Dù GDP quý III tăng kỷ lục, kinh tế Mỹ chỉ mới leo lên được một phần từ hố sâu đại dịch và tốc độ cũng đang chậm lại.
Hôm qua (29/10), Bộ Thương mại Mỹ công bố GDP quý III tăng 33,1% (đã điều chỉnh về cơ sở hàng năm) và tăng 7,4% so với quý trước. Đây là kỷ lục tăng trưởng kể từ sau Thế chiến II, với mức cao nhất từng ghi nhận là 16,7%, vào quý I/1950.
Sự phục hồi được thúc đẩy một phần nhờ hàng nghìn tỷ USD cứu trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp mà Mỹ tung ra hồi đầu năm. Số liệu GDP cũng là dữ liệu kinh tế quan trọng cuối cùng được công bố trước cuộc bầu cử tổng thống vào tuần sau.
Chiến dịch tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump ca ngợi kết quả là sự "xác thực tuyệt đối" các chính sách của chính quyền. Trong khi đó, phía ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Joe Biden không đề cao vì cho rằng đà phục hồi đang yếu dần.
Diễn biến tăng trưởng GDP Mỹ từ 2015 đến quý III.2020 (số liệu so với quý liền trước). Đồ họa: NYT. |
Các nhà kinh tế thì cho rằng các số liệu quý III ít tiết lộ được sức mạnh phục hồi, mà chủ yếu thể hiện mức độ nghiêm trọng của sự suy giảm trước đó. GDP Mỹ giảm 5% trong quý đầu, sau đó lao dốc tới 31,4% quý II – theo số liệu đã điều chỉnh về cơ sở hàng năm, khi đại dịch buộc các doanh nghiệp phải đóng cửa. Do đó, phục hồi quy mô lớn là tất yếu, khi nền kinh tế mở cửa trở lại. Thách thức thực sự chính là những gì sẽ xảy ra tiếp theo.Diễn biến tăng trưởng GDP Mỹ từ 2015 đến quý III.2020 (số liệu so với quý liền trước). Đồ họa: NYT.
Số tiền cứu trợ giờ đã cạn kiệt. Quy mô nền kinh tế trong quý III vẫn nhỏ hơn 3,5% so với cuối năm 2019.
"Mức tăng kỷ lục không đủ để đưa chúng ta thoát khỏi hố sâu mà Covid đã để lại", Diane Swonk - kinh tế trưởng tại Grant Thornton đánh giá. Bà cho rằng rủi ro từ việc số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt gần đây tại Mỹ sẽ là hiểm họa tiềm năng trong quý IV. "Thật khó để mở cửa nền kinh tế trừ khi người lao động và người tiêu dùng cảm thấy an toàn và khỏe mạnh", bà nói.
"Lý do giúp chúng ta có sự phục hồi lớn như vậy là nền kinh tế đã chuyển từ đóng cửa sang mở lại một phần", Michelle Meyer - chuyên gia tại Bank of America cho biết, "Tăng trưởng dễ dàng đã không còn và bây giờ là giai đoạn khó khăn cần phải vượt qua để phục hồi hoàn toàn".
Có dấu hiệu cho thấy sự phục hồi đang chậm lại. Sản xuất công nghiệp giảm trong tháng 9 và tăng trưởng việc làm đã hạ nhiệt. Hầu hết nhà kinh tế dự báo sự giảm tốc sẽ tồi tệ hơn trong ba tháng cuối năm, khi số ca nhiễm tăng và sự hỗ trợ của liên bang mất dần.
Trung tâm thương mại American Dream tại East Rutherford, New Jersey hôm 27/10. Ảnh: AP. |
Hầu hết các nhà dự báo cho rằng tăng trưởng sẽ chậm lại, chỉ còn 1-1,5%. Một số thậm chí cho rằng tốc độ còn yếu hơn. Điều này sẽ khiến nền kinh tế Mỹ nhỏ hơn khoảng 2,5% so với trước đại dịch.
Mức giảm 2,5% sẽ tương đương với một cuộc suy thoái tương đối điển hình - nhỏ hơn khủng hoảng tài chính, nhưng tệ hơn những cuộc suy thoái nhẹ vào đầu những năm 1990 và 2000. "Chúng ta không còn nằm trong vùng suy thoái chưa từng có tiền lệ nữa, nhưng đây vẫn là một vết thương rất sâu", Tara Sinclair - nhà kinh tế tại Đại học George Washington đánh giá.
Theo bà Sinclair, điều đáng lo ngại là sau sự bật lại ban đầu, nền kinh tế dường như đang rơi vào một lối mòn quen thuộc trong những thập kỷ gần đây là giảm mạnh trong suy thoái mạnh, sau đó phục hồi rất chậm chạp. Việc Quốc hội không cấp thêm gói kích thích khiến khả năng phục hồi yếu hơn.
Dữ liệu Bộ Lao động Mỹ công bố hôm qua cho thấy 732.000 người đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tuần trước, giảm khoảng 28.000 người so với tuần trước đó. Số liệu này gần đây chỉ giảm nhẹ và vẫn rất cao so với lịch sử. Hàng triệu người bị mất việc làm từ đầu đại dịch đến giờ vẫn thất nghiệp.
