Johnson & Johnson, một trong những nhà sản xuất thuốc lớn, đối mặt với vụ kiện liên quan đến đại dịch opioid ở bang Oklahoma.
Trong phiên tòa hôm 28/5, Bộ trưởng Tư pháp bang Oklahoma Mike Hunter cáo buộc Johnson & Johnson đã thực hiện chiến dịch tẩy não, lừa đảo trị giá hàng triệu USD để quảng bá thuốc giảm đau opioid như một loại thuốc thần kỳ, từ đó góp phần dẫn đến đại dịch opioid trên toàn nước Mỹ.
"Đã đến lúc họ chịu trách nhiệm về hành động của mình", ông Hunter nói. Bang Oklahoma yêu cầu Johnson & Johnson đền bù 17,5 tỷ USD.
Theo ông Hunter, từ năm 2007 đến 2017, có 4.653 người dân Oklahoma đã chết vì vô ý dùng quá liều thuốc giảm đau được kê đơn. Từ năm 2012 đến 2018, tiểu bang ghi nhận hơn 28.000 yêu cầu nhập viện điều trị chứng nghiện opioid và heroin.
Năm 2013, Oklahoma đứng thứ bảy danh sách các tiểu bang Mỹ lạm dụng kê thuốc giảm đau cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi. Mỗi năm, hàng trăm trẻ em Oklahoma được chẩn đoán hội chứng cai ở trẻ sơ sinh liên quan đến opioid.
"Không thể hiểu được nỗi đau, nỗi khổ của các gia đình, doanh nghiệp, cộng đồng và cá nhân ở Oklahoma phải gánh chịu", ông Hunter nói. "Tại sao chuyện này lại xảy ra? Rốt cuộc, thưa quý tòa, tôi có một từ ngắn gọn thôi: lòng tham".
Thuốc giảm đau nhóm opioid gây ra khủng hoảng sức khỏe ở Mỹ. Ảnh: CNN.
Johnson & Johnson, nổi tiếng với dầu gội và phấn rôm trẻ em, sản xuất miếng dán fentanyl Duragesic dùng cho những cơn đau nghiêm trọng. Fentanyl là thuốc giảm đau nhóm opioid, có tác dụng thay đổi cảm nhận và phản ứng cơ thể với cơn đau. Nó cũng được dùng làm thuốc giải trí, thường trộn với heroin và cocaine tạo cảm giác hưng phấn cho người dùng.
Ngoài miếng dán Duragesic, Johnson & Johnson còn sản xuất tapentadol dạng viên với tên thương mại Nucynta. Tapentadol cũng là thuốc giảm đau nhóm opioid. huốc giảm đau nhóm opioid là nhóm các chất tự nhiên và tổng hợp, chủ yếu được sử dụng để giảm đau.
Nếu sử dụng liên tục thuốc nhóm opioid, con người sẽ bị phụ thuộc thuốc, đòi hỏi tăng liều và dẫn đến hội chứng cai khi đột ngột ngừng. Trường hợp sử dụng lượng opioid quá liều lượng mà cơ thể và bộ não chịu được, bệnh nhân có nguy cơ bị suy hô hấp hoặc ngừng tim, dẫn đến tử vong.Ông Brad Beckworth, luật sư bang Oklahoma cho biết Johnson & Johnson đã thúc đẩy các bác sĩ kê đơn thuốc giảm đau bằng cách quảng bá sản phẩm này là "an toàn và hiệu quả", "phù hợp với các cơn đau hàng ngày" nhưng giấu nhẹm khả năng gây nghiện.
Trong hồ sơ gửi lên tòa án, bang Oklahoma gọi Johnson & Johnson là "ông trùm" đằng sau "cuộc khủng hoảng sức khỏe tồi tệ nhất do con người gây ra trong lịch sử bang", gây ra mối nguy hại cho cộng đồng, làm tiêu tốn hàng tỷ USD và phá hoại hàng nghìn cuộc đời. Bang Oklahoma ước tính phải mất 20-30 năm với chi phí 12,7-17,5 tỷ USD mới giải quyết được cuộc khủng hoảng opioid do Johnson & Johnson gây ra.
Trước cáo buộc của bang Oklahoma, Johnson & Johnson phủ nhận và khẳng định đã tiếp thị sản phẩm "một cách có trách nhiệm". Larry Ottaway, luật sư bào chữa cho tập đoàn này cho biết thông tin Johnson & Johnson dùng để quảng cáo không khác gì so với hướng dẫn của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) năm 2009 rằng thuốc giảm đau, nếu được dùng đúng liều, hiếm khi gây nghiện.
Đây là phiên tòa lớn đầu tiên trong số 2.000 đơn kiện khắp nước Mỹ đòi các nhà sản xuất thuốc giảm đau chịu trách nhiệm về đại dịch opioid. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng tránh Dịch bệnh Mỹ (CDC), mỗi ngày, nước này có 130 người chết vì dùng thuốc opioid quá liều. Năm 2017, hơn 70.200 người Mỹ tử vong vì sốc thuốc opioid.
Ngoài Johnson & Johnson, Purdue Pharma - nhà sản xuất thuốc giảm đau OxyContin và Công ty Teva Pharmaceuticals cũng bị tố tiếp thị sai lệch về thuốc giảm đau, góp phần vào đại dịch opioid. Cả hai hãng này đều bị kiện và phải bồi thường. Ngày 26/5, dù không thừa nhận sai phạm, Teva Pharmaceuticals đồng ý chi trả 85 triệu USD cho bang Oklahoma còn Purdue Pharma đạt được thỏa thuận 270 triệu USD với tiểu bang.
Phiên tòa giữa bang Oklahoma và Johnson & Johnson sẽ tiếp tục trong những ngày tới. Opioid là nhóm thuốc giảm đau thuộc danh sách cần kiểm soát, yêu cầu bác sĩ có giấy phép đặc biệt mới được kê đơn. Opioid thường được dùng cho bệnh nhân ung thư, chấn thương nặng hoặc đang hồi phục sau phẫu thuật.
"Đại dịch opioid" hay "khủng hoảng opioid" được dùng để chỉ sự gia tăng nhanh chóng trong việc sử dụng thuốc giảm đau nhóm opioid, kể cả kê đơn và không kê đơn, ở Mỹ từ cuối những năm 1990. Hậu quả là số ca tử vong vì quá liều opioid ngày một nhiều. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng tránh Dịch bệnh Mỹ (CDC), mỗi ngày nước này có 130 người chết vì dùng thuốc opioid quá liều. Năm 2017, 70.200 người Mỹ chết vì sốc thuốc, trong đó 68% liên quan đến opioid.
Minh Nguyên (Theo CNN, BBC)
Trung - Mỹ giảm đầu tư song phương
Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Mỹ hồi năm ngoái giảm 83% do sự ngờ vực ngày càng tăng giữa hai nền kinh ... |
Liệu pháp phục hồi "độc", lạ
Một số liệu pháp phục hồi sức khỏe và ngăn chặn chấn thương mới lạ đang gây sốt, bất chấp chi phí đắt đỏ trong ... |
Phát hiện chấn thương bí mật sau cú ngã cách đây 20 năm
Bệnh nhân phải chịu đau đớn suốt 20 năm qua và uống hàng chục kg thuốc giảm đau chỉ vì một chấn thương được giấu ... |
Ngày đăng: 15:13 | 29/05/2019
/