Nền kinh tế lớn thứ hai khu vực Đông Nam Á và từng một thời là một trong những nền kinh tế năng động nhất thế giới, nhưng Thái Lan đang chật vật dưới gánh nặng của dân số già hóa, hệ thống giáo dục đi xuống và lối canh tác năng suất thấp. Thái Lan đang đứng trước nguy cơ mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình.

Số liệu từ Bộ Tài chính Thái Lan cho biết vào năm 2025 với 14,5 triệu người trên 60 tuổi, chiếm 20,7% tổng dân số, xứ chùa vàng sẽ chuyển sang giai đoạn già hóa. Trong khi đó, mức thu nhập đầu người của Thái Lan hiện chỉ đạt khoảng 7.500 USD/năm, là nền kinh tế có thu nhập trung bình. Để bước vào ngưỡng nền kinh tế thu nhập cao, GDP bình quân đầu người phải đạt mức trên 12.536 USD/năm. Khoảng cách này còn xa và Thái Lan khó hy vọng trong đạt được trong 5 năm tới.

Bẫy thu nhập trung bình của Thái Lan

Thái Lan đã đạt GDP bình quân đầu người 1.000 USD/năm vào năm 1998 và có thời gian tăng trưởng kinh tế cao bình quân 7,5%/năm trước năm 1990, nhưng sau đó ngày càng chậm lại, giảm dần xuống còn 5,3%/năm, rồi 4,3%/năm trong hai thập kỷ qua và hiện nay khoảng 3%/năm.

thai1.jpg -0
Thái Lan đang nguy cơ mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình.

Thái Lan đang đối mặt với thách thức là số người già tăng lên và lực lượng lao động giảm. Những thay đổi trong cơ cấu dân số của Thái Lan sẽ dẫn đến giảm năng suất, giảm tăng trưởng, đồng thời làm tăng cao chi phí chăm sóc sức khỏe, trong khi mức thu nhập đầu người thấp.

Trước tình hình này, nhiều nhận định cho rằng Thái Lan sẽ trở thành quốc gia lớn đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á mắc bẫy thu nhập trung bình – một minh chứng cho những quốc gia đang phát triển, nếu không bứt phá trong giai đoạn “dân số vàng”, sẽ khó bước vào giai đoạn thịnh vượng.

Hình mẫu của sự “phát triển thần kỳ” trên thế giới thường được nhắc đến là Nhật Bản. Vào năm 1950, Nhật Bản bước vào thời kỳ “dân số vàng”, là quốc gia có nền nông nghiệp chủ đạo, năng suất lao động thấp, thu nhập GDP đầu người mức 1.000 USD/năm. Tuy nhiên, với sự phát triển thần kỳ từ 1955-1973 (18 năm), tăng trưởng GDP bình quân hàng năm khoảng 10%, đã thay đổi hoàn toàn quốc gia này. Sau 6.500 ngày “thần kỳ”, nước Nhật đã trở thành một quốc gia phát triển, có thu nhập cao.

Tuy nhiên, nền kinh tế Thái Lan đang vướng nhiều rào cản để có thể tái hiện lại “điều kỳ diệu” Nhật Bản.

Bài toán dân số và lực lượng lao động

Thái Lan có tỷ lệ sinh thấp nhất Đông Nam Á, ngang với Singapore. Từ năm 2000 đến năm 2021, dân số từ 20-24 tuổi của Thái Lan giảm 20%, chỉ thấp hơn chút ít so với mức giảm 27% ở Nhật Bản. Nhưng Nhật Bản tạo ra GDP bình quân đầu người gấp 4 lần Thái Lan, và họ có nhiều nguồn lực hơn để hỗ trợ các công dân già và thu hút những người nhập cư có tay nghề cao để củng cố lực lượng lao động đang già đi.

Trong khi đó, ở Thái Lan, COVID-19 đang làm trầm trọng thêm tình trạng già hóa. Từ năm 2020 đến năm 2021, số trẻ sơ sinh Thái Lan đã giảm 8%. Căng thẳng vì nợ hộ gia đình ngày càng tăng, lạm phát và triển vọng việc làm kém, các hộ gia đình trung lưu và lao động hầu như không mong muốn có thêm con.