"Chúng ta đang đi đúng hướng, nhưng không nhanh như chúng ta cần", AnnElizabeth Konkel, chuyên gia kinh tế - thị trường lao động của Indeed Hiring Lab đánh giá, "Chúng ta cần phục hồi nhanh hơn để người lao động không chuyển sang trạng thái thất nghiệp dài hạn".
Laura Mayer từng là giám đốc Public House, một nhà hàng tại Oracle Park, San Francisco. Bà phải nghỉ việc không lương từ tháng 3 và bị sa thải vĩnh viễn hồi tháng 9. Mayer năm nay 56 tuổi, nhận 450 USD trợ cấp thất nghiệp của bang, cộng 600 USD trợ cấp bổ sung của liên bang mỗi tuần. Chồng bà cũng mất việc trong nhà hàng và nhận trợ cấp tương tự.
Tuy nhiên, khoản bổ sung 600 USD đã hết hạn vào cuối tháng 7 và quốc hội vẫn chưa đồng ý về kế hoạch thay thế nó. Các phúc lợi bang của Mayer hết vào cuối tháng 9, cùng tuần mà bà mất việc. Phúc lợi liên bang sau đó được gia hạn, nhưng cũng sẽ hết hạn vào tháng 12. Chồng bà thì tìm được một công việc trong nhà hàng vào tháng 6, nhưng chỉ được làm 25 giờ mỗi tuần. Thu nhập của ông không đủ cho cả hai.
"Tất cả những gì tôi xây dựng cả đời đã bị xóa sổ. Tôi không biết tương lai của mình là gì và có lẽ là điều đáng sợ nhất", Mayer nói.
Báo cáo GDP mới cũng không phân tích dữ liệu theo chủng tộc, giới tính hoặc thu nhập. "Nếu chúng ta nghĩ nền kinh tế đang phục hồi hoàn toàn và đồng đều, điều đó là không đúng", Michelle Holder - nhà kinh tế học tại John Jay College ở New York cho biết, "Sự phục hồi này được phân bổ không đồng đều theo chủng tộc và giới tính".
Chi tiêu tiêu dùng cho hàng hóa (xanh dương) và dịch vụ (lá cây) vào quý III/2020 so với cuối 2019. Đồ họa: NYT. |
Tiêu dùng đã thúc đẩy sự phục hồi trong quý III, khi tăng gần 9%. Tuy nhiên, sự phục hồi đó cũng không đồng đều. Một số ngành tăng trưởng lớn và một số ngành vẫn đóng cửa. Cụ thể, chi tiêu cho hàng hóa tăng mạnh, gần 10%, quá đủ để bù đắp mức giảm 2,8% vào mùa xuân. Trong khi đó, chi tiêu cho dịch vụ chỉ tăng 8,5% trong quý trước, vẫn thấp hơn 7,7% so với trước đại dịch.
Hai doanh nghiệp tại Wisconsin có thể minh họa cho hai xu thế này. Khi các nhà máy ôtô của Mỹ đóng cửa vào mùa xuân, Husco International - nhà sản xuất các bộ phận thủy lực, cơ điện ôtô và các thiết bị khác - bị mất việc kinh doanh ngay lập tức. Công ty cắt giảm sản lượng và nhiều công nhân.
Nhưng đến cuối tháng 5, khi các nhà máy sản xuất ôtô hoạt động trở lại, việc kinh doanh của Husco bắt đầu khởi sắc. Vào tháng 9, bộ phận ôtô của họ đã có tháng tốt nhất lịch sử. Dù vậy, Austin Ramirez - chủ tịch kiêm CEO của công ty, vẫn dự kiến doanh số giảm khoảng 10% trong cả năm. Vì bất chấp kết quả tháng 9 tốt, đại dịch và kinh tế suy yếu vẫn đang ghìm nhu cầu xuống.
Dù vậy, thiệt hại đối với hoạt động kinh doanh của ông gần như không nghiêm trọng như trong cuộc suy thoái một thập kỷ trước. "Với doanh nghiệp phụ thuộc vào chu kỳ kinh tế như chúng tôi, đây thực sự là một cuộc suy thoái khá nhẹ mà chúng tôi có đủ công cụ để kiểm soát", Ramirez nói.
Becky Cooper trong trung tâm giải trí vẫn đang đóng cửa của gia đình. Ảnh: NYT. |
Trong khi đó, với Becky Cooper, đó là một câu chuyện khác. Bounce Milwaukee, trung tâm giải trí gia đình mà cô sở hữu cùng chồng, đã đóng cửa vào tháng 3 và vẫn chưa mở trở lại. Họ đã thử bán bánh pizza mang đi và chiếu phim tại các bãi đỗ xe, nhưng thu không đủ bù chi.
Đầu năm nay, hai vợ chồng đã mơ về những kế hoạch sẽ làm sau khi trả xong khoản vay mở doanh nghiệp 6 năm trước. Tuy nhiên, giờ họ đã tiêu hết tiền tiết kiệm và còn gánh thêm nợ. Hiện tại, khi số ca nhiễm ở Wisconsin tăng đột biến, họ không biết khi nào có thể chào đón khách hàng trở lại, hoặc mình có thể cầm cự đến lúc đó hay không. "Khi nhìn những con số tăng lên, tôi chỉ cảm thấy bất lực", Cooper nói.
Phiên An (theo NYT, WSJ)
Ngày đăng: 15:04 | 30/10/2020
/ vnexpress.net