Việc giành giải nhất bảng B cuộc đua xe tăng Army Games 2020 phản ánh kết quả huấn luyện gian khổ đầy mồ hôi và nước mắt của Binh chủng Tăng - thiết giáp Việt Nam.

Trong năm thứ ba tham gia bộ môn Xe tăng hành tiến (Tank Biathlon) của Hội thao quân sự quốc tế (Army Games), đội tuyển xe tăng Việt Nam đã xuất sắc giành ngôi đầu tại Bảng 2 của giài đấu (bảng đấu dành cho các quốc gia chưa sở hữu, hoặc chưa có nhiều kinh nghiệm vận hành xe tăng T-72B3).

Tăng Việt Nam vô địch Army Games 2020: Phía sau vinh quang là mồ hôi, nước mắt - 1
Việt Nam giành hạng nhất bảng 2 hạng mục đua xe tăng - Tank Biathlon ở Army Games 2020.

Với thành tích này, tại Army Games được tổ chức vào năm 2021, Việt Nam sẽ đường hoàng bước vào thi đấu tại Bảng 1 - bảng đấu dành cho các “ông lớn” về quân sự như Nga, Trung Quốc, Belarus, hay các quốc gia thuộc Liên Xô cũ trước đây, có trang bị xe tăng T-72B3 và tương đương. Nói cách khác, từ chỗ chỉ đến giải đấu để giao lưu và học hỏi kinh nghiệm, Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn cạnh tranh thành tích cao, sánh vai với các cường quốc trên thế giới về quân sự.

Tank Biathlon: Thao trường nghiền tăng

Nhìn lại chặng đường đã qua của đội tuyển xe tăng Việt Nam, từ năm 2018 đến năm 2020, từ vòng loại đến vòng bán kết, vòng chung kết, có thể thấy rõ nỗ lực xuất sắc của đội tuyển xe tăng Việt Nam. Kết quả này cũng phản ánh kết quả huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Binh chủng Tăng - thiết giáp Việt Nam. Đường vinh quang không trải hoa hồng, chiến thắng của đội tuyển là rất nhiều mồ hôi, thậm chí cả máu của những người lính xe tăng.

Việt Nam là một quốc gia có truyền thống lâu dài về việc sử dụng xe tăng. Binh chủng Tăng - Thiết giáp Việt Nam được thành lập từ năm 1965, và đã ra quân đánh thắng trận đầu tại Làng Vây năm 1968. Xe tăng Việt Nam đã in vết xích trên suốt chặng đường kháng chiến chống Mỹ, tham gia bảo vệ biên giới phía bắc, phía tây nam, làm nhiệm vụ quốc tế tại nước bạn, v.v…

Mang truyền thống đáng tự hào “Đã ra quân là đánh thắng”, binh chủng Tăng - Thiết giáp Việt Nam hôm nay đã có lực lượng hùng mạnh, lên đến hàng ngàn xe tăng - thiết giáp trực chiến và niêm cất trong các tổng kho kĩ thuật.

Video: Phần thi bắn hành tiến của Đội tuyển Việt Nam, hạng mục Tank Biathlon - Army Games 2020

Tuy nhiên, khi bước vào thi đấu tại Army Games, đội tuyển xe tăng Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn: Trong biên chế của Binh chủng Tăng - Thiết giáp Việt Nam hiện nay chủ yếu là các xe tăng kiểu cũ, mang pháo chính cỡ nòng 100mm (xe T-54/55/59), 115mm (xe T-62), ít có xe tăng mang pháo chính 125mm. Đây là điều dễ hiểu, vì điều kiện kinh tế của đất nước còn khó khăn, trong mua sắm quốc phòng phải ưu tiên đầu tư cho những quân binh chủng “tiến thẳng lên hiện đại” như Hải quân, Phòng không – Không quân, Thông tin Liên lạc, Tác chiến điện tử, v.v…

Gần đây, Việt Nam đã nhập khẩu 64 xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại T-90S/SK, có nhiều điểm tương đồng với loại xe tăng T-72B3 được sử dụng trong thi đấu Tank Biathlon. Tuy nhiên, đây là những tài sản quá quý giá của bộ đội xe tăng Việt Nam, phải dùng để trực sẵn sàng chiến đấu, cần tiết kiệm đạn được và giờ máy nổ. Không thể đem những xe tăng T-90S cho đội tuyển luyện tập, bởi điều kiện thi đấu Tank Biathlon rất khắc nghiệt, kíp chiến đấu phải khai thác xe tăng ở mức vượt quá những giới hạn thông thường của tốc độ và sức mạnh động cơ.

