Theo một số chuyên gia, tên lửa hành trình mới của Triều Tiên hoàn toàn có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân, đủ sức đe dọa đến các căn cứ của Mỹ ở Nhật Bản.

Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên (KCNA), hôm qua 13/9 cho biết, nước này vừa bắn thử nghiệm thành công một mẫu tên lửa hành trình tầm xa thế hệ mới, tiêu diệt mục tiêu giả định từ khoảng cách 1.500km. Đây là vụ thử tên lửa công khai đầu tiên của Bình Nhưỡng sau khi các cuộc đàm phán giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên được khởi động.

Cũng theo KCNA, vụ thử nghiệm tên lửa được thực hiện vào cuối tuần trước, quả tên lửa đã đánh trúng mục tiêu trên biển từ khoảng cách 1.500km, hoạt động này diễn ra bên trong vùng lãnh hải của Triều Tiên.

Truyền thông nhà nước Triều Tiên cũng ca ngợi vụ thử nghiệm tên lửa trên là thành công to lớn của chương trình phát triển tên lửa nước này.

Tên lửa mới của Triều Tiên không đơn giản như bề ngoài, ẩn chứa sức mạnh đáng sợ - 1
Triều Tiên tuyên bố thử nghiệm thành công tên lửa hành trình tầm xa thế hệ mới vào cuối tuần trước. (Ảnh: KCNA)

Một số chuyên gia quân sự nhận định, đối với Triều Tiên, tên lửa hành trình trên như một vũ khí tấn công chiến lược và có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân.

Các hình ảnh về cuộc thử nghiệm còn cho thấy, tên lửa được phóng đi từ một bệ phóng di động, có thể mang theo ít nhất 5 tên lửa. Bản thân mẫu vũ khí mới của Triều Tiên có thiết kế khá giống một số mẫu tên lửa hành trình của phương Tây.

Quân đội Hàn Quốc cho biết họ đang tiến hành phân tích về mẫu tên lửa mới của Triều Tiên, phía quân đội Mỹ cũng có động thái tương tự.

Dựa theo thông tin được phía Triều Tiên công bố, mẫu tên lửa hành trình trên cho phép Bình Nhưỡng tấn công mọi mục tiêu quân sự của Mỹ và đồng minh trên bán đảo Triều Tiên và gần như toàn bộ Nhật Bản.

Vụ thử tên lửa của Triều Tiên diễn ra vào thời điểm Hàn Quốc cũng có động thái tăng cường kho tên lửa tấn công của nước này, điều này làm dấy lên lo ngại về mộc cuộc chạy đua vũ trang có thể dẫn tới một vòng xoáy bất ổn mới trên bán đảo Triều Tiên.

Trước đó không lâu, quân đội Hàn Quốc đã cho ra mắt mẫu tên lửa hành trình Hyunmoo-3C có tầm bắn lên đến 1.500 km cho phép Seoul thực hiện các cuộc tấn công vào sâu bên trong lãnh thổ Triều Tiên.

Một loạt nghị quyết được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC) thông qua trước đó cấm Triều Tiên phát triển hoặc thử nghiệm tên lửa đạn đạo. Nhưng lệnh cấm không ảnh hưởng đến tên lửa hành trình và do đó các cuộc thử nghiệm như cuối tuần vừa qua vẫn nằm trong giới hạn. Điều này cho thấy Bình Nhưỡng đã có hướng đi khác trong chương trình phát triển tên lửa của họ.

Về tên lửa đạn đạo tầm xa, các mẫu tên lửa từng được Triều Tiên giới thiệu trước đây đã có tầm bắn đủ vươn tới toàn bộ châu Âu cũng như hầu hết lãnh thổ nước Mỹ. Điển hình như Hwasong-16, nó được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2020, có tầm bắn lên đến 13.000km và có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân.

Truyền thông Triều Tiên cũng không ngần ngại tiết lộ việc phát triển một mẫu tên lửa hành trình tầm xa sẽ mang đến cho nước này một phương án răn đe khác trước các cuộc tập trận mang tính chất thù địch từ Mỹ và Hàn Quốc.

Các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên đã bị đình trệ kể từ khi hội nghị thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump sụp đổ vào năm 2019. Khi đó, Washington đã bác bỏ yêu cầu của Bình Nhưỡng về việc hủy bỏ các lệnh trừng phạt để đổi lấy thỏa thuận cắt giảm một phần kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Cho đến nay, Triều Tiên vẫn bác bỏ lời kêu gọi đàm phán từ chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Ngày đăng: 15:49 | 14/09/2021

/ vtc.vn