Cuộc sống của những đôi vợ chồng già vốn đã khó khăn nay lại gánh thêm món nợ lớn khi con cái “sập bẫy” vượt biên trước lời mời gọi “việc nhẹ lương cao”.
Đứng trước lời dụ dỗ ngon ngọt rằng sang Campuchia làm ăn với nguồn thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng, nhiều thanh niên đồng bào thiểu số ở Tây Nguyên khăn gói vượt biên mà chẳng chút mảy may nghi ngờ. Đến khi “vỡ mộng” làm giàu, tỉnh ngộ cũng là lúc họ đặt lên đôi vai đấng sinh thành món nợ chẳng khác nào “từ trên trời rơi xuống”.
Món nợ từ giấc mơ “vượt biên đổi đời”
Gần nửa tháng nay, ông Ksor Thol (56 tuổi) cùng vợ là bà Puih Phyăn (54 tuổi, làng Kloong, xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) ăn không ngon, ngủ không yên vì khoản nợ sau chuyến vượt biên của hai người con trai Puih Thái (28 tuổi) và Puih Đại (24 tuổi).
Gia đình của ông Thol thuộc diện khó khăn khi cả 3 thế hệ đang phải sống chung trong một căn nhà gỗ dột lỗ chỗ, xiêu vẹo. Quanh năm suốt tháng, hai đứa con trai của ông “đầu tắt mặt tối” làm lụng mà cơm vẫn không đủ ăn, áo không đủ mặc. Trong khi đó, con trai thứ Puih Đại mới lập gia đình được 2 năm và vợ anh đang mang thai đứa con 5 tháng.
Nhiều thanh niên đồng bào thiểu số ở Tây Nguyên sập bẫy "việc nhẹ, lương cao".
Ngồi bên hiên nhà nhìn xa xăm, ông Thol bần thần nhớ lại khoảng thời gian tháng 6, hai người con của ông lần lượt xách balo rời nhà mà đi. Ông chỉ nghe con nói là vào TP.HCM để làm việc với mức lương cao, thông qua lời giới thiệu của một thanh niên tên Quyết.
“Puih Đại quyết tâm đi vì muốn kiếm kế sinh nhai để đỡ đần cha mẹ, có tiền trang trải cho vợ sinh nở. Nào ngờ, mọi thứ không như mình tưởng”, ông Thol ngậm ngùi.
Sau Đại, tới lượt người anh Puih Thái cũng “dứt áo ra đi” theo một số thanh niên trong làng, mang trong mình khát vọng đổi đời và sẽ gửi thật nhiều tiền về phụ giúp cha mẹ.
“Chỉ ít ngày sau, chúng nó thay nhau gọi điện thoại về cầu cứu. Bằng mọi cách phải vay mượn chừng 200 triệu đồng gửi sang Campuchia để đóng cho người ta thì mới có cơ hội quay về đoàn tụ với người thân. Nghe xong, hai vợ chồng tôi như chết lặng”, giọng nhỏ lại – ông Thol nói và cho biết sau khi hay tin, vợ ông luôn trong trạng thái thất thần, chẳng thiết tha ăn uống, chỉ ngồi khóc.
Hàng trăm triệu đồng là số tiền nằm ngoài sức tưởng tượng và khả năng của đôi vợ chồng già.
Theo ông Thol, số tiền mà công ty bắt người nhà phải gửi sang để chuộc 2 đứa con bao gồm cả tiền đền bù hợp đồng và chi phí đi đường. Nếu gia đình không chuyển đủ tiền thì các con của ông sẽ bị đưa đi nơi khác và không còn cơ hội gặp lại cha mẹ già, vợ trẻ, con thơ. “Nghe các con khẩn thiết nói “cha mẹ cố gắng vay mượn tiền gửi sang chuộc con về chứ bên này con khổ lắm, bị bỏ đói, đánh đập” mà ruột gan tôi thắt lại”, ông Thol khóc nghẹn.
Nhà nghèo, đến cái ăn còn phải chạy cơm từng bữa, gia đình ông không biết đào đâu ra tiền để chuộc hai con trai về. 200 triệu đồng là số tiền nằm ngoài sức tưởng tượng và khả năng của vợ chồng ông Thol. Thế nhưng khi nghĩ tới sự sống của các con đang bị đe dọa từng giây từng phút, hai vợ chồng già đành nuốt nước mắt, chạy vạy vay mượn họ hàng, chòm xóm không sót một ai thì mới tích cóp đủ từng đồng từng hào đưa các con hồi hương.
“Tất cả của cải trong nhà lũ lượt đội nón ra đi, vậy mà nợ nần vẫn còn chồng chất. Giờ cả gia đình phải cố gắng làm lụng, ai mướn gì thì làm đó với hy vọng trả nợ được chừng nào hay chừng đó”, ông Thol rầu rĩ.
Vui mừng vì các con trở về song giờ đây gia đình lại phải gánh thêm món nợ lớn.
Cùng chung cảnh ngộ với gia đình ông Thol, từ ngày con trai Ksor Gum (23 tuổi, làng Kloong) bình an trở về sau những trận đòn roi “chết dở sống dở”, vợ chồng ông Rơ Lan Lươk (63 tuổi) và bà Ksor Sam (62 tuổi) vẫn chưa thôi lo sợ. Hễ nhắc tới khoảnh khắc con trai trở về nhà bằng xe của quân đội là hai hàng nước mắt lại chảy dài trên đôi gò má sạm đen của bà Sam. “Lúc này, gia đình chẳng thể nào vui sướng hơn. Nó đã trở về thật rồi, tôi sẽ không để nó đi đâu nữa, sẽ bảo ban con làm ăn lương thiện ở ngay trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình” – bà Sam nghẹn ngào.
