Việc sáp nhập các trung tâm, đơn vị sự nghiệp công lập có cùng chức năng quản lý về y tế dự phòng ở địa phương nhằm đảm bảo tinh gọn, hiệu quả, với mong muốn giúp việc phòng chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân được tốt hơn.
 

Ngày 21.8, bên lề hội nghị hướng dẫn thực hiện Thông tư 26/2017/TT-BYT triển khai mô hình tổ chức Trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp tỉnh (CDC) do Bộ Y tế tổ chức, ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế), cho biết CDC cấp tỉnh được tổ chức, sắp xếp trên cơ sở sáp nhập lại các trung tâm, đơn vị sự nghiệp công lập có cùng chức năng quản lý về y tế dự phòng ở địa phương nhằm đảm bảo tinh gọn, hiệu quả.

tap trung mot dau moi kiem soat dich benh
Người dân được chăm sóc sức khỏe tốt hơn sau tinh giản các trung tâm tại tuyến tỉnh, huyện

Việc sáp nhập các đơn vị ở tuyến tỉnh để tổ chức theo mô hình CDC xuất phát từ thực tế tại hầu hết các tỉnh trước đây đều có rất nhiều trung tâm, đơn vị sự nghiệp cùng có chức năng quản lý về y tế dự phòng.

Cụ thể, trung bình 1 tỉnh/TP có khoảng 6 đơn vị, thậm chí có những tỉnh lên tới 9 - 10 đơn vị, cá biệt có tỉnh lên đến 12 đơn vị. Theo ông Tác, ước tính, ở tuyến tỉnh, sau khi sáp nhập, sẽ có khoảng 3.000 giám đốc, phó giám đốc các trung tâm bị “mất ghế” và gần 12.000 cán bộ hành chính sẽ thuộc diện dôi dư.

Trung tâm CDC tuyến tỉnh có chức năng triển khai thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm. Ngoài ra, còn có chức năng phòng chống tác động của các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe; quản lý sức khỏe cộng đồng; khám, phát hiện, điều trị dự phòng và các dịch vụ y tế khác có liên quan trên địa bàn tỉnh, TP trực thuộc T.Ư.

Chăm sóc sức khỏe người dân tốt hơn

GS-TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho rằng việc sáp nhập sẽ tập trung chuyên môn hơn, chuyên sâu hơn do đó người dân sẽ được theo dõi sức khỏe bởi một đơn vị thống nhất, theo hệ thống mà Bộ Y tế chỉ đạo chung.

Theo ông Phạm Văn Tác, với việc tinh giản cán bộ sẽ giảm chi ngân sách nhà nước, tập trung chi cho công tác chuyên môn, nhờ đó người dân được thụ hưởng, được chăm sóc sức khỏe tốt hơn. “Với mô hình CDC, nhiệm vụ chuyên môn là kiểm soát dịch bệnh tập trung một đầu mối. Mô hình này đã được Mỹ thực hiện từ lâu và các nước như Lào, Trung Quốc cũng đã theo mô hình CDC và đã đem lại hiệu quả", ông Tác nói.

Ông Tác cho biết thêm, với tuyến huyện trước đây, bệnh viện huyện và trung tâm y tế dự phòng tách nhau với hai chức năng riêng nhưng cũng thực hiện sáp nhập lại thành trung tâm y tế hai chức năng: vừa khám chữa bệnh vừa làm y tế dự phòng, do một giám đốc điều hành. Mô hình giúp hỗ trợ tương tác chuyên môn với nhau. Việc này sẽ đồng bộ thêm với việc trạm y tế cũng sẽ trực thuộc trung tâm y tế.

Do đó, người đứng đầu trung tâm có quyền điều hành cán bộ lên huyện trong trường hợp tuyến dưới cần học tập nâng cao về tay nghề chuyên môn. Như vậy, y tế cơ sở sẽ được điều hành thống nhất hiệu quả, chất lượng được nâng cao.

http://thanhnien.vn/suc-khoe/tap-trung-mot-dau-moi-kiem-soat-dich-benh-868148.html

Ngày đăng: 15:25 | 22/08/2017

Theo Báo Thanh niên /