77 năm sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập và 36 năm sau đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đã có sự thay đổi bứt phá.
Những đổi thay đáng kinh ngạc
Sinh ra tại một làng quê ở huyện ngoại thành Hà Nội (Mê Linh), cũng giống như nhiều vùng quê khác trên đất nước Việt Nam, Tết Độc lập là một ngày vô cùng có ý nghĩa mà tất cả những người dân quê tôi rất coi trọng. Ngày 2/9, đám trẻ con sẽ được bố mẹ chuẩn bị cho một bộ quần áo mới từ trước đó để mặc vào đúng ngày 2/9 và cũng là bộ quần áo chuẩn bị cho lễ khai giảng năm học mới vào ngày 5/9.
Quê tôi những năm 90 của thập kỷ trước còn rất nghèo, những con đường đất đỏ và trơn trượt mỗi khi mùa mưa về, người dân quê tôi đa số làm nông nghiệp (chiếm hơn 90% dân số), đời sống người dân lúc nào cũng thiếu thốn, nhất là vào “mùa giáp hạt”.
Nhưng ngày nay, nhờ sự quan tâm và những quyết sách phát triển kinh tế - xã hội đúng đắn của Đảng, Chính phủ, nền kinh tế đã dần được khởi sắc, bộ mặt nông thôn đã “thay da đổi thịt”. Những con đường đất đỏ năm nào chứng khiến bao nhiêu lớp học sinh trượt ngã vào mùa mưa lũ nay đã được thay đổi bằng những con đường trải bê tông, trải nhựa láng mượt.
Cũng giống như bao nhiêu làng quê khác trên đất nước Việt Nam, sau độc lập và sau hơn 35 năm đổi mới kinh tế (1986-2022), bộ mặt nông thôn Việt Nam đã dần khởi sắc. Những ngôi nhà 2-3 tầng mọc lên san sát thay cho những ngôi nhà cấp 4 trước đây, đời sống người dân cũng dần thay đổi, chẳng ai còn nói đến chuyện việc thiếu ăn như cách đây hơn 30 năm, mà thay vào đó là ăn như thế nào cho khỏe, cho đủ dinh dưỡng mà vẫn giữ được vóc dáng.
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, với chủ trương thu hút đầu tư phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp từ 90% vào những năm 90 của thế kỷ trước đến nay chỉ còn khoảng 60%.
Không phục thuộc chủ yếu vào nông nghiệp nên không chỉ đời sống vật chất mà đời sống văn hoá và tinh thần của người dân Việt Nam từ thành thị đến nông thôn cũng thay đổi theo hướng tích cực.
Ngỡ ngàng trước những thay đổi của Việt Nam, Cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ, John Kerry trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam vào năm 2018 đã khẳng định: Chưa đầy 20 năm về trước, khi đó từ sân bay Nội Bài dẫn vào trung tâm Thủ đô là một con đường rất nhỏ. Hai bên đường, người dân chủ yếu đi bằng xe đạp, có rất ít xe máy và không có xe hơi hoạt động. Hồi đó cũng không có khách sạn, nhà hàng như bây giờ.
Tuy nhiên, lần quay trở lại Việt Nam vào năm 2018, ông đã phải thừa nhận sự kinh ngạc khi chứng kiến rõ ràng sự thay đổi của Việt Nam: Con đường “rất nhỏ” từ sân bay Nội Bài dẫn vào trung tâm Thủ đô trước đây đã thay bằng con đường lớn với rất nhiều làn xe, dọc hai bên đường là những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, phương tiện đi lại của người dân Việt Nam bây giờ không phải là xe đạp như trước đây mà thay vào đó là xe máy và xe hơi. Những khách sạn, nhà hàng mọc lên rất nhiều…
Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ tiếp tục bày tỏ, trước đây, khi nghĩ đến Việt Nam, tôi thường hình dung đến một quốc gia nghèo đói, kém phát triển, còn bây giờ, nhắc đến Việt Nam, tôi lại hình dung đến một quốc gia đang trên đà phát triển với tốc độ tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu mạnh mẽ. Số lượng du học sinh Việt Nam sang Hoa Kỳ học tập cũng ngày một gia tăng.
