Giá 1 mớ rau, miếng thịt hay bộ quần áo đã gồm rất nhiều thuế VAT tiềm ẩn. Người dân mua hàng dù không có hóa đơn nhưng vẫn phải chịu thuế.
Càng nghèo càng ảnh hưởng
Tại họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 8, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai khẳng định, việc tăng thuế VAT lên 12% để cơ cấu lại ngân sách Nhà nước và sẽ không ảnh hưởng nhiều đến người nghèo.
Chia sẻ với Đất Việt, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện phó Viện nghiên cứu Thị trường giá cả (Bộ Tài chính) khẳng định không đồng tình với ý kiến trên của Bộ Tài chính.
Theo ông Long, thuế VAT là thuế lũy thoái, chủ yếu đánh vào giá trị tăng thêm của hàng hóa. Một khi đã là thuế gián thu thì tất cả mọi người, kể cả người giàu hay người nghèo đều bị ảnh hưởng.
Bộ Tài chính khẳng định tăng thuế VAT không ảnh hưởng tới người nghèo |
“Rất nhiều chuyên gia trong nước và thế giới đã khẳng định tăng thuế VAT sẽ tạo nên áp lực với người nghèo.
Ông Sebastian Eckhardt, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam mới đây khẳng định, giữ thuế VAT thấp sẽ có lợi cho người giàu. Tuy nhiên ông này cũng thừa nhận, tăng thuế VAT tác động mạnh đến người nghèo là có căn cứ.
Chúng ta phải hiểu rằng thuế VAT tác động đến 2 đối tượng người giàu và người nghèo, trong đó tạo ra không ít áp lực với người nghèo”, ông Long khẳng định.
Vị chuyên gia thẳng thắn cho rằng, việc Bộ Tài chính dựa vào những phát biểu của chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới để khẳng định việc tăng thuế VAT không tác động đến người nghèo là không có cơ sở.
Ông Long ví von, một người có 10 hay 100 chiếc áo, nếu chẳng may bị mất hoặc bị rách một vài chiếc sẽ không ảnh hưởng quá nhiều. Tuy nhiên với người sở hữu duy nhất một chiếc áo thì trường hợp nào cũng bị tác động.
“Trong các loại thuế, VAT chiếm một tỷ trọng rất lớn trong nguồn thu. Vì thuế đánh vào tiêu dùng và cả xã hội tiêu dùng. Với những người giàu có mức độ ảnh hưởng sẽ không quá nhiều. Tuy nhiên, với những người có thu nhập thấp, càng nghèo càng ảnh hưởng nghiêm trọng”, ông Long nhấn mạnh.
Dân đóng thuế VAT gián tiếp
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cũng khẳng định không đồng tình với giải thích của Bộ Tài chính về việc tăng thuế VAT.
Theo ông Hiếu, Bộ Tài chính có lý ở chỗ những món hàng mà người có thu nhập thấp mua không có hóa đơn. Chẳng hạn như đi chợ mua rau, miếng thịt thì không có hóa đơn và tính thuế VAT.
Có thể nói đến 50% chi phí của người dân là chi phí sinh hoạt hàng ngày và nhiều khoản không có VAT.
Tuy nhiên ông Hiếu cho rằng, các sản phẩm đến tay người tiêu dùng phải trải qua rất nhiều công đoạn khác nhau. Với mỗi công đoạn, doanh nghiệp đều phải đóng thuế GTGT.
"Thành ra giá thành người dân đi chợ mua 1 mớ rau, 1 miếng thịt hay 1 bộ quần áo đã gồm rất nhiều loại thuế VAT tiềm ẩn trong đó. Như vậy chung quy lại, người dân mua hàng không có hóa đơn vẫn phải chịu thuế VAT”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Vị chuyên gia dẫn chứng cụ thể trường hợp một người nghèo với mức thu nhập hàng tháng khoảng 3 triệu. Việc thuế GTGT tăng lên đồng nghĩa với việc số tiền còn lại của họ sau khi đã chi trả, trừ thuế rất ít, nhiều khi không đủ cho một người nữa.
“Với người giàu có thể tăng lên từ 10-20% nhưng sô tiền còn lại của họ để hỗ trợ sinh hoạt rất nhiều.
Người nghèo ở Việt Nam được hưởng nhiều chế độ ưu đãi hơn người giàu. Tuy nhiên do chịu những khoản thuế cộng dồn vào nên cuối cùng số tiền của họ không đủ để có thể cải thiện chất lượng đời sống, đảm bảo đời sống được an toàn, thoải mái”, ông Hiếu dẫn chứng.
Là người từng sống nhiều năm liền ở nước ngoài, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết cách tính thuế của một số nước không giống với Việt Nam.
Chẳng hạn như tại Mỹ, không hề có thuế GTGT. Thay vào đó chính quyền sẽ thu thuế doanh thu, thuế mua hàng.
“Ở California (Mỹ) thuế có thể từ 7-10% nhưng không có thuế GTGT. Thực tế dù để làm ra 1 sản phẩm trải qua nhiều công đoạn nhưng người tiêu dùng không phải chịu thuế. Họ chỉ phải chịu thuế lợi nhuận của doanh nghiệp.
Trong khi đó ở Việt Nam, chẳng hạn có 3 công đoạn từ nhà sản xuất, đến nhà môi giới và người tiêu dùng thì ở mỗi một công đoạn người tiêu thụ sau phải trả thuế VAT cho giá hàng trước. Điều này khiến giá cả cứ chồng lên”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Bộ Tài chính phải cải cách toàn diện
Ông Hiếu chia sẻ, cách đây 2 tuần ông là một trong số các chuyên gia được Bộ Tài chính mời đến để lấy ý kiến về việc tăng thuế VAT.
Tại đây, Bộ Tài chính có đưa ra 1 số đề xuất về ưu đãi cho những mặt hàng nông sản, mặt hàng thiết yếu của cuộc sống hay 1 số mặt hàng y tế. Tuy nhiên trong tương lai ông Hiếu cho rằng những mặt hàng đó cũng sẽ được tăng lên.
“Tôi thấy ưu đãi là tốt nhưng cuối cùng người tiêu dùng vẫn phải chịu thuế tăng lên từ 10-12%. Việc này sẽ tác động nhiều đến người dân, đặc biệt là người dân nghèo”, ông Hiếu nói.
Trong khi đó, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, Bộ Tài chính phải tiến hành cải cách toàn diện chứ không phải nhằm vào mục tiêu tăng thuế.
“Ngân sách mất cân đối thu chi, nợ công tăng cao, bội chi ngân sách không phải do nền kinh tế của chúng ta thấp mà là vì đầu tư sai, không hiệu quả, tham nhũng, thất thoát còn lớn.
Hiện nay Bộ Tài chính chỉ có trách nhiệm trong khâu thu. Còn việc chi tiêu, quyết định các dự án là thuộc thẩm quyền của Bộ KH-ĐT. Nhưng Bộ Tài chính phải có trách nhiệm kiểm soát phần chi cũng như phải cải cách nguồn thu bằng cách chống thất thu, chống chuyển giá, chống tồn đọng thuế, chống thất thoát thuế.
Để làm việc này chúng ta phải nghiên cứu bằng nhiều cách chứ không thể tìm cách tăng thuế lên”, ông Long nêu quan điểm.
(http://baodatviet.vn/kinh-te/bao-ve-nguoi-tieu-dung/tang-thue-vat-khong-anh-huong-toi-nguoi-ngheo-giai-thich-la-3342201/)
Ngày đăng: 09:13 | 01/09/2017
Theo Hoàng Sơn/Báo Đất việt /