Để có tiền đóng đủ cho công ty nước ngoài và chuộc con về, gia đình bà Sam phải chạy đôn chạy đáo vay mượn khắp nơi, kể cả người thân lẫn hàng xóm.
Nếu cuộc sống của đôi vợ chồng già từ trước đến nay hiếm khi được ăn ngon mặc đẹp thì nay lại phải gánh thêm món nợ chẳng khác nào “từ trên trời rơi xuống”.
Hồi chuông cảnh tỉnh
Trở về địa phương sau chuỗi ngày tha hương đầy nước mắt, Ksor Gum vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại những màn tra tấn đòn roi.
Ở nơi xứ người, Ksor Gum cùng nhiều thanh niên khác bị đánh đập, chích điện đến ngất xỉu hay bị bỏ đói triền miên vì không hoàn thành chỉ tiêu công việc được giao. Không chỉ bị đánh thừa sống thiếu chết, Ksor Gum còn bị bọn chúng dọa ném ra biển nếu gia đình không gửi tiền sang chuộc về. Ban đầu chúng đòi tận 150 triệu đồng, sau đó thì giảm xuống 65 triệu đồng.
Hiện Ksor Gum đang đi bốc vác mì thuê để tích cóp tiền trả nợ. “Được về nhà em vui lắm. Em cảm ơn Bộ đội Biên phòng và các lực lượng chức năng. Em sẽ cố gắng làm việc cật lực để kiếm tiền trả nợ. Cha mẹ đã khổ vì em quá nhiều rồi”, Ksor Gum tâm sự.
"Những trận đòn roi đã khiến em tỉnh mộng. Từ nay em sẽ cố gắng làm việc cật lực để kiếm tiền trả nợ. Cha mẹ đã khổ vì em quá nhiều rồi." - Ksor Gum (23 tuổi, làng Kloong)
Theo thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai, đến thời điểm hiện tại, tổng cộng 9 nạn nhân trên địa bàn tỉnh bị lừa sang làm việc ở Campuchia đã hồi hương an toàn. Để có thể trở về quê hương, số thanh niên này phải nhờ tới người nhà gửi tiền chuộc, ngành chức năng giải cứu hoặc nhận được sự hỗ trợ từ các mạnh thường quân. Số tiền mà họ phải bỏ ra là từ 50 đến 150 triệu đồng.
Đến hiện tại, có 9 nạn nhân trên địa bàn tỉnh bị lừa sang làm việc ở Campuchia đã hồi hương an toàn.
Đại tá Trần Thanh Bình, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai chia sẻ, cơ quan điều tra Bộ đội Biên phòng xác định, hoạt động lừa người vượt biên sang Campuchia làm việc có sự tham gia của nhiều đối tượng, ở nhiều tỉnh, thành trong nước và các cá nhân, tổ chức ở Campuchia.
Hiện nay, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam đã chỉ đạo với các lực lượng biên phòng dọc tuyến biên giới chung với nước bạn Campuchia thực hiện rà soát, cảnh báo, phối hợp điều tra. Cùng với đó, Biên phòng Việt Nam cũng thông tin, phối hợp với Lãnh sự quán Việt Nam ở Campuchia, lực lượng biên phòng nước bạn và Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh (tổ chức phi chính phủ chuyên hỗ trợ giải cứu nạn nhân của buôn bán người) để tiếp tục tổ chức các hoạt động giải cứu.
Ngày 6/7, Trần Quang Quyết (21 tuổi, ngụ xã Ia Đal, huyện Ia Hdrai, Kon Tum) bị Đồn Biên phòng Ia O tạm giữ, khởi tố vụ án hình sự liên quan đến việc mua bán người.
Theo kết quả điều tra ban đầu, đầu năm 2022, Quyết vào thành phố Hồ Chí Minh làm thuê rồi bị lừa sang Campuchia làm việc trong công ty. Tháng 6/2022, không đáp ứng được công việc, Quyết nợ công ty hơn 100 triệu đồng. Khi đó, 2 người phụ nữ gốc Việt tại đây gợi ý cho Quyết, nếu tìm và đưa được người trong nước sang Campuchia trót lọt, sẽ được trả khoảng 700 USD/ người.
Vào các ngày 19-20/6, Quyết liên lạc và mời 7 thanh thiếu niên làng Kloong, xã Ia O, huyện Ia Grai vào tỉnh Tây Ninh làm việc nhẹ, với mức lương tháng từ 18 đến 20 triệu đồng. Liên tiếp trong 2 ngày là 20 và 21/6, Quyết đón nhóm thanh thiếu niên thành 2 đợt tại TP.HCM, sau đó dẫn về huyện Trảng Bàng, Tây Ninh. Tại đây, đối tượng cùng vài người khác đưa 7 người này vượt biên trái phép sang Campuchia.
Liên quan đến vụ án này còn có Phan Ngọc Đức (32 tuổi, ngụ huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An). Mới đây, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Gia Lai ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Đức về tội mua bán người.
Tại công an, Đức khai nhận đã bán 7 nạn nhân ở xã Ia O, huyện Ia Grai cho một người ở Campuchia, lấy trên 300 triệu đồng. Đức chia cho Quyết 128 triệu đồng.
https://vtc.vn/tham-canh-no-nan-sau-cu-lua-vuot-bien-viec-nhe-luong-cao-ar687720.html
Ngày đăng: 07:46 | 14/07/2022
Hiền Mai / VTC News