“Tôi nhận thấy rõ ràng, chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam đang thay đổi từng ngày theo hướng rất tốt, kinh tế Việt Nam cũng đang dịch chuyển tích cực, hướng về phía trước trên con đường tuyệt vời”- cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ- Jonh Kerry xúc động khẳng định.
Triển vọng bứt phá trong năm 2022
Trong 2 năm 2020 và 2021, cả thế giới chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, một đại dịch chưa từng xảy ra trong lịch sử nhân loại. Nhiều quốc gia trên thế giới đạt mức tăng trưởng âm, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn đạt tăng trưởng dương liên tiếp trong 2 năm gian khó.
Cụ thể, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2020 đạt 2,91%, thuộc nhóm tăng trưởng kinh tế cao nhất trên thế giới. Năm 2021, với sự xuất hiện của biến chủng Covid-19 Delta, nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam tiếp tục thực hiện chính sách kiểm soát dịch nghiêm ngặt, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và tăng trưởng xuất khẩu. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn đạt 2,58%.
Đánh giá về những kết quả tăng trưởng trong 2 năm chịu sự “tàn phá” của dịch Covid-19, Ngân hàng Thế giới cho rằng, Việt Nam là một câu chuyện phát triển thành công nhờ những cải cách kinh tế mạnh mẽ từ năm 1986 kết hợp với xu hướng toàn cầu thuận lợi, điều đó đã nhanh chóng giúp Việt Nam phát triển từ một quốc gia nghèo nhất trên thế giới trở thành quốc gia có nền thu nhập trung bình.
Năm 2022, tình hình dịch Covid-19 trên thế giới đã dần được kiểm soát, song nền kinh tế toàn cầu vẫn đối mặt với những diễn biến khó lường do căng thẳng giữa Nga – Ukraine khiến giá năng lượng tăng cao, ảnh hưởng đến giá cả nhiều loại hàng hoá là đầu vào cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Giá năng lượng leo thang cũng khiến nhiều quốc gia trên thế giới đối mặt với tình trạng lạm phát tăng cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.
Trước diễn biến trên, nhiều tổ chức kinh tế trong và ngoài nước đã đặt ra lo ngại về một đợt suy thoái kinh tế diễn ra trên toàn cầu. Nhiều tổ chức đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới, trong đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 xuống còn 3,2% vào tháng 7/2022 so với mức dự báo 3,6% vào tháng 4/2022. Cùng với đó, Ngân hàng Thế giới cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ mức 4,1% từ tháng 1/2022 xuống còn 2,9% vào tháng 6/2022 do lo ngại về những bất ổn từ Ukraine.
Tuy vậy, tăng trưởng kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022 đạt 6,42%, trong đó quý I/2022 đạt 5,03% và quý II đạt 7,72%. Đặc biệt, mặc dù tăng trưởng kinh tế toàn cầu liên tục bị hạ dự báo so với hồi đầu năm, nhưng các tổ chức quốc tế lại nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2022.
Trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam vào tháng 8/2022, bà Carolyn Turn – Giám đốc Quốc gia Ngân hàng thế giới cho biết, kinh tế thế giới đang đối diện với rất nhiều thách thức liên quan đến căng thẳng giữa Nga và Ukraine, gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng hàng hoá, tuy nhiên kinh tế Việt Nam trong năm 2022 vẫn được dự báo tăng trưởng khoảng 7,5% và đạt mức 6,7% vào năm 2023 nhờ vào nhu cầu tiêu dùng trong nước và nền tảng tăng trưởng thấp của năm 2021.
Tổ chức IMF cũng đưa ra dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2022 có thể đạt mức 6% trong năm 2022 và 7,2% trong năm 2023. Triển vọng tăng trưởng được IMF đưa ra nhờ vào doanh số bán lẻ và sản xuất công nghiệp, và sự phục hồi, gia nhập kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp.
Như vậy, có thể khẳng định, việc Chính phủ và các bộ, ngành của Việt Nam liên tục đưa ra những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo môi trường thông thoáng cho khu vực doanh nghiệp hoạt động, chính là những yếu tố quan trọng giúp nền kinh tế Việt Nam được củng cố vững chắc trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều diễn biến bất thường. Nhiều tổ chức kinh tế thế giới đánh giá cao khả năng hồi phục của kinh tế Việt Nam trong năm 2022.
Ngày đăng: 08:18 | 02/09/2022
Nguyễn Hoà / Báo Công Thương