Ngân sách eo hẹp, nguồn vaccine Covid-19 thiếu hụt và việc các nước tranh nhau đặt hàng khiến nhiệm vụ phân phối vaccine toàn cầu của Covax đầy trắc trở.
Ngay từ khi đại dịch Covid-19 mới bùng phát, giới chuyên gia y tế đã mường tượng ra viễn cảnh vaccine hầu như chỉ được chuyển tới những nước giàu đủ khả năng mua chúng, trong khi người dân tại các nước nghèo nhiễm virus và chết dần.
Để ngăn chặn tình huống này, sáng kiến Covax ra đời dưới sự dẫn dắt của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Liên minh Vaccine và Tiêm chủng Toàn cầu GAVI, cùng Liên minh Đổi mới Sẵn sàng cho Dịch bệnh (CEPI), nhằm đảm bảo mọi quốc gia giàu nghèo đều được tiếp cận với vaccine Covid-19, bất kể khả năng chi trả.
Mùa thu năm 2020, Covax đặt mục tiêu mua 2 tỷ liều vaccine và chuyển đến những nước có nhu cầu trước cuối năm 2021. Tuy nhiên, khi đã gần tới cuối tháng 5/2021, Covax mới chỉ cung cấp được hơn 68 triệu liều, tương đương 3,4% kế hoạch.
Khoảng 1,5 tỷ liều vaccine Covid-19 đã được sử dụng trên toàn cầu, nhưng các nước thu nhập thấp chỉ chiếm 0,3%. Tại những nơi như Ấn Độ và Brazil, hàng nghìn người không được tiêm vaccine đang tử vong mỗi ngày vì đại dịch, giữa lúc Mỹ hân hoan trong niềm vui tái mở cửa nhờ tiêm chủng thành công.
"Covax là một công cụ thiết yếu. Tôi nghĩ không cần bàn cãi về điều này. Tuy nhiên, sáng kiến đang gặp khó khăn", Kate Dodson, phó chủ tịch phụ trách y tế toàn cầu tại Quỹ Liên Hợp Quốc, cho biết.
Các thùng vaccine Covid-19 AstraZeneca được chuyển đến thông qua chương trình Covax tại sân bay Phnom Penh, Campuchia, hôm 2/3. Ảnh: Reuters. |
Theo giới chuyên gia, vấn đề lớn đầu tiên là ngân sách của chương trình. WHO, GAVI và CEPI hợp tác nhằm đưa Covax trở thành cơ chế tài chính phi lợi nhuận đặc biệt, với mô hình của một quỹ tương hỗ, nhưng là đối với vaccine.
Ý tưởng là các nước thu nhập cao sẽ đổ tiền tài trợ hoạt động nghiên cứu và phát triển một loạt vaccine tiềm năng. Khoản đầu tư này giúp họ tăng cơ hội có được vaccine hiệu quả, đồng thời tạo ra ngân sách để miễn phí vaccine cho 92 quốc gia thu nhập thấp không đủ khả năng chi trả. Tuy nhiên, để mọi thứ diễn ra theo kế hoạch, phải có đủ nước giàu đầu tư vào Covax và cam kết nhận vaccine thông qua cơ chế này.
Thay vào đó, nhiều chính phủ giàu có lại ký hợp đồng riêng với các công ty sản xuất vaccine như Pfizer vả Moderna, "đặt gạch" phần lớn vaccine Covid-19 dự kiến được sản xuất trong năm 2021. Tình trạng này khiến Covax, vốn không có nhiều ngân sách trong giai đoạn đầu đại dịch, bị tước đoạt cơ hội mua vaccine cho những nước khó khăn hơn.
"Vấn đề chính là không đủ tiền và ngân sách đến quá muộn. Nếu có đủ ngân sách vào tháng 3/2020, công tác phân phối vaccine sẽ khác bây giờ", Amanda Glassman, giám đốc chính sách y tế toàn cầu tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu, nhóm nghiên cứu phi lợi nhuận có trụ sở tại Anh và Mỹ, cho biết.
Tới nay Covax vẫn thiếu ngân sách để mua đủ vaccine cho 20% dân số ở mỗi quốc gia có thu nhập thấp, bao gồm đội ngũ nhân viên y tế và những nhóm dễ bị tổn thương nhất, vào thời hạn cuối năm 2021. Họ cần huy động thêm 2,6 tỷ USD mới đạt được mục tiêu này.
"Thứ đầu tiên chúng tôi cần là tiền", Bruce Aylward, cố vấn cấp cao của WHO làm việc cho chương trình Covax, cho biết.
Thách thức lớn thứ hai Covax phải đối mặt là nguồn vaccine và nguyên liệu thô để sản xuất chúng vẫn thiếu hụt. Tình trạng này một phần do các nước giàu đã mua rất nhiều nguồn cung vaccine sớm, bên cạnh đó là những diễn biến khó lường của đại dịch.
Viện Huyết thanh Ấn Độ, nơi sản xuất vaccine AstraZeneca và là nhà cung cấp chủ lực cho Covax, giờ đây buộc phải ưu tiên vaccine cho nhu cầu trong nước do làn sóng đại dịch thứ hai vô cùng dữ dội. Việc công ty này hạn chế xuất khẩu đồng nghĩa với lượng vaccine Covax nhận được sẽ ít hơn nhiều so với dự kiến, làm trì hoãn quá trình vận chuyển vaccine đến các nước nghèo trên thế giới.
