Từ khi di cư vào Sài Gòn năm 2011, ăn Tết ở đâu trở thành chuyện được tính toán trước cả tháng của hai vợ chồng tôi. Bảy cái Tết vừa qua, chúng tôi có bảy quy trình ăn Tết khác nhau.
Từ khi di cư vào Sài Gòn năm 2011, ăn Tết ở đâu trở thành chuyện được tính toán trước cả tháng của hai vợ chồng tôi. Bảy cái Tết vừa qua, chúng tôi có bảy quy trình ăn Tết khác nhau.
Tết đầu tiên ở Sài Gòn, bố mẹ chồng ở Hà Nội vào ăn Tết cùng các con. Tết thứ hai gia đình em chồng bay vào. Tết thứ ba, cả nhà tôi hành hương ra Hà Nội, có cả mẹ tôi cùng đi. Tôi vẫn nhớ Tết đó mẹ chồng vui ra mặt. Bà vốn không hay hoa mỹ, chỉ thật thà: "Năm này có hai đứa ra, mẹ thấy Tết vui hơn", rồi ngày nào cũng chăm chỉ dậy sớm, lách cách nấu nướng.
Có năm tôi xin nghỉ phép sớm, cả nhà ra Hà Nội từ 20 tháng Chạp với nhà nội. Đón giao thừa xong, mùng Một lại tất tả bay về ăn Tết với mẹ và họ hàng trong Nam. Có Tết hai vợ chồng bận việc quá, tôi cử con đầu "đại diện" ra Bắc ăn Tết với nhà nội, mùng Hai cu cậu bay về Sài Gòn để kịp đi chơi với nhà ngoại.
Có những cái Tết chúng tôi phải lên kế hoạch trước cả hai tháng. Đó là năm 2014, tôi canh vé và mua vé máy bay từ giữa tháng 12. Chồng tôi và con trai đầu đi ô tô xuyên Việt ra Bắc trước. Giáp Tết, Quốc lộ 1 như cuộc đua xe, tôi ở nhà ngày nào cũng cầu nguyện. Rồi lu bu công việc, đến lúc tôi nhìn lại vé và giờ bay thì ôi thôi máy bay đã cất cánh rồi. Điên cuồng lên mạng tra vé tới tận 12 giờ đêm cho mình và cậu con út nhưng không tìm được vé giờ chót. Tôi tính, hay đi sang Thái Lan rồi vòng ra Hà Nội, hoặc bay ra Vinh rồi thuê ô tô đi tiếp. Phút chót, run rủi thế nào có chuyến bay nhả ra hai vé. Hai mẹ con dắt díu nhau chen vào dòng người nghẹt thở ở Tân Sơn Nhất.
Tôi vẫn yêu Tết. Nhưng thú thực là để cân bằng Tết Bắc - Tết Nam, Tết nội - Tết ngoại đôi khi cũng hại não. Nhưng tôi khá may mắn bởi trong mọi cái Tết, gia đình hai bên nội ngoại đều tôn trọng các quyết định của vợ chồng tôi, không phàn nàn hay thắc mắc như nhiều nhà khác mà tôi biết. Chồng tôi thâm tâm rất thích Tết Bắc nhưng cũng chưa bao giờ tỏ ra cực đoan với các đề xuất ăn Tết Nam của vợ. Và tôi biết mình cũng thuộc số ít may mắn, chưa phải chiụ đựng "cuộc chiến" ăn Tết nào.
Chẳng đâu xa, bạn bè, người quen tôi, có những người không giấu nổi bực dọc vì bị chồng ép phải ăn tết quê nội, còn bên ngoại thì giận hờn. Mà chuyện năm nào cũng lặp lại, như đã thành một hiện tượng xã hội phổ biến.
Các bài báo, các thước phim vào dịp Tết gần đây đã bổ sung chủ đề này song nghiêng về "phương án" vợ "được" về nhà ngoại ăn Tết. Có lẽ nó khởi nguồn từ một cuộc phỏng vấn năm 2016 với hơn 3.000 phụ nữ trên toàn quốc, trong đó có tới 97% cô con dâu bày tỏ "muốn được đón Tết bên bố mẹ mình".
