Nhiều khu vực trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đang chịu đợt hạn hán và dự báo sẽ diễn ra khốc liệt trong mùa khô năm nay. Thời điểm này, đã có hàng chục nghìn hécta cây trồng thiếu nước, nhiều diện tích đã bị thiệt hại nặng nề. Trong khi đó, lượng nước ở các hồ, đập chứa, sông suối đạt rất thấp so với bình quân nhiều năm.
Xơ xác vùng nguyên liệu mía
Trái ngược cảnh tấp nập thu hoạch trên những cánh đồng mía bạt ngàn ở các huyện phía Đông tỉnh Gia Lai: Đăk Pơ, Kbang và thị xã An Khê vào những năm trước thì giờ đây nhiều ruộng mía chỉ lúp xúp cao quá đầu người. Ngay trên địa bàn Nhà máy đường An Khê (thuộc Công ty Cổ phần đường Quảng Ngãi) tại thị xã An Khê cũng thiếu nguyên liệu trầm trọng… Đợt nắng hạn kéo dài từ năm 2019 đến nay đã khiến cả một vùng Đông Gia Lai khô khát. Thiếu nước, cây mía còi cọc và không thể phát triển.
Cố gắng nhặt nhạnh trên cánh ruộng mía rộng trên 1ha, ông Nguyễn Hồng Phong (P.An Phước, thị xã An Khê) cũng chỉ thu được những cây mía dài hơn 0,5m. Những năm trước đây, ruộng mía của gia đình ông cũng cho thu hoạch trên 60 tấn mía cây nhưng giờ này cố lắm chỉ khoảng 20 tấn. Xung quanh đó, nhiều ruộng mía gần như bỏ mặc không thu hoạch bởi không đủ tiền thuê nhân công chặt mía.
Ông Phong lo lắng: “Tính ra 1ha mía thì tiền chăm sóc, phân bón khoảng 20 triệu đồng mà giờ bán mía đi chỉ thu lại khoảng 7-8 triệu đồng thôi. Giá đường giảm giờ hạn hán thế này thì bà con lỗ lắm”.
Thống kê trên địa bàn thị xã An Khê cho thấy, niên vụ mía năm nay, diện tích mía trên địa bàn có khoảng 3.000ha nhưng đa phần đều bị ảnh hưởng nặng nề do hạn hán. Những năm trước, sản lượng mía của địa phương ước khoảng 60 tấn/ha thì năm nay năng suất giảm xuống ½ khi chỉ còn khoảng 25-30 tấn/ha. Trong khi đó, theo thống kê của Nhà máy đường An Khê thì vùng nguyên liệu của nhà máy với diện tích khoảng 22.000ha thì đã có đến 7.000ha bị thiệt hại nghiêm trọng do nắng hạn khi năng suất giảm khoảng 50%, diện tích còn lại cũng bị ảnh hưởng khi năng suất giảm từ 20-30%. Còn trên địa bàn huyện Kbang, nắng hạn đã ảnh hưởng trên 4.000ha mía, trong đó thiệt hại từ 30-70% là trên 3.300ha, thiệt hại trên 70% là gần 7.00ha.
Ông Nguyễn Hoàng Phước - Phó Giám đốc Nhà máy đường An Khê - đánh giá: Hạn hán khiến năng suất mía giảm, trong khi công suất nhà máy đưa ra là 18.000 tấn mía/ngày thì lượng mía tối thiểu cho vụ năm nay phải từ 1,8 - 2 triệu tấn mía. Thế nhưng, với sản lượng mía toàn vùng hiện nay dự kiến chỉ khoảng 700.000 tấn mía, thấp hơn trên 60% so với vụ mía trước. “Với tình trạng thiếu hụt này, chắc chắn nhà máy hoạt động không hiệu quả” - ông Phước khẳng định.
Sông khô, hồ cạn
Hồ chứa thủy điện Ka Nak (thuộc Công ty thủy điện An Khê - Ka Nak) - đầu nguồn sông Ba (trên địa bàn huyện Kbang) cũng bị ảnh hưởng trầm trọng dù đây là một trong những hồ chứa có dung tích lớn ở Tây Nguyên. Tình trạng hạn hán kéo dài khiến các nguồn nước bổ sung vào dòng sông Ba đổ về hồ chứa bị hao hụt, khiến mực nước hồ xuống mức thấp kỷ lục kể từ khi hoạt động đến nay.
