Vậy là tôi đã cầm chắc trong tay cặp vé tàu Tết. Tôi “phôn” ngay cho ông anh họ nuôi cá thuê dưới Đồng Nai, 24 Tết nhất nhất phải có mặt tại Sài Gòn để hôm sau hai anh em cùng về quê. Năm ngoái chỉ vì chùng chình đợi anh mà cả hai đều lỡ tàu.
Chạy qua bến Bắc Nam tính chuyện đi xe đò chuyến vét, nhưng chuyến vét cũng chật như lèn, đám trai tráng cậy khỏe đang tranh nhau đu. Ông anh tôi bao tải, túi xách cũng định xông lên, vừa bị mắng lại còn suýt bị lơ xe đạp cho phát.
Thất thểu quay về xóm trọ, tôi khui rượu và giò trong ba lô ra tiêu sầu. Không ngờ ông anh rượu vào lệ ra như “bolero”, khiến tôi muốn xỉu luôn.
Năm nay thì quyết không thể nhỡ. Tôi đe ông anh tối 24 mà chưa thấy mặt, thì mặc nhé, 25 nhất định tôi sẽ lên tàu một mình. Tôi cũng xa quê mấy năm rồi.
Ngày nhỏ, khi bước sang tháng Chạp, tôi thường ngồi mong ngóng mỗi sáng mẹ gọi tên cho theo ra chợ. Không phải mẹ thương tôi hơn em gái, mà ngày cận tết, trên quang gánh của mẹ bao giờ cũng có hai ba món đồ cần bán. Thường một bên mấy trăm lá dong cha đi rừng lấy về hôm trước, một bên mấy buồng cau kèm mấy bó chè xanh đêm qua mẹ buộc chặt. Tôi được chọn vì mẹ bảo “số đỏ”, cứ đứng bán lần nào cũng hết hàng.
Chợ mang tên Nổ, cách nhà hơn 5 cây số, nên lần nào đi, mẹ cũng thức tôi dậy thật sớm. Trên đường, tôi hay thắc mắc về cái tên chợ, mẹ bảo không biết, rằng từ ngày mẹ lớn lên đã có tên vậy rồi. Tôi hỏi cha thì cha cười bảo: “chợ Nổ là chợ nợ, ra đó tha hồ mà nợ”. Tôi bị thích thú trước lời giải thích này, bởi trong những lần theo mẹ ra đây, nhiều lần tôi thấy mẹ mua nợ, và nhiều lần tôi thấy mẹ “cố tình” tránh mặt một số người, vì nợ.
Mẹ và tôi đi chợ thật sớm mà hôm nào ra chợ cũng đã đông nghịt người. Không có tiền thuê sạp bán, mẹ đặt gánh xuống bên đường, bên cạnh mấy cô chú trạc tuổi gồng gánh buồng cau hay nải chuối. Tôi ngây thơ hỏi, đứng bán ở đây có phải là “đầu đường xó chợ” không? Mẹ nín lặng. Bao giờ cũng thế, khi không tìm được câu trả lời mẹ không nói gì.
Mẹ tôi mang tiếng bán buôn mà rất ít nói, chẳng mời gọi níu kéo người mua như cô bác hàng bên. Tôi cũng thường im lặng, vì sợ khi kêu to, mấy đứa bạn cùng lớp đang chọn áo mới bên kia đường nhìn thấy, tôi sợ cảnh mình đứng trước chiếc thúng rách đáy, bên trên là mấy buồng cau già.
Nhưng đi chợ Tết có nhiều niềm vui. Vui nhất hôm nào bán đắt hàng, mắt mẹ long lanh, tay mẹ run run kéo tôi đi sắm đồ Tết. Mẹ bao giờ cũng có sẵn trong đầu những thứ cần mua, thịt mấy cân, cá mấy con, su hào mấy củ và mấy bó hương trầm. Khi chiếc làn nhựa đã đầy, mẹ dẫn tôi đến hàng quần áo mới, tôi đứng đó chọn áo hoặc quần, chỉ một thứ nhưng lòng đầy hân hoan. Rồi mẹ chọn áo cho ông bà, cha, anh chị và em gái, thường là những màu sáng, mẹ bảo ngày tết phải sáng sủa mới may mắn được.
Cuối cùng, mẹ dắt tôi đến trước sạp câu đối đỏ, bảo chọn một bức. Tôi thích công việc này, vì nó có vẻ “long trọng”, và thường chọn theo gợi ý của ông nội đêm hôm trước. “Tổ tiên công đức thiên niên thịnh/Tử hiếu tôn hiền vạn đại vinh” - Tôi nhớ mãi.
Năm 2004, cha mất, từ đó không ai đi rừng lấy lá dong hay trèo cau cho mẹ tôi đi chợ nữa. Anh em tôi xa nhà, mẹ lủi thủi một mình.
Tôi nhắm mắt mường tượng khi vừa chạm vào đầu ngõ, mẹ tôi đã hỏi “có quần áo mới cho cha và ông bà chưa”? trong khi mẹ chẳng bao giờ nhìn đến quần áo của mình. Mười mấy năm rồi, mẹ như chỉ sống với thế giới của cha.
Năm nay tôi sẽ về từ 25 Tết, năm nay, tôi sẽ đưa mẹ đi chơi chợ.
Không thể sum vầy
Ông Chờ nhấp vội chén nước chè sau bữa cơm trưa, rồi vác cuốc ra đồng làm đất. Hôm ấy, các cánh đồng đang đổ ... |
Phong tục nhậu
Sài Gòn đang rộn ràng mùa lễ hội cuối năm. Nào là Noel, tết Tây, tết Ta... |
Có phải chúng ta tụt hậu vì ăn tết cổ truyền?
Nhiều ý kiến cho rằng cần bỏ Tết Âm lịch, gộp với Tết Dương lịch và chỉ nghỉ tết trong vòng 3 ngày, vì việc ... |
Ngày đăng: 08:31 | 22/01/2018
/ Lao động