Bất chấp việc các nhà làm tiếp thị đã mon men động chạm tới một vấn đề tế nhị của đời sống gia đình Việt, bất chấp gần đây nhiều tờ báo chạy tít "chồng cấm vợ về nhà ngoại ăn Tết sẽ bị phạt tiền" và dẫn Luật Hôn nhân và Gia đình về việc có chế tài cụ thể đối với hành vi cấm đoán thành viên gia đình gặp gỡ người thân. Rốt cuộc, chuyện hai vợ chồng đón Tết ở đâu, nhà ngoại hay nhà nội vẫn là một câu chuyện nan giải nhiều năm của nhiều gia đình.
Một cô bạn của tôi chỉ được ăn Tết nhà ngoại khi "tình cờ" đẻ con trùng dịp Tết. Một cô bạn khác thì có cái Tết nằm khóc vật vã với bụng bầu do chồng bỏ vợ ở nhà mẹ từ chiều 30. Mẹ chồng anh gây áp lực rằng con trai bà phải có mặt ở nhà.
Tại Diễn đàn kinh thế giới về ASEAN nhóm họp ở Hà Nội tháng 9 vừa rồi, Việt Nam đứng thứ sáu trong 10 nước ở Châu Á có bình đẳng giới tốt nhất. Và đáng nói, các nước kinh tế phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc không nằm trong tốp 10 này.
Thực tế, những thành tựu trong bình đẳng giới của Việt Nam luôn được thế giới ghi nhận. Liên Hợp Quốc xếp Việt Nam hạng 60/154 quốc gia về chỉ số bình đẳng giới - xét về tỷ lệ trẻ em gái đến trường, tỷ lệ phụ nữ đi làm và đại diện tại Quốc hội.
Xét thêm về yếu tố văn hóa, các khuôn phép xã hội kìm tỏa người phụ nữ thời phong kiến như Nho giáo với quan niệm "tam tòng tứ đức" cũng đã phai nhạt khá nhiều ở Việt Nam. Trong khi đó, tín ngưỡng thờ Mẫu, tín ngưỡng tôn sùng các nữ thần, các nữ anh hùng lịch sử trong hình hài Mẹ - vốn gửi gắm ước vọng của người phụ nữ trong việc khẳng định mình và giải thoát khỏi các thành kiến vẫn tiếp tục có vị trí trang trọng trong đời sống tâm linh người Việt.
Nhưng bảng xếp hạng và các chỉ số không chỉ ra được nghịch lý vì sao bất chấp những tiến bộ rõ rệt về bình đẳng giới, phần lớn phụ nữ vẫn chưa dàn xếp được với chồng và gia đình chồng việc được lựa chọn ăn Tết ở đâu. Đi lấy chồng đồng nghĩa với việc rời xa cánh cổng ngôi nhà thuở nhỏ, hầu hết họ đều khát khao đón Giao thừa bên cha mẹ mình.
Tôi đã mất nhiều năm để hiểu rằng bình đẳng giới không phải là nỗ lực chứng minh phụ nữ làm được những gì mà đàn ông làm. Bình đẳng giới thực sự là trao vào tay nữ giới cơ hội được lựa chọn, được làm những gì mình muốn mà không bị phán xét và ràng buộc bởi các chuẩn mực gò bó của xã hội. Khái niệm "cơ hội lựa chọn" nghe đơn giản nhưng để thực thi, phụ nữ phải bước qua rất nhiều hàng rào định kiến vô hình.
Nhưng, những cuộc tranh luận rộ lên vào dịp này: ăn Tết ra sao, đi du lịch hay ở nhà, có nên kéo dài kỳ nghỉ Tết Ta hay ghép lại với tết Tây, thậm chí ai phải rửa bát theo tôi cũng có những mặt tích cực. Nó chứng tỏ xã hội Việt Nam bắt đầu có sự đa dạng hơn trong trải nghiệm và nhận thức. Ở đó, một số vấn đề mang tính bảo thủ và bất bình đẳng bắt đầu được đào xới. Nó tạo cơ hội cho những thay đổi mới mà tôi tin sẽ khiến nhiều người vui hơn. Cải tổ xã hội có nghĩa lý gì nếu không giúp mọi người đều được hài lòng, hạnh phúc?
Cẩm Hà
Năm hết Tết đến, còn gì vui hơn được về quê sum vầy bên gia đình?
Tết Nguyên đán không chỉ là dịp để nhìn lại năm cũ, cầu mong những điều tốt đẹp hơn sẽ đến, mà còn là khoảng ... |
Ý nghĩa tâm linh của tục lệ cúng gà trống ngày Tết
Thịt gà, ngoài giá trị dinh dưỡng còn là món ăn có giá trị văn hóa tâm linh rất lớn. |
Ngày đăng: 15:24 | 03/02/2019
/