Thủ tướng Thái Chan-o-cha cân nhắc khả năng "nối gót" Indonesia, dời đô khi Bangkok đang quá tắc nghẽn và đối mặt nhiều vấn đề.
"Giống như Jakarta, Bangkok bị bao vây bởi tình trạng quá tải, ô nhiễm, mực nước biển dâng cao và tắc nghẽn giao thông nặng nề", Thủ tướng Prayut Chan-o-cha nói tại một hội nghị ở Bangkok hôm 18/9, cho rằng việc di dời thủ đô có thể giúp Bangkok vượt qua những thách thức đô thị.
"Việc đầu tiên là tìm một thành phố không quá xa, cũng không quá đắt đỏ để di chuyển tới. Thứ hai là di chuyển ra khỏi Bangkok để giảm bớt sự đông đúc", Chan-o-cha nói.
Các tòa nhà ở được nhìn thấy qua lớp không khí ô nhiễm ở Bangkok sáng 8/2/2018. Ảnh: Reuters. |
Ông Chan-o-cha giải thích thêm rằng việc di chuyển các cơ quan chính phủ ra ngoại ô Bangkok có thể giảm bớt lưu lượng giao thông, nhu cầu đi lại trong và ngoài trung tâm thành phố. Thủ tướng Thái lưu ý rằng việc nghiên cứu một cách toàn diện về các tác động xã hội và kinh tế của một động thái như vậy cần phải được tính toán, nhưng hoàn toàn "có thể" thực hiện được dưới nhiệm kỳ của chính phủ hiện tại.
Đề xuất được Thủ tướng Thái đưa ra chỉ vài tuần sau khi Tổng thống Indonesia Joko Widodo tuyên bố thủ đô nước này sẽ được chuyển từ Jakarta sang Đông Kalimantan hoặc Borneo của Indonesia. Đây cũng không phải lần đầu tiên ý tưởng di chuyển thủ đô được chính phủ Thái Lan đưa ra.
Cựu thủ tướng Thái Thaksin Shinawatra cũng từng đề nghị dời đô đến Nakhon Nayok, một tỉnh cách thủ đô hiện tại khoảng 100km. Hay cũng từng có nghiên cứu được tiến hành về việc chuyển các văn phòng chính phủ sang Chachoengsao, một trung tâm nông nghiệp ở phía đông Bangkok. Song cũng như với Jakarta, ý tưởng dời đô của chính phủ Thái Lan cũng gặp phải không ít ý kiến trái chiều và sự hoài nghi.
Mai Lâm (Theo The Guardian)
Ngày đăng: 09:52 | 01/10/2019
/ vnexpress.net