Công cụ theo dõi của Moody’s Analytics dự báo khả năng Mỹ suy thoái trong 12 tháng tới là 45%.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua kêu gọi các doanh nghiệp tìm điểm sản xuất thay thế Trung Quốc, sau khi Trung Quốc áp thuế trả đũa lên 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ. Và chỉ vài giờ sau khi tổ chức một cuộc họp với các cố vấn tại Phòng Bầu dục, ông thông báo nâng thuế với khoảng 550 tỷ USD hàng Trung Quốc để đáp trả.
Thị trường tài chính toàn cầu chao đảo vì những tin tức này. Chỉ số DJIA hôm qua mất 2,4%. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm lại cao hơn kỳ hạn 10 năm. Đường cong lợi suất đảo ngược thường là chỉ báo cho một cuộc suy thoái.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại G20. Ảnh: AFP |
Các tổ chức doanh nghiệp Mỹ cũng rất giận dữ. "Doanh nghiệp không thể lên kế hoạch kinh doanh trong môi trường thế này được. Cách tiếp cận của chính phủ rõ ràng không phát huy tác dụng. Thuế với doanh nghiệp và người tiêu dùng đều sẽ tăng. Khi nào việc này mới chấm dứt?", David French – Phó chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Mỹ cho biết.
Giới phân tích thì cho rằng những lời đe dọa của ông Trump sẽ khiến khả năng suy thoái của Mỹ càng tăng và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ phải hạ lãi suất mạnh tay để ngăn việc này diễn ra. "Sự trả đũa của Trung Quốc rõ ràng cho thấy hai bên không có tiến triển trong đàm phán thỏa thuận thương mại. Tổng thống Mỹ chỉ khiến việc này leo thang thêm mà thôi. Họ đang tấn công nhau mà không ngần ngại điều gì cả. Rủi ro suy thoái đang tăng lên rất cao. Trump sẽ đẩy nền kinh tế chệch khỏi quỹ đạo. Việc này đang đến rất gần rồi", Mark Zandi – kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics nhận xét.
Trên CNBC, Michael Gapen – kinh tế trưởng tại Barclays dự báo Fed cần kích thích kinh tế nhiều hơn. Trong bài phát biểu hôm qua, Chủ tịch Fed Jerome Powell ám chỉ ông có thể tăng nới lỏng. Từ sau cuộc họp chính sách tháng 7, nhiều rủi ro mới đã xuất hiện, như biểu tình tại Hong Kong và bất ổn chính trị ở Italy. Tuy vậy, rủi ro bao trùm vẫn là thương mại. "Tôi cho rằng Fed đã chuẩn bị nới lỏng trong tháng 9. Nếu tình hình đủ tồi tệ, vấn đề chỉ là họ sẽ giảm 0,5% hay 0,25% lãi suất mà thôi", Gapen nói.
Đòn trả đũa của Mỹ - Trung trong chiến tranh thương mại. Đồ họa: Hà Thu, Tiến Thành. (Click vào hình để xem chi tiết) |
Trump hôm qua cũng chỉ trích Powell. Trong bài phát biểu, Powell để ngỏ khả năng giảm lãi thêm, nhưng không cam kết bất kỳ điều gì. Việc này rõ ràng khiến Trump không hài lòng. "Có vẻ chính phủ kỳ vọng Fed thông báo hạ lãi suất trong bài phát biểu hôm qua. Nhưng Powell đã không làm vậy", Art Hogan – chiến lược gia thị trường tại National Securities nhận xét và cho rằng chiến tranh thương mại đang tác động xấu đến thương mại toàn cầu. Với Mỹ, xuất khẩu chỉ đóng góp 15% GDP. Nhưng với các nước khác, tỷ lệ này có thể gấp đôi. Đức đã tăng trưởng âm trong quý II, trong khi GDP Mỹ vẫn tăng 2%.
"Rủi ro ở đây là nó tạo ra cảm giác kinh tế Mỹ vẫn ổn", Gapen nói. Nhưng thực chất, câu hỏi là Mỹ có thể chống chịu bao lâu trước khi rơi vào suy thoái.
Hôm thứ năm, chỉ số IHS Markit PMI cho thấy sản xuất tại Mỹ đã co lại trong tháng 7, lần đầu tiên kể từ khủng hoảng tài chính. Công cụ theo dõi của Moody’s Analytics hiện dự báo khả năng Mỹ suy thoái trong 12 tháng tới là 45%.
Cesar Rojas – nhà kinh tế học tại Citigroup cho rằng những lời đe dọa của Trump là chỉ báo chiến tranh thương mại sắp bước vào giai đoạn trầm trọng hơn nhiều. Việc này sẽ gây thiệt hại cho cả hai nền kinh tế. Doanh nghiệp Mỹ vốn đã kiềm chế chi tiêu, thì giờ càng thêm lo lắng.
"Tôi cho rằng các công ty đang ở bên bờ vực. Nếu Trump thực sự nâng thuế, họ sẽ bị đẩy xuống vực. Việc này quá sức chịu đựng với họ. Các công ty sẽ giảm chi và sa thải lao động. Đó chính là suy thoái", Zandi nói.
Hà Thu (theo CNBC/Reuters)
Ngày đăng: 16:35 | 24/08/2019
/ vnexpress.net