Cuộc khủng hoảng nhà ở của Tây Ban Nha đã chuyển từ một thách thức xã hội thành vấn đề chính trị nóng bỏng khi chi phí tăng cao và việc định hình lại phân khúc bất động sản ở một số thành phố lớn đang đe dọa tạo ra sự chênh lệch khó có thể khỏa lấp.

nha-o.jpg
Giá thuê, mua nhà ở nhiều thành phố lớn của Tây Ban Nha đang tăng mạnh.

Các thành phố trên khắp Tây Ban Nha đang cùng “kể” một câu chuyện về sự chuyển đổi nhanh chóng do đầu cơ bất động sản và sự bùng nổ của các căn hộ du lịch. Tiền thuê nhà cao đẩy cư dân và các doanh nghiệp truyền thống ra đi. Những người dân ở lâu năm trong các khu phố nội đô nhường chỗ cho các chuỗi kinh doanh toàn cầu, cửa hàng lưu niệm, quán bánh mì ăn nhanh và tiệm làm móng.

Cuộc khủng hoảng nhà ở tại Tây Ban Nha thông qua các số liệu thống kê cũng gây sốc không kém. Tiền thuê nhà tăng tới 80% trong 1 thập kỷ, vượt xa mức tăng lương. Một báo cáo gần đây của Ngân hàng Tây Ban Nha ước tính rằng, gần một nửa số người thuê nhà tại đất nước này phải chi 40% thu nhập của họ cho chỗ ở và hóa đơn tiện ích, trong khi mức trung bình của Liên minh châu Âu (EU) là 27%.

Ignasi Marti, Giám đốc đơn vị đổi mới xã hội của Trường Kinh doanh Esade tại Barcelona và là người đứng đầu đơn vị quan sát thực trạng nhà ở cho biết: "Nguồn cung không có, mọi người không thể tiếp cận nhà ở và việc nhiều người phải sống trong các bất động sản không đủ tiện ích đã trở nên bình thường trong vài năm qua".

Vấn đề này đã chi phối chương trình nghị sự chính trị của Tây Ban Nha trong năm 2024. Mối lo ngại về tình trạng du lịch quá mức - chủ yếu là do tác động bóp méo của nó đối với thị trường nhà ở - đã dẫn đến một loạt các cuộc biểu tình lớn phản đối tác động của tăng trưởng “nóng” ngành Du lịch đối với thị trường nhà ở trên khắp Tây Ban Nha và các cuộc tuần hành đòi nhà ở giá rẻ tại Madrid, Barcelona cùng các thành phố khác. Chính phủ Tây Ban Nha đã phải tuyên bố "tình trạng khẩn cấp về nhà ở".

Để giải quyết cuộc khủng hoảng, đầu tuần này, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã công bố kế hoạch 12 điểm bao gồm các ưu đãi cho việc thuê nhà giá rẻ, các quy định chặt chẽ hơn đối với căn hộ du lịch và đáng chú ý là đề xuất đánh thuế 100% đối với việc mua bất động sản của cư dân ngoài EU. Chỉ tính riêng năm 2023, những người không phải cư dân EU đã mua khoảng 27.000 ngôi nhà và căn hộ ở Tây Ban Nha không phải để sống mà phục vụ mục đích đầu cơ.

Ngoài ra, chính phủ còn cho phép giới hạn giá thuê nhà ở một số khu vực, đồng thời chuyển nhượng 3.300 ngôi nhà và 2 triệu mét vuông đất cho một công ty đại chúng mới thành lập để xây dựng hàng nghìn căn hộ nhà ở xã hội giá rẻ cho người trẻ và gia đình.

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cũng đề xuất các ưu đãi với những người cho thuê bất động sản trống với giá cả phải chăng, cũng như thuế suất cao hơn và quy định chặt chẽ hơn đối với các căn hộ du lịch.

Theo ông Pedro Sanchez, cách tiếp cận theo định hướng thị trường của chính phủ từ năm 2008 đến 2018 đã gây ra những tác động tiêu cực. Ông cũng lưu ý rằng, Tây Ban Nha tụt hậu rất xa so với các nước láng giềng của châu Âu về nhà ở xã hội, với chỉ 2,5% quỹ nhà ở được chỉ định là nhà ở xã hội, so với 14% của Pháp và 34% của Hà Lan.

Thủ tướng Tây Ban Nha cảnh báo, nếu chính phủ không kịp thời hành động, xã hội Tây Ban Nha sẽ chia thành 2 loại: Những người nhận được thừa kế một hoặc nhiều ngôi nhà từ cha mẹ và có thể chi phần lớn thu nhập của mình cho những lĩnh vực như giáo dục, du lịch...; và những người dành cả đời làm việc chỉ để trả tiền thuê nhà và cuối cùng trở thành người già vô gia cư.

Ban đầu, cuộc khủng hoảng nhà ở chủ yếu ảnh hưởng đến các tầng lớp xã hội dễ bị tổn thương, nhưng hiện tại đang tác động mạnh mẽ đến tầng lớp lao động và giới trung lưu.

Về mặt chính trị, đây là những cử tri tiềm năng có thể quyết định “số phận” các đảng phái trong cuộc bầu cử nhiệm kỳ tới. Nhà ở cũng là chủ đề chính để các đảng khai thác và tìm kiếm phương pháp thuyết phục các cử tri.

Đúng như Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez nói: “Chúng ta đang phải đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng, có tác động to lớn đến kinh tế - xã hội, đòi hỏi toàn thể phải có phản ứng quyết liệt, trong đó, các thể chế công phải đi đầu”.

 

Ngày đăng: 14:20 | 23/01/2025

Quỳnh Dương / HNM