Người có tiền không thể chấp nhận chuyện xếp hàng từ 5-6h sáng để vào khám, nằm viện 2-3 người một giường, thái độ phục vụ thiếu chu đáo...
Trong khi Việt kiều, người nước ngoài đổ về Việt Nam ngày một nhiều để chữa bệnh thì mỗi năm, người Việt lại chi hàng tỷ USD để xuất ngoại khám, chữa bệnh.
Trao đổi với Đất Việt về thực trạng này, GS.TS Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện K khẳng định, trình độ y tế của Việt Nam ngày càng phát triển, không thua kém so với các nước trong khu vực, cả về tay nghề, chuyên môn, thuốc men...
Thậm chí, trong một số lĩnh vực, nhiều bác sĩ, chuyên gia y tế ở các nước còn sang Việt Nam học tập.
"Đây là điều đáng mừng và cũng là tất yếu vì thời gian qua, y tế Việt Nam được đầu tư rất nhiều. Bản thân người Việt Nam cũng chịu khó học tập, đặc biệt trong tay nghề phẫu thuật, bàn tay cùa các phẫu thuật viên Việt Nam rất khéo léo, thầy thuốc Việt Nam thông minh, chịu khó nên tiếp thu được các kỹ thuật mũi nhọn.
Đối với một số căn bệnh "thời đại" như tim mạch, ung thư..., các trang thiết bị tầm soát, điều trị, thuốc men Việt Nam sắm về hầu hết đều của các nước tiên tiến trên thế giới như G7", GS.TS Nguyễn Bá Đức nói.
Chẳng hạn, với bệnh ung thư, Việt Nam đã có nhiều phương pháp tiên tiến để tầm soát và phát hiện ung thư sớm như nội soi dạ dày, cuống phổi, ruột, các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, cắt lớp điện toán (CT), cộng hưởng từ (MRI) và PET /CT...
Các phương pháp điều trị đã được nâng cấp đáng kể với các liệu pháp hiện đại và đa dạng gồm phẫu trị, xạ trị, hóa trị và sinh trị (liệu pháp nhắm trúng đích và liệu pháp miễn dịch).
Cả nước đã có nhiều máy xạ trị gia tốc hiện đại. Các phương pháp mới gọi chung là sinh trị gồm liệu pháp nhắm trúng đích đã được áp dụng và liệu pháp miễn dịch thành tựu nóng hổi cũng bắt đầu được dùng.
Dù trình độ chữa bệnh trong nước không thua kém, máy móc hiện đại, những loại thuốc chất lượng thế giới dùng Việt Nam cũng dùng trong khi chi phí chữa bệnh chênh lệch hơn rất nhiều, nhưng người giàu ở Việt Nam vẫn ra nước ngoài khám, chữa bệnh.
Điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện K Trung ương. Ảnh: GĐ&XH
Lý giải điều này, bên cạnh những lý do như tâm lý sính ngoại, thích thể hiện..., GS.TS Nguyễn Bá Đức chỉ ra những điều mà người có tiền không chấp nhận ở các cơ sở y tế Việt Nam.
Đó là điều kiện phục vụ ở các cơ sở y tế của Việt Nan còn yếu kém và thường xuyên bị quá tải. Sự quá tải dẫn đến nhiều hậu quả: bệnh nhân phải chờ đợi, tinh thần, thái độ phục vụ không được chu đáo, điều kiện ăn ở, vệ sinh không đảm bảo...
"Người có tiền không chấp nhận cảnh đứng xếp hàng từ 5-6h sáng để chờ đến lượt khám bệnh, đến lượt khám cũng chỉ được 1-2 phút, muốn hỏi gì thì bác sĩ cũng không có thời gian để giải thích.
Chưa kể, vào viện phải nằm ghép 2-3 người một giường, đó là điều không thể chấp nhận được trong thời đại này, nhất là với người có tiền.
Bởi những yếu kém này mà mỗi năm Việt Nam mất chừng 2 tỷ USD vì người Việt ra nước ngoài chữa bệnh", Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam giải thích.
Ở chiều ngược lại, số lượng Việt kiều, người nước ngoài đổ về Việt Nam khám, chữa bệnh ngày càng đông, theo GS.TS Nguyễn Bá Đức, ngoài yếu tố trình độ bác sĩ Việt Nam không thua kém, quan trọng là chi phí khám, chữa bệnh ở Việt Nam rẻ hơn nhiều so với các nước khác.
Chẳng hạn, bà con Việt kiều ở nước ngoài nếu không có bảo hiểm y tế thì việc chữa bệnh đem lại gánh nặng chi phí lớn cho họ. Bà con về Việt Nam chữa bệnh có thể kết hợp với thăm người thân, trong khi chi phí dịch vụ như giường VIP, phòng dịch vụ lại không đáng bao nhiêu tiền...
Từ những thực tế trên, nhắc đến mục tiêu trở thành điểm đến du lịch chữa bệnh mà Việt Nam đang hướng tới, GS.TS Nguyễn Bá Đức nhấn mạnh, Việt Nam phải cải thiện rất nhiều điều.
Với ngành du lịch, dù Việt Nam có phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, bờ biển dài, nhiều hang động... nhưng theo vị chuyên gia, cũng giống như y tế, điều kiện hạ tầng, phục vụ cho du lịch nhiều nơi còn thiếu thốn, không đồng bộ. Chưa kể nạn đeo bám chặt chém khách, thái độ phục vụ thiếu cởi mở.
"Tài nguyên du lịch Việt Nam phong phú và toàn diện hàng đầu Đông Nam Á, tuy nhiên, thành tựu đạt được lại chưa bằng một số quốc gia láng giềng dù tiền năng du lịch của các nước không bằng, thậm chí kém hơn.
Đã từng có một con số thống kê được đưa ra, đó là 80% khách du lịch không quay trở lại Việt Nam.
Bởi điều kiện du lịch cộng với điều kiện về y tế còn nhiều hạn chế như trên nên người Việt đổ ra nước ngoài du lịch chữa bệnh cũng là điều có thể hiểu được.
Muốn thay đổi hiện thực này không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành y tế. Chúng ta còn phải phấn đấu rất nhiều về cơ sở hạ tầng, tinh thần, thái độ phục vụ", GS.TS Nguyễn Bá Đức kết luận.
Xuất ngoại chữa bệnh: Khi người giàu không chấp nhận
Người có tiền không thể chấp nhận chuyện xếp hàng từ 5-6h sáng để vào khám, nằm viện 2-3 người một giường, thái độ phục ... |
Người nước ngoài đổ về Việt Nam chữa bệnh: Điều lạ là...
Bộ Y tế đang muốn thu hút người nước ngoài đến Việt Nam chữa bệnh và giữ chân người bệnh giàu có ở lại điều ... |
Người nước ngoài đổ về Việt Nam chữa bệnh: Điều lạ là...
Bộ Y tế đang muốn thu hút người nước ngoài đến Việt Nam chữa bệnh và giữ chân người bệnh giàu có ở lại điều ... |
PV GAS phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tổ chức khám chữa bệnh miễn phí tại Xuyên Mộc, Bà Rịa – Vũng Tàu
Nằm trong chương trình hoạt động an sinh xã hội của Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS), nhằm tăng cường công tác đền ... |
Ngày đăng: 14:27 | 18/01/2019
/ http://baodatviet.vn