Phía Công ty thủy điện An Khê - Ka Nak cho biết, hiện hồ chứa Ka Nak chỉ còn khoảng 30 triệu mét khối nước, tương đương khoảng 11% theo thiết kế. Với tình trạng nắng hạn còn kéo dài, lượng nước trong hồ Ka Nak còn dự báo sẽ xuống thấp hơn nữa.
Cũng trên dòng sông Ba, nhà máy thủy điện An Khê đã dừng việc phát điện hơn 1 năm qua để đảm bảo quy trình mực nước đạt 427m tại hồ chứa nhằm phục vụ nguồn nước sinh hoạt và xả về hạ du. Đồng thời, phía Nhà máy thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc vận hành tiết kiệm nước một cách tối đa nhằm dành nước phục vụ cho dân sinh vào mùa khô 2019 trên địa bàn Tây Nguyên. Theo đó, tại khu vực hồ An Khê luôn xả nước về hạ du sông Ba không dưới 4m3/s.
Theo thống kê của Đài khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên, lượng chảy trên các sông ở Tây Nguyên đều ở mức thấp hơn so với trung bình cùng kỳ năm trước. Trong đó, các sông ở khu vực Bắc Tây Nguyên đều ở mức thấp 25-65%. Nhiều khu vực phía Đông, Đông Nam tỉnh Gia Lai trong nhiều tháng qua không hề có giọt mưa nào. Điều đó, dự báo một mùa khô khốc liệt và thiệt hại càng lớn hơn.
Tại địa bàn tỉnh Gia Lai, đến thời điểm này đã có những thiệt hại do hạn hán gây ra. Trong vụ Đông Xuân 2019 - 2020, tổng diện tích cây trồng bị thiệt hại là trên 1.020ha, trong đó cây lúa thuần là trên 1.000ha. Hầu hết, các diện tích bị thiệt hại trên đều nằm ngoài khu vực tưới của công trình thủy lợi. Bên cạnh đó, tại địa bàn huyện Kbang đã xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt với trên 380 hộ gia đình, 235 giếng nước bị cạn và 3 công trình cấp nước sinh hoạt khác bị thiếu nước.
Còn theo Đài Khí tượng thủy văn Đắk Lắk, nhiều tháng qua trên địa bàn tỉnh không có mưa. Dòng chảy trên các sông lớn, như: Krông Ana, Krông Búk thiếu hụt từ 50-70% so với trung bình nhiều năm. Với tình hình thực trạng nguồn nước như hiện nay và đến giữa tháng 4-2020, nếu không có mưa dự kiến tỉnh Đắk Lắk sẽ có khoảng 30.000ha cây trồng bị thiếu nước tưới, trong đó có khoảng 2.000ha mất trắng.
Trong những năm qua, Tây Nguyên đang đối mặt với những đợt hạn hán, kỷ lục là năm 2016 đã gây thiệt hại lớn cho các tỉnh, trong đó riêng tỉnh Gia Lai ước tính thiệt hại khoảng 150 tỉ đồng. Nỗi lo về mùa khô vẫn đang hiện hữu nơi đây khi hàng chục nghìn hécta cây trồng vẫn bị đe dọa thiếu nước. Điều đó càng lo ngại hơn khi lưu vực các dòng sông đang bị thiếu hụt nước, các hồ chứa khô khát, minh chứng rõ ràng cho việc biến đổi khí hậu, hạn hán ở Tây Nguyên đang diễn ra ngày càng khốc liệt, nghiêm trọng hơn.
Minh Tân
Tây Nguyên đối mặt với đợt hạn hán khốc liệt
Nhiều khu vực trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đang chịu đợt hạn hán và dự báo sẽ diễn ra khốc liệt trong mùa ... |
Ngày đăng: 09:38 | 01/04/2020
/ laodong.vn