Thực tiễn thi đấu tại Nga đã cho thấy: Thao trường Tank Biathlon là “máy nghiền xe tăng”, khi liên tiếp những chiếc xe tăng T-72B3 (phiên bản nội địa của Nga cho các đội tuyển nước bạn mượn) đã bị phá hỏng. Xe tăng Type-96 hiện đại bậc nhất của Trung Quốc mang đi thi cũng không chịu nổi điều kiện thao trường, bị “rụng” bánh chịu nặng trong kì thi năm 2019.

Với điều kiện Việt Nam, trong bối cảnh công nghiệp quốc phòng của đất nước chưa tự sản xuất được xe tăng, phải nhập khẩu bằng ngoại tệ, thì việc “xài sang”, “tàn phá” xe tăng để tìm kiếm thành tích là không thể chấp nhận. Vì vậy, đội tuyển Việt Nam vẫn phải luyện tập trên xe T-54 kiểu cũ, có bố trí buồng lái khác với xe T-72B3. Những năm gần đây, các thành viên kíp xe được ngồi trên xe T-90S và chạy cự li ngắn để quen cảm giác xe, nhưng không được bắn đạn pháo tăng 125mm.

Việc thiếu xe tăng T-72B3 để luyện tập là nhân tố chính ảnh hưởng đến kết quả thi đấu của đội tuyển Việt Nam. Các kíp xe tăng Việt Nam chỉ có thời gian rất ngắn để làm quen với xe tăng của nước bạn cho mượn để thi đấu. Trong ba kì Tank Biathlon mà Việt Nam tham gia, đã có không ít trường hợp kíp xe Việt Nam bị gặp sự cố do chưa quen thuộc với khí tài. Thậm chí, đã có tài xế bị thương (gãy răng) do va đập khi xe chạy với tốc độ cao.

Một cản trở khác với bộ đội xe tăng Việt Nam, đó là yếu tố hình thể và thể lực của người châu Á tỏ ra không phù hợp với một loại xe tăng đến từ xứ sở Bạch Dương. Điều kiện thời tiết lạnh của thao trường nước Nga cũng rất khác với những bãi tập ở nước Việt Nam nhiệt đới gió mùa, ảnh hưởng không nhỏ đến thể lực của kíp xe.

Vinh quang không chỉ hoa hồng

Mặc dù gặp muôn vàn khó khăn, nhưng bằng quyết tâm cao, và sự rèn luyện kĩ lưỡng, đội tuyển xe tăng Việt Nam đã giành thắng lợi tại Bảng 2 của Tank Biathlon. Mồ hôi và cả máu của các thành viên đội tuyển xe tăng đã mang lại vinh quang cho binh chủng, và cho đất nước.

Quan sát xe tăng Việt Nam thi đấu tại Tank Biathlon 2020, có thể thấy rõ: Mặc dù điều kiện thi đấu của mỗi vòng thi đều tăng dần theo hướng ngày càng khắc nghiệt, nhưng thành tích của đội tuyển xe tăng Việt Nam lại chỉ tăng chứ không giảm.

Tại vòng loại, ba kíp xe Việt Nam chỉ tiêu diệt được 9/24 mục tiêu, nhưng đến vòng bán kết và chung kết thì thành tích này đã được nâng lên thành 13/24 mục tiêu. Các kíp xe Việt Nam phối hợp nhịp nhàng, không “bỏ bắn chạy phạt” để chạy đua tốc độ, mà kiên quyết phát huy hỏa lực để tiêu diệt mục tiêu. Các xạ thủ Việt Nam có thế mạnh ở các bài bắn súng máy cao xạ 12,7mm, và súng máy song song 7,62mm, là những khí tài cỡ nhỏ mà ở trong nước có nhiều điều kiện luyện tập. Với các bài bắn pháo chính 125mm (được đánh giá là bài bắn khó nhất tại Tank Biathlon), kíp xe tăng Việt Nam cũng có thành tích tương đối cao.

Video: Việt Nam vô địch bảng 2 hạng mục Tank Biathlon tại Army Games 2020

Nhờ sự quan tâm của các cấp lãnh đạo Binh chủng, đội tuyển xe tăng Việt Nam đã xây dựng được đấu pháp hợp lý, cương nhu đúng lúc, tận dụng triệt để thời gian để hoàn thành bài thi. Trong trận chung kết, mặc dù kết quả bắn của kíp xe tăng số 1 và số 2 chưa cao (chỉ tiêu diệt 4/8 và 2/8 mục tiêu), nhưng kíp xe tăng số 3 của Việt Nam vẫn giữ được bình tĩnh, xuất sắc bắn tiêu diệt 7/8 mục tiêu, gây ấn tượng mạnh với khán giả và các quan sát viên quân sự quốc tế tham gia giải đấu.

