Tàu ngầm hạt nhân lớp Lyra có thể đạt tốc độ gần 76 km/h, nhanh hơn cả ngư lôi đời cũ và mọi tàu ngầm khác của NATO.

tau ngam lien xo chay nhanh hon ca ngu loi

Một tàu ngầm lớp Lyra của Liên Xô hoạt động trên biển. Ảnh: H.I. Sutton.

Giới quân sự nhận định rằng Liên Xô chậm chân hơn Mỹ về công nghệ tàu ngầm khi bước vào thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Dù Liên Xô thu được được một số loại tàu ngầm tiên tiến nhất của Đức quốc xã vào giai đoạn cuối Thế chiến II, Mỹ mới là nước tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong thực tiễn hoạt động tàu ngầm và chống ngầm từ mặt trận Thái Bình Dương và Đại Tây Dương.

Sau khi Mỹ làm chủ công nghệ động cơ hạt nhân trang bị trên tàu ngầm với sự ra đời của chiếc USS Nautilus, Liên Xô thúc đẩy quá trình nghiên cứu, chế tạo loại tàu ngầm hiện đại này. Sau vài thiết kế ban đầu không mấy thành công, Moskva quyết định thực hiện một dự án đầy táo bạo, đó là chế tạo một chiếc tàu ngầm có thể di chuyển nhanh hơn và lặn sâu hơn bất kỳ tàu ngầm nào của NATO, đồng thời sử dụng thiết kế thân vỏ độc đáo, lò phản ứng thế hệ mới và nhiều đột phá về vật liệu chế tạo.

Kết quả của dự án này là sự ra đời của Đề án 705 Lyra (NATO định danh Alfa), lớp tàu ngầm hạt nhân Liên Xô nhanh nhất thế giới, có thể đe dọa lợi thế của hải quân NATO và thách thức tham vọng thống trị đại dương của phương Tây.

Tàu ngầm Lyra có thân vỏ bằng titan, giúp nó đạt tốc độ cao và lặn sâu. Nhờ trang bị các công nghệ tự động hóa tiên tiến, tàu có thủy thủ đoàn ít người hơn so với các tàu ngầm cùng loại, giúp tăng tốc độ phản ứng nhanh của thủy thủ trong tình huống chiến đấu, nhưng lại khiến công tác sửa chữa và bảo trì trên biển trở nên khó khăn hơn.

Để đạt được tốc độ cao, Lyra sử dụng thiết kế lò phản ứng nhanh làm mát bằng chì (LFR) có kích thước nhỏ gọn nhưng vẫn tạo ra nguồn năng lượng rất lớn. Tuy nhiên, công nghệ này cũng đặt ra nhiều vấn đề về bảo trì kỹ thuật và chỉ một vài trong số đó có thể được khắc phục khi hoạt động trên biển. Ngay cả khi tàu đậu ở căn cứ, hải quân Liên Xô cũng gặp nhiều khó khăn trong việc bảo dưỡng, duy trì hoạt động của tàu ngầm Lyra.

Lớp tàu ngầm này có thể di chuyển với tốc độ 41 knot (gần 76 km/h) khi lặn và độ sâu ít nhất 670 m, sâu hơn nhiều so với bất kỳ tàu ngầm phương Tây nào cho đến tận ngày nay.

tau ngam lien xo chay nhanh hon ca ngu loi

Khoang chỉ huy trên tàu ngầm lớp Lyra. Ảnh: H.I. Sutton.

Tốc độ và độ sâu lặn kỷ lục cho phép nó tránh được hầu hết các ngư lôi NATO thời đó. Vì kích thước nhỏ, tàu ngầm Lyra mang theo chỉ 18-21 ngư lôi và tên lửa hành trình, ít hơn hầu hết các tàu ngầm khác của Liên Xô, nhưng vẫn đủ để gây thiệt hại nặng nề cho một nhóm tác chiến tàu mặt nước của NATO nếu xung đột nổ ra.