"Nguồn vaccine dành cho Covax vô cùng khan hiếm", Dodson tại Quỹ Liên Hợp Quốc, cho biết. Theo bình luận viên Sigal Samuel của tạp chí Vox, thực tế này chứng minh cần một kế hoạch toàn cầu để tăng cường quy mô sản xuất và đảm bảo an ninh vaccine.
"Chúng ta cần một phương án hợp tác toàn cầu, nhanh hơn bao giờ hết, để gia tăng đáng kể số lượng vaccine sẽ có sẵn vào năm 2021 và đầu 2022. Thực sự những gì bạn muốn thấy là một Chiến dịch Thần tốc ở cấp độ toàn cầu", Ruth Faden, người sáng lập viện Đạo đức Sinh học Johns Hopkins Berman, đề cập đến chiến dịch phát triển vaccine dưới thời cựu tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tuy nhiên, nhiệm vụ này không hề dễ dàng. Vấn đề không chỉ nằm ở xây dựng thêm nhà máy với năng lực sản xuất tốt hơn tại nhiều nước hơn, mà còn đòi hỏi sự phối hợp một loạt yếu tố, bao gồm chuyển giao công nghệ và nhân lực, vận chuyển nguyên liệu thô và nới lỏng quyền sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, Aylward nhấn mạnh chỉ mở rộng quy mô sản xuất vaccine là chưa đủ, mà còn cần ưu tiên cho Covax.
Nhân viên y tế tiêm vaccine Covid-19 AstraZeneca cho một người dân tại Siaya, Kenya, hôm 18/5. Ảnh: AFP. |
Vấn đề lớn cuối cùng là Covax cần các nước giàu chia sẻ vaccine. Họ có thể đóng góp số vaccine đã tích trữ được như Mỹ, quốc gia hiện có khoảng 73 triệu liều vaccine Covid-19 đang nằm trong kho. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng các nước tốt nhất nên đóng góp trước cả khi các lô vaccine được giao đến nơi.
"Chúng tôi không muốn họ nhận vaccine rồi nói rằng sẽ trao đi vì không cần tới nữa. Chúng tôi cần mọi người chia sẻ không gian trong hàng đợi", Aylward cho biết. Việc giao vaccine đến một nơi khác sau khi chúng đã được đưa tới điểm đến đầu tiên có thể phức tạp, bởi cần đảm bảo "chuỗi bảo quản" không bị ảnh hưởng, như duy trì đúng nhiệt độ.
"Các nước giữ được chỗ trong hàng nhờ hợp đồng đã ký với các hãng vaccine. Tuy nhiên, họ có thể nhường chỗ đó cho một quốc gia có nhu cầu cấp thiết hơn, và nên như vậy", bình luận viên Samuel nêu ý kiến.
Mỹ được cho là chắc chắn đủ khả năng làm điều này. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Duke ước tính đến tháng 7 Mỹ sẽ có ít nhất 300 triệu liều vaccine thừa, đồng thời đặt ra giả định họ sẽ giữ lại đủ số liều để tiêm cho phần lớn trẻ em.
Samuel đánh giá cao Thụy Điển, quốc gia đã tặng 1 triệu liều vaccine Covid-19, tương đương 1/5 nguồn cung hiện nay của họ, ngay cả khi mới chỉ hơn 30% dân số được tiêm chủng.
WHO vừa khởi động chiến dịch gây quỹ có tên "Go Give One", kêu gọi các cá nhân đóng góp 7 USD để mua một liều vaccine cho ai đó đang sống ở quốc gia thu nhập thấp, thông qua chương trình Covax. "Khu vực tư nhân có nhu cầu đóng góp lớn để giải quyết vấn đề toàn cầu nghiêm trọng này, nên chiến dịch ra đời để đáp ứng điều đó", phát ngôn viên của GAVI cho biết.
Faden cho biết nếu nhận được sự hưởng ứng tích cực, chiến dịch có thể tạo ra thay đổi đáng kể. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh nó sẽ không giúp mang lại cho Covax hàng tỷ USD mà chương trình cần. "Đây thực sự là việc của các chính phủ, đòi hỏi lãnh đạo những nước giàu trên thế giới thúc đẩy", Faden cho biết.
Aylward cũng bày tỏ hy vọng ngày càng nhiều cá nhân và chính phủ thể hiện sự quan tâm đến thế giới bằng cách đầu tư vào Covax.
"Bạn đã có một cỗ máy tuyệt vời. Hãy tận dụng nó", Aylward nói.
Ánh Ngọc (Theo Vox)
Sử dụng 12.100 tỷ đồng từ ngân sách mua vaccine Covid-19 |
Các công ty Việt bán tour đi Mỹ tiêm vaccine Covid-19 |
5 ngân hàng hỗ trợ 160 tỷ đồng vào quỹ mua vaccine COVID-19 |
Ngày đăng: 10:00 | 22/05/2021
/ vnexpress.net