Thắng lợi tại Tank Biathlon 2020 cho thấy những phẩm chất của người Việt Nam, những kĩ năng chiến thuật của bộ đội xe tăng Việt Nam là không thua kém so với những cường quốc quân sự trên thế giới. Chúng ta tự hào rằng: Thế hệ con cháu của những kíp xe đã đánh trận Làng Vây, đã húc cổng Dinh Độc Lập, đã kế thừa được truyền thống của ông cha, giương cao nòng pháo để bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Tank Biathlon - nơi hội tụ những anh tài xe tăng

Army Games là Hội thao quân sự quốc tế thường niên do Bộ Quốc phòng Nga đăng cai. Đây là hình thức giao lưu và đua tài của quân nhân quân đội các nước, dưới hình thức các bộ môn thi đấu chuyên ngành gắn với quân binh chủng. Ví dụ như bộ môn Xe tăng hành tiến (Tank Biathlon) của xe tăng, bộ môn Xung kích Suvorov (Suvorov Attack) của xe chiến đấu bộ binh, bộ môn Bậc thầy pháo binh (Masters of artillery fire) của súng cối hạng nặng, bộ môn Bầu trời quang đãng (Clear skies) của tên lửa phòng không tầm ngắn vác vai, v.v…

Tăng Việt Nam vô địch Army Games 2020: Phía sau vinh quang là mồ hôi, nước mắt - 2
Các thành viên Đội tuyển xe tăng Việt Nam nâng cao Cúp vô địch. (Ảnh: Báo Quân đội nhân dân)

Ở mỗi bộ môn, các đội tuyển sẽ phải vượt qua nhiều thử thách như đua tốc độ, vượt chướng ngại vật, phát huy hỏa lực của vũ khí - khí tài được trang bị để tiêu diệt mục tiêu.

Trong các bộ môn ở Army Games, thì Tank Biathlon vẫn là bộ môn thu hút nhiều sự quan tâm nhất. Lẽ đơn giản, xe tăng là “bà chúa chiến trường”, là quả đấm thép mang sức mạnh đột kích của lục quân, là nòng cốt của bộ binh cơ giới. Vì vậy, từ khi Army Games được tổ chức năm 2015, Tank Biathlon đã trở thành bộ môn chủ chốt của Hội thao.

Các đội tuyển dự thi sẽ phải chạy đua về tốc độ, vượt qua các chướng ngại vật như cầu vệt bằng, bãi mìn, đường gồ ghề, dải lửa, v.v… Mặt khác, các kíp xe tăng tham gia thi đấu cũng phải phát huy hỏa lực của tất cả các loại vũ khí trên xe T-72B3 (pháo tăng 125mm, súng máy hạng nặng 12,7mm, súng máy song song 7,62mm) để tiêu diệt các loại mục tiêu đa dạng như bia xe tăng, bia trực thăng bay treo, bia pháo chống tăng, bia bộ binh chống tăng.

Nếu bắn trượt mục tiêu, kíp xe sẽ phải chạy vòng phạt 500m; còn nếu phạm qui, kíp xe sẽ bị phạt bằng hình thức cộng giờ, hoặc vào khu vực phạt xuống xe kiểm tra khí tài. Thành tích thi đấu được xác định trên cơ sở thời gian: Đội tuyển nào tiêu thụ ít thời gian nhất sẽ giành chiến thắng.

Army Games 2020 ngày 3.9: Xe tăng Việt Nam vào chung kết bảng 2 Army Games 2020 ngày 3.9: Xe tăng Việt Nam vào chung kết bảng 2
Các đội tuyển Quân đội nhân dân Việt Nam giành thành tích cao tại Army Games 2020 chào mừng Quốc khánh 2-9 Các đội tuyển Quân đội nhân dân Việt Nam giành thành tích cao tại Army Games 2020 chào mừng Quốc khánh 2-9
Đội tuyển bắn tỉa Quân đội nhân dân Việt Nam lần đầu lên ngôi Đội tuyển bắn tỉa Quân đội nhân dân Việt Nam lần đầu lên ngôi
Hình ảnh đội tăng Việt Nam thi đấu tại vòng bán kết Tank Biathlon Hình ảnh đội tăng Việt Nam thi đấu tại vòng bán kết Tank Biathlon

Ngày đăng: 15:48 | 05/09/2020

/ vtc.vn