Năm nào cũng vậy, cứ ngày đầu năm Âm lịch là cả nước sẽ nô nức tổ chức Tết trồng cây. 

tết trồng cây

Cây chống xói mòn, cho trái, cho hoa, cho không khí trong lành và đến tuổi thì cho gỗ. Người Việt mình ai cũng yêu cây, tất nhiên mỗi người yêu một kiểu. Trong suốt cuộc đời, tôi chỉ thấy có hai nơi người ta chặt cây chưa đúng quy trình. Một là lâm tặc ở trên rừng, hai là cái sở của Thành phố Hà Nội mấy năm về trước. Nhưng Hà Nội lỡ chặt một thì tới thời chủ tịch Chung họ đã trồng bù lại mười. Xuân này nhìn những hàng cây mới trồng ngay ngắn theo hàng lối, xanh rợp thủ đô mà lòng ấm lại. Chỉ còn việc bảo vệ những cây gỗ trên rừng đầu nguồn vẫn lắm gian nan. Cứ nhìn cảnh lũ lụt thời gian qua thì biết.

Tôi có cơ may được tham dự gần chục cái “Tết trồng cây”. Vui đáo để. Cây trồng chủng loại gì không quan trọng, miễn là khỏe và to, đặc biệt nếu trung ương về tham dự thì nhất thiết cây phải vào hàng cổ thụ. Ai trồng cây chả mong nó sớm có quả, không phải để ăn mà để cho người khác ăn xong nhớ đến mình. Nếu trồng cây bé, ngày về hưu cây vẫn chưa đến tuổi dậy thì cũng hơi buồn. Người thường không sao, khổ nỗi khách được mời trồng cây đều là thủ trưởng. Mà thủ trưởng thì làm việc theo nhiệm kỳ. Tốt nhất cứ trồng ngay cây to, đầu năm ra lộc, cuối năm kết trái.

Địa điểm tổ chức trồng cây thường là trụ sở Uỷ ban Nhân dân, trường học, hoặc các khu đất rộng có thể tụ tập đông người. Từ sáng sớm, các cháu thiếu nhi mặc áo trắng, quần hoặc váy xanh, mũ ca nô đội lệch đi khắp đường làng ngõ phố đánh trống, thổi kèn theo nhịp quân hành. Công an, bộ đội, dân phòng có mặt đông đủ. Chả lo xảy ra mất trật tự gì đâu. Nghi lễ nó phải thế. Sau phần phát biểu, năm nào và ở đâu cũng giống nhau, mỗi đại biểu được phát một đôi găng trắng muốt cùng cái xẻng cán quấn giấy hai mầu đỏ, trắng. Các bác cứ gẩy ít đất mịn chúng em đã chuẩn bị sẵn xuống hố là xong. Có chị váy dài tha thướt, mới xúc chưa được chục nhát đã dừng. Đồng chí Chánh Văn phòng liếc mắt hiểu ngay. Không sao, các cụ dạy rồi, nam 7 nữ 9, làm quá mất lộc. Các em đâu, đưa cho chị cái ô doa. Xin chị làm ơn tưới xuống gốc và cười thật xinh để chúng em ghi hình. Cây cứ để thế, lát có thợ trồng lại…

Xong rồi, mời các đại biểu qua bên kia rửa tay và lau khô. Khăn mặt mới, từng xấp một nguyên trong túi nylon. Tiếp theo, xin quý khách theo hướng này, vào phòng khách uống nước. Đầu xuân cũng còn lắm chỗ thăm hỏi, chẳng dám giữ các bác ở lại xơi cơm, chúng em có chút lì xì lấy may ngày Tết. Người trồng cây đông thế nhưng phong bao cấm có lẫn lộn bao giờ. Đúng là kim chỉ có đầu, cần câu có ngọn.

Năm nay, đi trong bụi mưa xuân trên đường Hà Nội, ngắm những hàng cây mới trồng đều tăm tắp hai bên hè phố, tôi lại nhớ về những Tết trồng cây mình được mời tham dự.

Và tôi tự hỏi: Việc chúng ta tổ chức Tết trồng cây theo kiểu hình thức như những năm qua có còn phù hợp? Có những việc chúng ta vẫn mặc định là đúng và làm theo quán tính, không để ý rằng rất nhiều cái đúng với hôm qua nhưng không đúng với hôm nay. Trồng cây cũng như trồng người, không được trồng sai và phải đúng từ trong nhận thức, không làm để lấy phong trào.

Tôi nghĩ rằng chúng ta cần có một quy hoạch trồng cây xanh một cách bài bản trên phạm vi cả nước, từ thành phố, tỉnh, quận, huyện đến xã, phường, thị trấn, để mỗi mùa xuân đến chúng ta lại phát động trồng cây. Trồng theo kế hoạch, trồng đâu được đấy, đúng số lượng, chủng loại, quy cách... Để trên toàn đất nước chúng ta, mỗi khi mùa xuân về sẽ thực sự là một TẾT TRỒNG CÂY.

tet trong cay Ngưỡng của lòng tham

Vào giai đoạn khủng hoảng tài chính châu Á những năm 1997 - 1998, tôi may mắn tham gia thị trường kinh doanh tiền tệ ...

tet trong cay ‘Văn hóa’ từ chức

Mới đây, một vị phó chủ tịch ủy ban nhân dân nộp đơn xin từ chức.

Ngày đăng: 19:00 | 12/01/2018

/ Bình Ca/VnExpress