Đó là ý kiến của PGS.TS, chuyên gia văn hóa Phạm Ngọc Trung trước sự biến đổi của cái Tết cổ truyền trong xã hội ngày nay.
Đánh giá bài văn phát biểu về ngày Tết của em học sinh 10x đang gây xôn xao dư luận, trong đó em học sinh tâm sự, ngày Tết đang thiếu vắng đi tiếng cười bởi nó khiến mẹ em mệt mỏi, bận bịu và trở nên cáu kỉnh, PGS.TS Phạm Ngọc Trung cho rằng, bài văn của em học sinh có thể chỉ là tâm trạng của một cá nhân trong một gia đình, nhưng từ đó cũng có thể thấy rằng mặt trái của Tết đang tồn tại khá nhiều.
Ông Trung phân tích, với sự vận động của xã hội thì cái Tết cổ truyền đang có nhiều thay đổi theo cả 2 chiều hướng. Chiều hướng thứ nhất là ở thành phố nhiều nơi lại đơn giản quá, không coi trọng, không đón Tết nữa mà thay vào đó nhiều gia đình đi nghỉ ở nước ngoài hay đi du lịch ở đâu đó. “Đây là xu hướng khó có thể ngăn cản được nhất là trong xã hội hiện đại như ngày nay mà chúng ta cũng không nên chê trách hay cấm cản” - ông Trung nói.
Chiều hướng thứ hai, bàn về cái Tết ở một số vùng quê, PGS.TS Phạm Ngọc Trung cho rằng, ở vùng quê thì nhiều nơi thay đổi theo chiều hướng nặng nề hơn trong các thủ tục, thậm chí là hủ tục cũng tồn tại khá nhiều. Chẳng hạn như muốn gia đình dòng họ mình phải có lễ to, có tên tuổi trong làng xã nên lao vào mua sắm, bày vẽ lễ tết tốn kém, lãng phí…, như vậy càng đẩy người nông dân vào tình trạng tái nghèo.
“Nhiều nơi họ còn ganh đua nhau để mua bán sắm sửa, ăn uống; rồi nhiều địa phương có những hội hè đình đám quá mức khiến người dân kiệt quệ về sức khỏe cũng như tiền bạc cả trước và sau Tết đến tận 2 tháng” – PGS.TS Phạm Ngọc Trung khẳng định.
Đó cũng là một gánh nặng cho nhiều gia đình nông dân với mức thu nhập thấp nhưng phải tham gia vào những sinh hoạt văn hóa bắt buộc ở nhiều địa phương. Chính vì thế, nhiều người thấy sợ Tết do những thủ tục phức tạp, nặng nề, mất nhiều công sức.
PGS.TS Phạm Ngọc Trung cho rằng, mọi người nên chủ động cho cái Tết của gia đình mình trong việc ăn uống, mua sắm sao cho phù hợp với nhu cầu và khả năng của gia đình. Không nên quá nặng nề với cái Tết dẫn đến tốn kém, mệt mỏi nhưng cũng không nên thờ ơ với nó bởi Tết là quãng thời gian tụ hội với các thành viên trong gia đình, thể hiện lòng hiếu thảo với gia đình, tổ tiên.
Bài văn \'Ghét Tết” vì làm mẹ mệt mỏi của học sinh gây “bão” mạng
Có thể với đa phần trẻ thơ sẽ vô cùng háo hức mong được đến tết, vì được mặc quần áo mới và nhận lì ... |
Ngày đăng: 15:57 | 07/01/2018
/ https://laodong.vn