan trọng nhất là phải biết truyền cảm hứng, tình cảm cho cả triệu khán giả đang theo dõi mình. Để làm được việc đó, đòi hỏi người dẫn chương trình phải chuẩn bị kiến thức thật tốt, khả năng ứng biến và bản lĩnh… Đó chính là chìa khóa của thành công trong nghề MC" - MC Mỹ Vân chia sẻ.
Trong giới ca sĩ lấn sân làm MC, một trong những người khẳng định được mình phải kể đến Ngô Kiến Huy. Dù không phải là một MC xuất sắc nhất trong các sự kiện âm nhạc, Ngô Kiến Huy luôn làm tròn vai nhờ sự kết hợp giữa hiểu biết với hoạt ngôn duyên dáng và khả năng tiết chế xúc cảm cá nhân. Ngô Kiến Huy cho rằng MC là một nghề mạo hiểm, vinh quang và vực thẳm có thể đến trong tích tắc. Nếu cứ cho mình là người nổi tiếng, muốn nói gì thì nói thì có lúc cũng sẽ "sập hầm". "Cách tốt nhất là cứ bước lên phía trước, cố gắng học hỏi, "nâng cấp" bản thân" - Ngô Kiến Huy bày tỏ.
Lúc mới chân ước chân ráo vào nghề MC, Jennifer Phạm cũng từng gây ra "thảm họa" với nhiều câu nói kém duyên trong sự kiện đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam vào tháng 8-2012. Nhờ biết lắng nghe, khắc phục nhược điểm, Jennifer Phạm dần lấy lại hình ảnh thân thiện trong mắt công chúng, trở thành một trong những MC đắt sô nhất hiện nay.
MC Quyền Linh trong hình ảnh thân thuộc với bà con nông dân qua chương trình “Vượt lên chính mình”. (Ảnh do chương trình cung cấp)
Từ "chân đất" thành MC hàng đầu
Khá nhiều người là "dân tay ngang" làm MC thành công như Đại Nghĩa, Xuân Bắc, Cù Trọng Xoay, Quyền Linh... Trong đó, người xây dựng hình ảnh tốt, được đông đảo công chúng yêu mến là Quyền Linh. Xuất phát điểm là diễn viên điện ảnh, Quyền Linh nổi tiếng hơn từ khi làm MC cho chuỗi chương trình "Vượt lên chính mình" với hình ảnh quần xắn tới gối, khăn rằn vắt vai, đi chân trần, một tay cầm micrô, một tay cầm đồng hồ bấm giờ, hò hét khan cổ quanh phim trường toàn bà con lao động nghèo.
Quyền Linh cho biết ban đầu anh tham gia chương trình "Vượt lên chính mình" chỉ để kiếm thêm thu nhập. Nhưng quá trình làm chương trình có tính nhân văn cao này, thấu hiểu nỗi khổ của người nghèo nên anh dành hết tâm huyết cho công việc, lặn lội về vùng sâu, vùng xa để đến với bà con. Cứ thế, những hoàn cảnh, những mảnh đời bất hạnh cứ níu chân anh ngày này qua tháng nọ, mùa này đến năm kia. Rồi sau khi rời chương trình "Vượt lên chính mình", anh lao vào những chương trình khổ cực không kém, như "Tiếp sức hồi sinh", "Áo trắng đến trường", "Cùng xây tương lai", "Nhịp cầu ước mơ", "Mong đợi một ngày vui"... "Đó là những hành trình đến những nơi heo hút, vùng sâu, vùng xa, cũng tiếp tục đầu phơi nắng giữa trưa, nuốt thuốc nhức đầu, mặt thì lúc nào cũng đen như nhọ nồi, đến nỗi mấy anh em quay phim hay kêu chết tên tôi là Linh "đít nồi" - MC Quyền Linh nhớ lại.
Quyền Linh cho rằng những trải nghiệm cuộc sống là thứ vô giá mà anh có được khi tham gia các chương trình nhân đạo. Chia sẻ về nghề, nam MC nhiều năm dẫn chương trình Mai Vàng của Báo Người Lao Động và luôn "cháy" hết mình mỗi khi đứng trên sân khấu giao lưu với công nhân, nói rằng MC là một công việc vất vả, phải lao động nghiêm túc, biết "vượt lên chính mình" để hoàn thiện.
Ngoài các chương trình từ thiện, Quyền Linh cũng đặt dấu ấn ở hàng loạt chương trình giải trí như "Vietnam’s Got Talent", "Siêu thị may mắn", "Tam sao thất bản", "Vua bếp", "Chuyện không của riêng ai"… Nghề dạy nghề cộng với vốn sống và hiểu biết sâu rộng đã giúp Quyền Linh từ một MC "chân đất" trở thành MC "quốc dân", như giới trong nghề thường gọi.
Đừng quên vai trò kết nối khán giả MC Quỳnh Hương, người đặt dấu ấn đậm nét qua chương trình "Thay lời muốn nói" của HTV, chia sẻ: "Nghề MC rất cần đến cái duyên sẵn có nhưng để đạt thành công thì phải không ngừng nỗ lực, biết lắng nghe, khắc phục nhược điểm để hoàn thiện bản thân". Nữ MC gạo cội này cũng dành không ít lời ca ngợi nhiều bạn trẻ có sự nỗ lực không ngừng để có thể trở thành một MC giỏi, như trường hợp nghệ sĩ Trấn Thành. Còn theo MC Trấn Thành, công việc nào cũng cần đam mê, nhất là làm MC truyền hình. "Sự đam mê khiến chúng ta thích thú với công việc chứ không phải làm việc một cách miễn cưỡng, như vậy thì hiệu quả sẽ tốt hơn" - Trấn Thành chia sẻ. Nghệ sĩ Thanh Bạch nói rằng MC là nghề "làm dâu trăm họ" nên người đeo đuổi nó phải lao tâm khổ tứ đầu tư cho nghề nghiệp, trau dồi kỹ năng. Theo Thanh Bạch, MC là hình ảnh của cả một chương trình, là người truyền tải ý tưởng của cả ê-kíp thực hiện chương trình đến với khán giả và là người kết nối khán giả với chương trình. Nếu không làm đúng vai trò này xem như chương trình thất bại, bất luận người dẫn chương trình có đẹp cỡ nào, nổi tiếng đến đâu. |
MC Lại Văn Sâm nói 1 câu khiến NSND Hồng Vân bẽ bàng, giận dỗi
Sau câu nói của MC kỳ cựu, bà xã tài tử Lê Tuấn Anh giận dỗi trên truyền hình. |
Lối mặc nóng bỏng khác một trời vực khi lên sóng kín đáo của 6 MC VTV
MC Thanh Huyền, Đỗ Mỹ Linh, Vân Hugo, Thanh Tú, Diễm Trang... mặc gợi cảm ngoài đời thực, khác xa lúc ăn mặc kín đáo ... |
Ngày đăng: 10:35 | 10/01/2019
/ https://nld.com.vn