Đến thời điểm hiện tại, 21 quận, huyện và TP Thủ Đức đã đề nghị công bố kiểm soát được dịch COVID-19, thế nhưng TP.HCM vẫn chưa thể bình thường mới hoàn toàn.
Tại họp báo thông tin tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM, diễn ra hôm 11/10, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống, dịch COVID-19 TP.HCM cho biết, 21 quận, hyện và TP Thủ Đức đã đề nghị công bố kiểm soát được dịch COVID-19 theo Quy định 3979 của Bộ Y tế (Hướng dẫn tạm thời về thích ứng an toàn với dịch COVID-19).
Tuy nhiên, theo ông Hải, số ca mắc mới trong cộng đồng còn cao, do đó người dân vẫn phải cảnh giác và không được chủ quan, chưa thể bình thường trở lại.
“Tiếp tục thực hiện tốt tinh thần của Chỉ thị 18 vì thành phố vẫn còn nhiều ca F0 trong cộng đồng, người dân cần điều chỉnh thói quen, sống thích ứng an toàn”, ông Hải nhấn mạnh.
Đường Nguyễn Văn Cừ, quận 5. |
Như vậy, tất cả các địa phương trên địa bàn TP.HCM cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19 nhưng chưa thể bình thường mới.
Theo hướng dẫn tạm thời của Bộ Y tế, có 3 tiêu chí bắt buộc phân loại cấp độ dịch là: số ca mắc mới/100.000 dân/1 tuần không bao gồm ca nhập cảnh, ca mắc trong cơ sở cách ly tập trung; tỷ lệ người ở độ tuổi tiêm chủng được tiêm ít nhất 1 liều vaccine; tỉnh, thành phố có kế hoạch thu dung, điều trị và đảm bảo số giường hồi sức cấp cứu.
Trong đó, 2 tiêu chí phân loại quan trọng là tỷ lệ mắc mới và tiêm vaccine. Cụ thể như sau:
Vùng xanh (cấp 1 - bình thường mới): ở cấp xã hoặc phạm vi nhỏ hơn, số ca mắc dưới 20 ca/tuần, trên 70% người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều vaccine. Nếu số ca mắc từ dưới 20 đến 50 ca/tuần nhưng người từ 18 tuổi đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine cũng xếp là vùng xanh.
Vùng vàng (cấp 2 - nguy cơ trung bình): số ca mắc từ 20 - 50 ca/tuần, tỷ lệ tiêm chủng trên 70%.
Vùng cam (cấp 3 - nguy cơ cao): số ca mắc 50 - 150 ca/tuần, tỷ lệ tiêm chủng dưới 70%. Nếu tỷ lệ tiêm chủng trên 70% xếp ở mức 2.
Vùng đỏ (cấp 4 - nguy cơ rất cao): số ca mắc trên 150 ca/tuần, tỷ lệ tiêm vaccine dưới 70%. Nếu tỷ lệ tiêm vaccine trên 70% xếp ở mức 3.
Theo số liệu thống kê của Chi cục dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM tháng 6/2021, TP.HCM có trên 9,1 triệu dân. Với số dân này, nếu tính tổng số ca mắc mới/tuần, TP.HCM xếp ở cấp 3 - nguy cơ cao (vùng cam).
Cụ thể theo số liệu số ca mắc mới tại thành phố do Bộ Y tế công bố, tuần từ 8/10-14/10 có tổng số ca mắc mới là 9.560 người (số ca/ngày lần lượt là 2.215 ca, 1.662, 1.067, 1.527, 1.018, 1.162, 909). Trong khoảng thời gian trên, trung bình TP.HCM có khoảng 1.365 ca/ngày, số ca mắc mới/1 tuần/100.000 dân là khoảng 105 người. Do đó, thành phố không đạt tiêu chí bình thường mới dưới 20 ca/tuần/100.000 dân.