Tuy nhiên, tàu vẫn tồn tại không ít hạn chế, đặc biệt là độ ồn cao khi hoạt động nên dễ bị phát hiện. Dù vậy, khả năng lặn sâu giúp tàu "tàng hình" trước đối phương và quan trọng hơn là tốc độ cao giúp tàu Lyra có thể qua mặt phần lớn vũ khí chống ngầm của NATO thời đó, khiến chúng rất khó bị truy đuổi và tiêu diệt.

Lo lắng trước các tính năng của tàu Lyra, hải quân Mỹ và Anh lập tức bắt tay vào phát triển các chương trình chế tạo cảm biến và khí tài có khả năng phát hiện, khắc chế loại tàu ngầm này.

Những nỗ lực này đã tạo ra một số vũ khí đáng kể, bao gồm siêu ngư lôi Mark 48 ADCAP với tốc độ tối đa 63 knot (117 km/h) của Mỹ hay ngư lôi Spearfish của Anh với tốc độ tối đa 80 knot (148 km/h). 

Mỹ cũng theo đuổi Chương trình tên lửa chống ngầm siêu thanh UUM-125 "Sea Lance", nhưng cuối cùng hủy bỏ dự án do chi phí cao, gần như cùng thời điểm Liên Xô loại biên tàu ngầm Lyra sau nhiều khó khăn gặp phải trong quá trình vận hành.

Tàu ngầm có biệt danh Cá vàng này ngốn khá nhiều ngân sách quốc phòng của Moskva, nhưng thường tỏ ra không đáng tin cậy trong vận hành và công tác bảo trì thường xuyên rất tốn kém và phức tạp. Hải quân Liên Xô chưa được huấn luyện chuyên sâu để khai thác tàu cũng như thiếu các trang thiết bị để duy trì trạng thái sẵn sàng chiến đấu cho tàu.

Trái ngược với hầu hết các dự án tàu ngầm thời Chiến tranh Lạnh khác, Liên Xô chỉ chế tạo 7 chiếc tàu lớp Lyra, trong đó có một nguyên mẫu dùng để thử nghiệm. Chiếc đầu tiên này đã bị loại biên vào năm 1974, những chiếc khác bị dừng hoạt động, loại biên và tháo dỡ vào giữa thập niên 1990.

Tuy nhiên, Liên Xô và Nga sau này đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm từ dự án Lyra. Các tàu ngầm lớp Barracuda đầu những năm 1980 đã áp dụng một số tính năng của Lyra, trong đó có công nghệ thân vỏ bằng titan. Barracudas hoạt động yên tĩnh hơn nhiều so với Lyra và có thể thực hiện một loạt nhiệm vụ đa dạng hơn. Các tàu ngầm tấn công lớp Shchuka cũng áp dụng nhiều kỹ thuật tự động hóa từ thời Lyra.

tau ngam lien xo chay nhanh hon ca ngu loi

Tàu ngầm lớp Shchuka ứng dụng nhiều công nghệ tự động hóa của Lyra. Ảnh: RussianNavy.

Huyền thoại công nghệ một thời của Liên Xô đã được Nga ứng dụng vào các tàu ngầm tấn công hạt nhân thế hệ mới như lớp Yasen. Một số nguồn tin gần đây tiết lộ rằng Nga có thể hồi sinh mẫu Lyra bằng một lớp tàu ngầm mới, sử dụng công nghệ hiện đại để giải quyết các vấn đề phát sinh trước đây.

Minh An (Theo National Interest)

tau ngam lien xo chay nhanh hon ca ngu loi Tàu ngầm hạt nhân Anh bị dọa đánh bom

Cảnh sát Anh được điều động đến một xưởng đóng tàu ngầm hạt nhân sau cảnh báo có bom nhưng không phát hiện điều gì ...

tau ngam lien xo chay nhanh hon ca ngu loi Tàu ngầm Iran phát nổ, 3 người thiệt mạng

Hệ thống pin của một tàu ngầm phát nổ khiến 3 người được cho là nhân viên kỹ thuật thiệt mạng tại xưởng đóng tàu ...

Ngày đăng: 11:37 | 21/04/2019

/ https://vnexpress.net