Tăng trưởng GDP bình quân theo giá hiện hành giai đoạn 2007-2017 là 22%, trong khi luồng tiền chảy ra nước ngoài thuần là 32%.
Đây là tính toán của chuyên gia kinh tế - TS Bùi Trinh trong bài viết đăng tải trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 17/3.
Căn cứ vào những con số của Tổng cục Thống kê về GNI, GDP và chi trả sở hữu thuần giai đoạn 2007-2017, TS Bùi Trinh cho biết, xét về cấu trúc sở hữu, nền kinh tế Việt Nam rất manh mún và hầu như không có sự thay đổi đáng kể về cấu trúc. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn không thể phát triển, tỷ trọng giá trị gia tăng của khu vực này trong GDP rất thấp (dưới 10%) và hầu như không thay đổi trong suốt tám năm (2010-2017).
Điều này cho thấy khi số lượng doanh nghiệp trong nước tăng lên hay mất đi chỉ là sự thay đổi về số lượng, còn giá trị dường như không thay đổi. Đóng góp vào GDP lớn nhất vẫn là khu vực kinh tế cá thể. Tuy nhiên nếu xét về tốc độ tăng trưởng thì khu vực FDI và khu vực kinh tế tư nhân (doanh nghiệp) có tốc độ tăng ổn định nhất.
Theo nguyên tắc về thường trú của Hệ thống các tài khoản quốc gia (SNA), phần giá trị tăng thêm của khu vực có vốn nước ngoài được tính vào GDP, sau đó các doanh nghiệp trong khu vực này có thể giữ phần lợi nhuận lại để tái đầu tư và cũng có thể chuyển tiền về nước “mẹ”.
GNI, GDP và chi trả sở hữu thuần giai đoạn 2007-2017
"Như vậy, tuy khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp cao vào tăng trưởng GDP nhưng lại góp phần không nhỏ làm luồng tiền chảy ra nước ngoài thuần túy càng tăng nhanh hơn.
Cụ thể, tăng trưởng GDP bình quân theo giá hiện hành giai đoạn 2007-2017 là 22% trong khi luồng tiền chảy ra nước ngoài thuần là 32%, từ đó làm tỷ lệ tổng thu nhập quốc gia (GNI) so với GDP giảm từ 97,2% năm 2000 xuống 95,2% năm 2017", chuyên gia kinh tế Bùi Trinh nhận xét.
Từ những phân tích ở trên, vị chuyên gia một lần nữa nhắc lại điều ông đã cảnh báo từ lâu, đó là càng tăng trưởng GDP, nguồn lực của đất nước càng bị suy giảm khi tăng trưởng dựa vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài hoặc tiêu dùng đầu tư như trên.
Trong nhiều bài viết trước đây, TS Bùi Trinh cũng đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam hầu như không thu được gì từ công nghệ, lao động, đến thuế từ khu vực FDI, trong khi luồng tiền chảy ra ngoài qua chi trả sở hữu hàng năm là cực lớn.
Chẳng hạn, về mặt thuế, ông cho biết, trong thuế và các khoản nộp ngân sách bao gồm cả thuế gián thu và trực thu. Khoản thuế gián thu về bản chất không phải của khu vực FDI đóng góp vào ngân sách, mà là khoản người dân Việt Nam đóng góp vào ngân sách thông qua tiêu dùng sản phẩm của khu vực FDI.
Để xem đóng góp của FDI thực sự là bao nhiêu cần nhìn vào thuế thu nhập doanh nghiệp (thuế trực thu) mà khối này nộp vào ngân sách.
Ví dụ, năm 2016, tổng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp của khối FDI được miễn giảm và ưu đãi ở mức 35.300 tỷ đồng. Tại nhiều doanh nghiệp FDI, tổng số thuế được ưu đãi từ khi đi vào hoạt động tương đương số vốn họ bỏ ra đầu tư vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, khi đầu tư sang Việt Nam, hầu hết các doanh nghiệp FDI đều báo cáo lỗ hoặc lãi một chút. Như vậy, thuế thu nhập doanh nghiệp phía Việt Nam thu được cũng chẳng là bao.
FDI được kỳ vọng giúp giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, nhưng lao động người Việt tại các doanh nghiệp FDI năm cao nhất cũng chỉ chiếm 6%, trong khi đó lao động trong khu vực kinh tế tư nhân chiếm tới 43%.
Hầu hết các doanh nghiệp FDI đều làm gia công rồi xuất khẩu nên gần như không có sự lan tỏa gì về công nghệ. Trong một nghiên cứu của một nhóm chuyên gia của Đại học Quốc gia Hà Nội cho thấy khu vực FDI thải ra lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính cao hơn khí thải từ các phương tiện tham gia giao thông khá nhiều.
TS Bùi Trinh chỉ ra rằng, nguồn lực thực sự của nền kinh tế là tiết kiệm (saving). Tiết kiệm bắt đầu hình thành từ GDP cộng (+) phần thu được từ sở hữu trừ (-) phần chi trả sở hữu cộng (+) chuyển nhượng thuần túy trừ (-) tiêu dùng cuối cùng. Nếu “thu được từ sở hữu trừ (-) chi trả sở hữu - chi trả sở hữu thuần” là một số âm và số âm này ngày càng lớn, sẽ dẫn đến tiết kiệm ngày càng nhỏ lại.
Tiết kiệm là nguồn cơ bản để đầu tư, nếu tiết kiệm luôn nhỏ hơn khoản cần đầu tư thì nhu cầu vay sẽ càng lớn. Đấy phải chăng là lý do tại sao GDP tăng cao mà nợ phải trả ngày một nhiều.
Tăng trưởng GDP 2018 đạt 7,08%, cao nhất từ 2008
Theo Tổng cục Thống kê, GDP năm nay đạt mức tăng cao nhất kể từ năm 2008, còn lạm phát cũng dưới 4% mục tiêu ... |
Tăng trưởng GDP dự kiến vượt 6,7%
Ủy ban Kinh tế lưu ý sức ép từ tăng giá dầu, lãi suất USD, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc... có thể ... |
Thành công kiểu California
Bất cứ điều gì Tổng thống Mỹ Donald Trump nói, chính quyền bang California đều làm ngược lại và kết quả nhận được không tồi |
Ngày đăng: 14:00 | 19/03/2019
/ http://baodatviet.vn