Sang tháng 10, đường phố ở TP.HCM bắt đầu đông đúc trở lại. |
Mặt khác, theo số liệu Sở Y tế TP.HCM công bố, số ca mắc mới của thành phố đang có chiều hướng giảm (cụ thể ngày 1/10 có hơn 3.600 ca mắc mới nhưng đến ngày 14/10 chỉ còn 909 ca). Nhưng thực tế để toàn TP.HCM tiệm cận với vùng xanh (cấp 1 - bình thường mới - dưới 20 ca/tuần) còn phải chờ thêm một thời gian nữa và phụ thuộc rất nhiều vào tình hình chống dịch.
Xét về tỷ lệ tiêm vaccine, TP.HCM đạt khá cao (số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, mũi 1 đạt 98,4% và mũi 2 đạt 74,5%), cao hơn nhiều so với tiêu chí của Bộ Y tế (trên 70%). Nhưng dựa vào tiêu chí này, TP.HCM chỉ được xếp cấp 2 - nguy cơ trung bình (vùng vàng) do số ca mắc mới/tuần cao.
Như vậy, dù tỷ lệ tiêm vaccine cao vượt tiêu chí của Bộ Y tế, các địa phương đã đề nghị công bố kiểm soát dịch song số ca mắc mới/tuần/100.000 dân của TP.HCM vẫn ở mức 3 con số, cao hơn tiêu chí cấp 1 mà Bộ đưa ra nên TP.HCM vẫn chưa thể trở lại bình thường mới.
Cũng liên quan vấn đề này, ngày 14/10, Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khoá XI nhiệm kỳ 2020-2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 9.
Trao đổi với báo chí bên lề hội nghị, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, hiện Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Dựa theo Nghị quyết này, TP.HCM sẽ đánh giá cấp độ dịch bệnh ở các địa phương.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi. |
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, đến tháng 11, thành phố cũng chưa thể bình thường mới hoàn toàn.
Tới đây, thành phố sẽ lập các tổ công tác để đánh giá lại tình hình dịch bệnh tại thành phố và tổ chức hội nghị tổng kết triển khai công tác phòng chống dịch và phục hồi kinh tế trong thời gian tới.
"Đầu tiên thành phố phải đánh giá cấp độ dịch theo hướng dẫn của Chính phủ, xác định các hoạt động theo các cấp độ. Tuy nhiên, thành phố phải xét trong bối cảnh cục bộ và toàn diện của TP.HCM để tổ chức hoạt động trên cơ sở hướng dẫn", ông Phan Văn Mãi nói.
Chủ tịch TP.HCM cho biết thêm, từ hướng dẫn của Chính phủ, TP.HCM sẽ cập nhật, nếu cần thiết có thể điều chỉnh một số điểm trong bộ tiêu chí hoạt động cho từng ngành sao cho phù hợp với tình hình thực tế.
Cũng theo Chủ tịch TP.HCM, với dịch bệnh không ai có thể nói trước được điều gì, nhưng tới thời điểm này công tác phòng, chống dịch của thành phố đã đạt được những thành quả nhất định.
"Không thể nói khoảng thời gian nhất định nào thành phố bình thường mới. Điều này phù thuộc vào công tác kiểm soát dịch bệnh của thành phố. Ngay cả khi hiện nay diễn tiến dịch đang theo chiều hướng thuận lợi thì tháng 11, thành phố vẫn chưa thể trở lại bình thường mới hoàn toàn", ông Phan Văn Mãi nói.
Đồng Nai chưa đồng ý cho người lao động đi xe máy di chuyển qua lại với TP.HCM
UBND tỉnh Đồng Nai thống nhất bổ sung phương án cho người lao động đi lại giữa tỉnh và TP.HCM, song chỉ cho phép ô ... |
Chủ tịch TP.HCM: Mong doanh nghiệp đồng hành cùng TP xây dựng, phục hồi kinh tế
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi mong doanh nghiệp tiếp tục đồng hành cùng thành phố xây dựng chiến lược phục hồi kinh tế. |
Ngày đăng: 16:12 | 15/10/2021
/ vtc.vn