Trong những năm 2000, Thái Lan vượt trội so với các nước trong khu vực về nhiều chỉ số giáo dục. Hầu hết công nhân Thái Lan vào năm 2006 đều đã học hết tiểu học. Đến năm 2019, hầu hết đều có giáo dục sau tiểu học. Những thành tựu về giáo dục và kỹ năng này là yếu tố có thể giúp cải thiện các tác động của quá trình già hóa dân số.

Tuy nhiên, trong thập kỷ qua, sự sụt giảm trong số người đăng ký đại học đã bắt đầu tăng nhanh hơn. Tổng tỷ lệ nhập học đại học của Thái Lan đạt đỉnh khoảng 50% vào đầu những năm 2010 và sau đó giảm xuống còn 40-45% trong những năm gần đây. Các chương trình kỹ thuật hoặc định hướng nghề nghiệp có kết quả tốt hơn, nhưng hầu hết các chương trình đại học phổ thông đều mất nhiều sinh viên.

Triển vọng việc làm của sinh viên tốt nghiệp cũng yếu đi. Mức lương cao của giáo dục đại học Thái Lan đã giảm kể từ đầu những năm 2010, với nhiều sinh viên tốt nghiệp thiếu những kỹ năng cần thiết cho lực lượng lao động. Trong thời kỳ đại dịch, số lao động có trình độ đại học thất nghiệp đã tăng hơn gấp đôi. Đối với các hộ gia đình nợ nần chồng chất, vài năm đầu tư cho giáo dục đại học có vẻ không còn đáng giá nữa.

Nền kinh tế nặng về nông nghiệp

Nông nghiệp đóng góp khoảng 1/10 GDP của Thái Lan nhưng sử dụng khoảng 1/3 lực lượng lao động. Lúa gạo vẫn là cây trồng chủ lực - Thái Lan chiếm 14% thương mại gạo quốc tế.

Tuy nhiên, các trang trại trồng lúa của Thái Lan không có năng suất hoặc hiệu quả cao. Năng suất trung bình của Thái Lan hiện thấp hơn so với Việt Nam, Campuchia và Lào. Trang trại trồng lúa trung bình của Thái Lan quá nhỏ và nông dân quá nghèo hoặc lớn tuổi để đầu tư vào thiết bị hoặc cơ sở hạ tầng để cải thiện năng suất.

Những thách thức kể trên đã thúc đẩy các nhà hoạch định chính sách chuyển hướng sang ngành công nghiệp và công nghệ mới để phục hồi tăng trưởng kinh tế. Chẳng hạn, tháng 5-2022, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã bày tỏ hy vọng rằng Thái Lan sẽ trở thành trung tâm sản xuất xe điện lớn nhất thế giới. Mặc dù vậy, chiến lược này được đánh giá sẽ là một canh bạc tốn kém.

Trong khi đó, ngành công nghiệp ôtô Thái Lan được hưởng lợi từ các khoản đầu tư lớn từ Nhật Bản và Trung Quốc. Thương mại do đầu tư nước ngoài là động lực đã thúc đẩy kinh tế mạnh mẽ và mở ra cơ hội thay đổi cơ cấu. Tuy nhiên, môi trường của Thái Lan được đánh giá là chưa thực sự thuận lợi cho đầu tư nước ngoài do nhiều yếu tố. Bên cạnh đó, hành lang kinh tế phía Đông và các đặc khu kinh tế được thành lập dưới thời các chính phủ gần đây vẫn chưa mở rộng hoặc tăng cường đầu tư vào Thái Lan.

Những thách thức về nhân khẩu học, giáo dục và nông nghiệp của Thái Lan dường như là dấu hiệu của một nền kinh tế vẫn còn nhiều bất bình đẳng cần sớm được khắc phục nếu muốn thoát bẫy thu nhập trung bình.

 https://antg.cand.com.vn/Kinh-te-Van-hoa-The-Thao/thai-lan-mac-ket-trong-bay-thu-nhap-trung-binh-i680476/

Ngày đăng: 19:28 | 09/01/2023

Hạnh Vân / Công an nhân dân