Nhóm tác chiến tàu sân bay Sơn Đông hoàn thành đợt diễn tập trên Biển Đông, nhưng quân đội Trung Quốc không cho biết vị trí cụ thể.
Hải quân Trung Quốc hôm nay thông báo nhóm tác chiến tàu sân bay Sơn Đông đã tiến hành đợt diễn tập trên Biển Đông, cho rằng đây là hoạt động huấn luyện bình thường và nằm trong kế hoạch hoạt động thường niên của lực lượng này.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc không cho biết vị trí và thời điểm diễn tập, thêm rằng những hoạt động tương tự sẽ được tiến hành trong tương lai theo kế hoạch.
Tàu Sơn Đông chạy thử trên biển hồi tháng 6/2020. Ảnh: CCTV. |
Ảnh chụp vệ tinh hôm 28/4 cho thấy tàu Sơn Đông rời quân cảng Du Lâm trên đảo Hải Nam và tiến về phía đông bắc Biển Đông, trong khi hình ảnh sau đó một ngày cho thấy nó di chuyển về hướng đông, cách đảo Hải Nam hơn 200 km về phía đông.
Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 29/4, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt khẳng định "lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông là rõ ràng và nhất quán" khi được hỏi về hoạt động của tàu Sơn Đông trên Biển Đông.
"Mọi hoạt động trên biển cần được tiến hành trên cơ sở Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển tại các vùng biển được xác lập phù hợp với công ước. Việt Nam mong rằng các nước sẽ nỗ lực đóng góp để thực hiện mục tiêu và nguyện vọng chung của các quốc gia trong khu vực và cộng đồng quốc tế về duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và thượng tôn pháp luật tại Biển Đông", ông Việt cho hay.
Tàu Sơn Đông ở phía đông đảo Hải Nam hôm 29/4. Ảnh: ESA. |
Sơn Đông là tàu sân bay thuộc lớp Type-001A, được đưa vào biên chế hải quân Trung Quốc cuối tháng 12/2020. Đây là tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc tự thiết kế và chế tạo.
Tàu Sơn Đông được khởi đóng năm 2015 dựa trên thiết kế của Liêu Ninh, tàu sân bay được Trung Quốc mua từ Ukraine năm 1998 rồi hoán cải và đưa vào hoạt động năm 2012. Trung Quốc ban đầu định biên chế tàu Sơn Đông đầu năm 2019, nhưng một loạt sự cố trong thử nghiệm khiến tiến độ bàn giao tàu bị chậm 8 tháng.
Các chuyên gia quân sự chỉ ra rằng Sơn Đông vẫn còn tồn tại nhiều điểm yếu lớn về thiết kế và đặc tính kỹ chiến thuật, khiến nó khó có thể hoạt động dài ngày trên biển.
Hải quân nước này nhiều khả năng khó có thể xây dựng được không đoàn tàu sân bay và các tàu hậu cần, hộ tống để bảo vệ tàu Sơn Đông hoạt động trong tương lai gần. Việc sử dụng động cơ diesel khiến tàu ngốn rất nhiều nhiên liệu, phụ thuộc lớn vào tàu hậu cần, trong khi thiết kế cầu nhảy hạn chế đáng kể khả năng tác chiến của tiêm kích hạm J-15, vốn đã rất nặng nề và hoạt động chưa ổn định.
Vũ Anh (Theo Reuters)
Chiến hạm Nhật Bản áp sát tàu sân bay Trung Quốc
Truyền thông Nhật Bản công bố hình ảnh cho thấy chiến hạm nước này di chuyển gần tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc ... |
Ba chiến hạm Mỹ bám đuôi tàu sân bay Trung Quốc trên Biển Đông
Thủy thủ Mỹ đăng video tiêm kích đáp xuống tàu sân bay Liêu Ninh, trong khi ảnh vệ tinh cho thấy 3 chiến hạm Mỹ ... |
Thuyền trưởng tàu Mỹ gác chân thảnh thơi theo dõi tàu sân bay Trung Quốc
Bức ảnh Hải quân Mỹ đăng tải gửi đi thông điệp rõ ràng rằng họ nắm đầy đủ thông tin và theo sát hành trình ... |
Tàu sân bay Trung Quốc vào Biển Đông
Tàu sân bay Liêu Ninh cùng chiến hạm hộ tống tiến vào Biển Đông hôm 10/4 và hiện diện ngoài khơi quần đảo Đông Sa ... |
Ngày đăng: 17:32 | 02/05/2021
/ vnexpress.net